Café 24h: Ai cứu được bóng đá?

Tháng 11 tới đây ngành thể thao dự kiến mở một hội nghị, được cho là “Hội nghị Diên Hồng” về bóng đá nhằm đánh giá thực trạng và bàn giải pháp cứu bóng đá nước nhà khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.

Lịch sử Việt Nam chỉ có một Hội nghị Diên Hồng chỉ để nghe các bô lão đồng thanh “đánh” khi bàn về vận nước. Còn với bóng đá, từ chục năm nay có hàng loạt “Hội nghị Diên Hồng” mà chẳng đánh được ai, bóng đá cơ bản vẫn thế.

Một tờ báo lớn, có ảnh hưởng tới xã hội, đặc biệt là các bạn trẻ, quyết định mở một chuyên đề lớn, kêu gọi mọi người có ý kiến “cứu bóng đá Việt thoát đáy”. Bóng đá đúng là được nhiều người quan tâm nhưng cũng có ý kiến phản biện lại rằng, thời buổi này bao nhiêu vấn đề nóng của chính trị, xã hội, từ biển Đông đến nghị trường Đại hội Đảng, từ lương tối thiểu vùng đang gây tranh cãi tới những nguy cơ và thách thức khi hội nhập TPP… bao nhiêu thứ vậy sao không bàn chuyện “thoát khó” mà phải bàn tới bóng đá? Bóng đá Việt nó đã là đáy rồi thì cứ cho nằm ở… đáy có sao đâu.

Café 24h: Ai cứu được bóng đá?Có anh bạn làm ở tờ báo đó, giải thích rằng: “Việc coi bóng đá là nhỏ là nhận thức sai lầm của người Việt. Thể thao phải được nhìn như thế này: 2 đồng đầu tư cho thể thao là giảm 2 đồng đầu tư cho y tế, giảm tệ nạn (vì sức khoẻ tốt hơn, sống lành mạnh hơn), tăng năng suất lao động, học tập… Bóng đá hấp dẫn thì dân sẽ xem đông, xem đông thì sẽ mê, mê thì sẽ chơi và chơi thì sẽ khỏe…”.

Thật ra lý thuyết là vậy nhưng thử đặt lại vấn đề: Người Việt có chán bóng đá không? Xin thưa là không. Cuối tuần cánh đàn ông vấn cứ cắm mặt vào TV để sướng vui cùng giải Ngoại hạng. Hay nhìn ở góc độ khác, bóng đá phong trào đang lên rất cao, một giải bóng đá mang tên Ngoại hạng phủi ở Hà Nội quy tụ các đội phong trào mà người xem đến rầm rầm, liên tục vỡ sân vì quá tải.

Hãy xem những sân bóng cỏ nhân tạo mọc lên như nấm tại các thành phố lớn và đã lan ra tỉnh lẻ. Nghĩa là người ta vẫn mê, vẫn chơi ngay cả khi bóng đá ở đáy.

NHM Việt chán là chán cái đội tuyển thi đấu trồi sụt, thiếu sinh khí. Chán là chán giải V.League đổ vào cả trăm, cả ngàn tỷ đồng mà thi đấu nhạt nhòa coi thường người xem. Chán là chán cách điều hành của những người đang nắm “vận mệnh” bóng đá nước nhà. Chán là chán thứ bóng đá gọi là chuyên nghiệp nhưng bản chất là nghiệp dư.

Chẳng “hội nghị Diên Hồng” nào cứu được bóng đá. Chẳng cơ quan báo chí nào kêu gọi được ý kiến đóng góp để “ bóng đá Việt thoát đáy”. Bóng đá phải tự cứu nó trước, phải giải quyết những vấn đề của nó trước chứ không phải cứ “ở đáy” và chờ đóng góp từ bên ngoài.

Song An