Ấn tượng thể thao: Oliver Kahn – Người khổng lồ trong khung gỗ

Năm 2002 là kỳ World Cup cuối cùng trước cơn lốc toàn cầu hóa. Đó là World Cup cuối cùng mà mỗi đội bóng đều mang một bản sắc riêng biệt không trộn lẫn. Bê tông Italia, Chạy và Sút của người Anh, Samba của Brazil, điệu Tango Argentina, nét hào hoa của người Pháp… và Xe tăng Đức.

Đó cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy hình hài của một cỗ xe tăng cổ điển, mạnh mẽ, chắc chắn và thực dụng. Năm đó, Đức tiến đến tận trận chung kết tại Yokohama, hầu như chỉ bằng công sức của 2 người, Michael Ballack – thủ lĩnh về mặt chuyên môn và Oiver Kahn – thủ lĩnh tinh thần của đội bóng.

Kahn_Bleeding
Oliver Kahn luôn khiến đối phương phải khiếp sợ.

Cũng giống như Ballack, Kahn là một ngôi sao cô đơn trong ánh hoàng hôn của nền bóng đá Đức, khi mà các huyền thoại tại Italy 1990 lần lượt giã từ sự nghiệp còn các măng non thì chưa kịp trưởng thành. Nhưng may mắn hơn Ballack, Kahn có mọi danh hiệu cấp CLB cùng với Bayern Munich và thậm chí cả một chức vô địch châu Âu cùng với tuyển Đức tại nước Anh năm 1996, dù anh chỉ là dự bị cho Andreas Koepke và kỳ World Cup 2002 dường như dành riêng để tôn vinh anh.

Sự nghiệp của Kahn luôn là sự đan xen giữa vinh quang và cay đắng, trước khi tỏa sáng trong loạt sút luân lưu với Valencia năm 2001 là 3 phút điên rồ tại trong trận chung kết Champions League 1999 tại Camp Nou. Sau chức vô địch Euro 1996 là 2 lần liền bị loại ngay từ vòng bảng tại Euro 2000 và 2004, và cả kỳ World Cup duy nhất mà anh tỏa sáng. Thế nhưng, bàn thắng mở tỷ số trong trận chung kết của Ronaldo “béo” cũng bắt nguồn từ sai lầm của Kahn. Nhưng chẳng ai trách anh cả, chẳng bao giờ người ta trách anh đâu. Vì nếu không có Kahn, có lẽ Die Manschaft đã bị loại từ trận tứ kết với Mỹ rồi.

Oliver_Kahn
Không có tài năng của Kahn, Đức khó vào đến chung kết World Cup 2002.

Ở thời của mình, Kahn có lẽ là một trong 2 hoặc 3 thủ môn xuất sắc nhất thế giới. Anh mạnh mẽ, ổn định, phản xạ tốt, và một chiến ý mãnh liệt làm tê liệt đối thủ đồng thời truyền đến đồng đội sự tự tin cao độ. So sánh các cầu thủ ở những thời kỳ khác nhau luôn là việc rất khó khăn, nhưng cá nhân tôi vẫn luôn cho rằng Kahn là thủ môn xuất sắc nhất trong lịch sử Die Manschaft, hơn cả tiền bối Sepp Maier và hậu bối Manuel Neuer. Vì anh không có may mắn được chơi bóng cùng với những đồng đội ở đẳng cấp cao nhất, giống như Maier với Beckenbauer, Berti Vogts hay bên cạnh Neuer là Hummels và Boateng. Và vì Kahn là một mẫu thủ môn thật đặc biệt, một mẫu thủ lĩnh bẩm sinh không thể rèn luyện hay đào tạo được. Tôi vẫn luôn cho rằng thủ lĩnh hay đội trưởng của đội bóng không nên là thủ môn, vì thủ môn khó mà can thiệp vào các điểm nóng của trận đấu được nhưng. Kahn là đặc biệt và duy nhất, anh có thể tạo ra ảnh hưởng với đội bóng ngay cả khi… ngồi trên ghế dự bị.

Ai có thể quên được cái bắt tay lịch sử của Kahn với Jens Lehmann, trước màn đấu súng với Argentina tại tứ kết World Cup 2006. Kahn và Lehmann, hai kình địch đã cạnh tranh nhau hầu như cả sự nghiệp cho vị trí số 1 tại đội tuyển, đã bao nhiêu lần tranh cãi gay gắt, đã từng bao nhiêu lần chỉ trích nhau công khai trên các mặt báo? Nhưng trong những giờ phút trước cuộc đấu súng cân não, Kahn đã bước đến và bắt tay động viên Lehmann. Từ giây phút đó tôi đã biết ĐT Đức sẽ chiến thắng… Và Đức đã chiến thắng.

Kahn_Lehmann
Hình ảnh bắt tay nổi tiếng của 2 thủ môn tuyển Đức.

Với tôi Oliver Kahn sẽ-mãi-mãi-là-thủ-môn số 1 trong lịch sử bóng đá Đức, một người khổng lồ trong khung thành, một trái tim sư tử can trường, một ý chí sắt đá. Và trên tất cả một nhân cách lớn. Một ngôi sao sẵn sàng ngồi dự bị, sẵn sàng hy sinh cái tôi cá nhân của mình vì chiến thắng cuối cùng của đội bóng.

NAM PHONG

Đây là bài viết tham dự cuộc thi “Ấn tượng thể thao” do báo Thể thao 24h tổ chức. Mời bạn đọc tham khảo nội dung của cuộc thi tại đây, và thể lệ cũng như giải thưởng của cuộc thi tại đây.