Lao động nhập cư ở Premier League: (Kỳ cuối) Nhập khẩu lao động hay là chết

Premier League giàu nứt đố đổ vách, nhưng bóng đá Anh lại không có đủ tài năng. Vì thế nên điều tất yếu, hoàn toàn đúng quy luật thị trường là Premier League phải nhập khẩu nguồn lực từ bên ngoài. Và nếu FA cứ cố gắng đi ngược quy luật thì cái giá phải trả có thể sẽ rất đắt…

Nỗi lo của FA

Cho dù là xuất phát từ lý do gì đi chăng nữa, chuyên môn hay chính trị, thì quan điểm của LĐBĐ Anh trong việc thắt chặt chính sách cấp giấy phép lao động cũng như (dự kiến) tăng số lượng cầu thủ tự đào tạo là rất rõ ràng. Họ muốn giành lại sân chơi cho các cầu thủ Anh, những người chỉ chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn là 35%  – thấp thứ nhì châu Âu, chỉ cao hơn mỗi Đảo Síp –  trên tổng số cầu thủ góp mặt tại Premier League 2014/15. Sau khi Burnley – một CLB sử dụng gần như toàn cầu thủ nội – xuống hạng và Watford thăng hạng thì sẽ chỉ còn khoảng 31% số cầu thủ tại Premier League 2015/16 mang quốc tịch Anh. Theo Chủ tịch FA, Greg Dyke: “Có rất nhiều tài năng trẻ đã bị thui chột khi gia nhập một đội bóng ở hạng đấu cao nhất. Premier League vẫn đang hoạt động tốt với tư cách một giải đấu bóng đá, nhưng điều mà tôi lo ngại là nó sẽ trở thành vật sở hữu của những người nước ngoài. Chúng ta đã có các ông chủ ngoại, các HLV ngoại và giờ đây là rất đông cầu thủ ngoại”.

Nhập khẩu lao động hay là chết

Thực ra, nói một cách công bằng thì con số 35% nêu trên không phản ánh chính xác tỷ lệ cầu thủ nội tại Premier League. Các cầu thủ Scotland, xứ Wales hay Bắc Ireland cũng mang hộ chiếu của Vương quốc Anh và họ cũng có thể được coi là nội binh ở giải Ngoại hạng. Tuy nhiên vẫn chỉ có 44,93% số cầu thủ tại Premier League 2014/15 đến từ Vương quốc Anh, tức thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ cầu thủ nội ở La Liga (61,1%), Bundesliga (56,5%) hay Ligue 1 (68,4%) và thậm chí còn kém cả Serie A (45,2%). Chưa hết, trong số các cầu thủ được xếp vào diện “tự đào tạo” ở Premier League, có tới 23% là người nước ngoài (như trường hợp của Fabregas, Clichy hay Schneiderlin), trong khi con số này ở Bundesliga là 4%, Ligue 1 là 7%, La Liga là 8% và kể cả Serie A cũng chỉ chạm mốc 21%.

Tức là FA có đầy đủ lý do để lo lắng về vị thế của các cầu thủ Anh, nhưng những phương án mà họ đưa ra có trị được “đúng bệnh” hay không thì lại là chuyện khác.

Trả lương cao, phải có người giỏi

Đầu tiên, phải khẳng định lại là Premier League rất giàu. Thậm chí là siêu giàu. Ở mùa giải 2015/16 này, 20 CLB tham chiến tại giải Ngoại hạng sẽ chia nhau khoản tiền lên tới 1,9 tỷ bảng, nhưng chừng đó vẫn chưa là gì nếu so với giá trị của hợp đồng bản quyền truyền hình có hiệu lực trong vòng 3 mùa giải từ 2016-2019. Dự kiến Premier League sẽ thu về hơn 8 tỷ bảng từ các nhà đài chỉ sau 3 mùa bóng, tức bình quân khoảng 2,7 tỷ bảng/mùa và đội vô địch Premier League 2016/17 sẽ nhận được số tiền thưởng xấp xỉ 170 triệu bảng, tương đương với 2,5 lần tiền thưởng của nhà VĐ Champions League (ước tính khoảng 70 triệu bảng quy đổi trong mùa giải tới).

Trong nhóm 40 CLB có doanh thu cao nhất thế giới, có tới… 20 đội đến từ giải Ngoại hạng Anh và nói như Richard Scudamore, giám đốc điều hành Premier League, thì “trên phương diện tài chính, Stoke City còn là một CLB lớn hơn nhiều so với Ajax”. Tiếp theo, Premier League là một sản phẩm điển hình của thời đại toàn cầu hóa. Trong 1,9 tỷ bảng mà các CLB ở giải đấu hạng cao nhất nước Anh nhận được ở mùa bóng 2015/16, sẽ có hơn 700 triệu bảng (chiếm gần 40%) xuất phát từ những thị trường truyền hình nước ngoài – con số mà La Liga hay Bundesliga, bất chấp những thành công trên đấu trường châu lục trong vài năm trở lại đây, chỉ dám nằm mơ. Các sản phẩm của Premier League không chỉ nhắm đến thị trường khán giả trong nước, mà còn phải phục vụ thị hiếu, sở thích của đối tượng khán giả nước ngoài (BTC Premier League thậm chí còn phải điều chỉnh lịch thi đấu, đẩy một số trận đấu lên đá sớm để tạo điều kiện cho khán giả châu Á dễ theo dõi).

Vị thế toàn cầu hóa của Premier League buộc nó phải sử dụng những ngôi sao sáng nhất, để tạo ra những cuộc so tài chất lượng nhất. Và nguồn lực tài chính dồi dào của Premier League cho phép nó có được hầu như mọi cầu thủ mình muốn. Việc tăng cường sử dụng cầu thủ nội, những người về cơ bản là có chất lượng thua sút so với ngoại binh, sẽ là một động thái mang tính “trói chân tay” các CLB và có vẻ không phải là một giải pháp khả dĩ để duy trì sức hấp dẫn của Premier League.

Lấy đá ghè chân mình ?

Sự thua kém về trình độ, đặc biệt là về khả năng sáng tạo và nhãn quan chiến thuật của các cầu thủ Anh so với ngoại binh là tương đối rõ ràng. Nhưng thực ra đó không phải là trách nhiệm của riêng các nhà điều hành bóng đá Anh. Nước Anh sở hữu một nền giáo dục tuyệt vời trong các lĩnh vực “trên giấy” như kinh tế, tài chính, ngoại giao, toán học…. nhưng nếu xét về chất lượng đào tạo các ngành học kỹ thuật thì họ lại không thể sánh bằng các nước láng giềng như Đức hay Pháp và điều đó đang gây ra nhiều hệ lụy trên thị trường lao động.

Dựa trên một nghiên cứu của Deloitte vào cuối năm 2014 thì có tới 87% số doanh nghiệp ở Anh đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có đủ kĩ năng, đặc biệt là trong các ngành kỹ thuật. Cụ thể, các doanh nghiệp Anh đang thiếu tới 990.000 lao động trình độ cao và sự thiếu hụt này không thể được giải quyết bằng việc tiếp cận thị trường lao động nội địa. Trong bối cảnh đó của xã hội Anh thì cũng không có gì lạ khi cầu thủ Anh có phần thua sút về mặt kỹ, chiến thuật so với những người đồng nghiệp tại châu Âu lục địa. Và nếu như FA cứ cố gắng ép các CLB Premier League phải gia tăng số lượng cầu thủ nội, tác động tích cực đâu chưa thấy, nhưng khả năng cao là chất lượng của giải Ngoại hạng sẽ không còn như trước và kéo theo đó là sự sụt giảm vị thế của bóng đá Anh.

Người Anh đã dần thay đổi tư duy trong đào tạo cầu thủ. Trước đây họ chỉ coi bóng đá là một trò chơi, là nơi thể hiện tinh thần thể thao mã thượng cũng như quyết tâm chiến đấu hết mình. Giờ thì họ đã bắt đầu chú trọng đến công tác huấn luyện kỹ chiến thuật, thể hiện qua hàng loạt dự án tham vọng của FA mà điển hình nhất là trung tâm huấn luyện St.George’s Park. Tuy nhiên có một thứ không thể thay đổi ngay trong một sớm một chiều, ấy là số lượng HLV đạt chuẩn ở Anh quá ít (chỉ có 1.395 người có bằng A và Pro so với mức 6.934 người tại Đức, 3.308 ở Pháp và 15.423 ở TBN).

Rất nhiều công ty lớn tại Anh hiện đã rơi vào tay của các ông chủ ngoại. Hãng bánh kẹo Cadbury nay đang là một phần của công ty Mỹ Kraft. Hãng ô tô Rolls-Royce đã trở thành chi nhánh của Volkswagen. Ngay cả những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết yếu (điện nước..) cũng đang được vận hành bởi người nước ngoài. Công ty điện lực British Energy đã đổi tên thành EDF Energy, trong đó EDF là viết tắt của Electricite de France, còn công ty nước sạch Thames Water đã được Macquarie Group (có trụ sở tại Australia) mua lại. Hãng bia giàu truyền thống Newcastle Brown Ale thì đang nằm trong tay Heineken (Hà Lan).
Nói thế để thấy là sự hiện diện của những nhân tố ngoại trong xã hội, kinh tế hay bóng đá Anh là điều rất bình thường và hoàn toàn phù hợp với những quy luật thị trường. Việc áp dụng các biện pháp hành chính để gia tăng số lượng cũng như tầm ảnh hưởng của cầu thủ nội ở Premier League là một điều khá “duy ý chí”, và chừng nào gốc rễ của vấn đề (chất lượng đào tạo cầu thủ Anh) chưa được giải quyết thì e rằng FA vẫn sẽ bế tắc mà thôi.

QUẢNG HẢI