bóng đá thế giới

Khán giả ít hơn, nhưng vé bán nhiều hơn!

Thống kê mới nhất của ban tổ chức về lượng CĐV ở K-League thoạt nhìn có vẻ tiêu cực, song trên thực tế lại là tín hiệu đáng mừng: Bình quân khán giả tới sân giảm so với năm trước, nhưng số người vào sân mua vé đang tăng lên so với nhóm vào cửa tự do. Theo đó, lượng khán giả bình quân mỗi trận hiện chỉ còn 7.770 người, giảm 161 so với năm 2014. Nhưng ở mùa trước, khán giả mua vé chỉ đạt 63,2% thì mùa này, con số đó là 71,5%.

Mọi cầu thủ đều phải kiểm tra nói dối

Chuyển biến đáng mừng này được đánh giá là do nỗ lực của các CLB, như Suwon Samsung Bluewings từng tiết lộ kế hoạch giảm lượng vé vào sân tự do để buộc người thân của các quan chức CLB cũng như của các cầu thủ phải bỏ tiền mua vé xem đá bóng. Nhờ đó, tỷ lệ CĐV mua vé mới tăng thật ấn tượng.

Suwon Samsung Bluewings mùa này đạt 91,3%, so với trước chỉ có 73,6%. Ulsan Hyundai càng gây sốc hơn khi từ 37% đột phá lên 71,9%. Seongnam FC cũng tăng lượng CĐV mua vé lên gấp đôi với 57,3% so với 27,2%. Đặc biệt, ĐKVĐ K-League Jeonbuk Hyundai Motors không chỉ có số khán giả mua vé tăng lên (66,4% so với 55,6%), mà lượng CĐV vào sân cũng tăng hơn mùa trước 3.555 người.

Chiến dịch “5MM” gia tăng sức hút

Sở dĩ K-League ngày càng hấp dẫn NHM là do những nỗ lực làm bóng đá trong sạch và sôi động hơn. Đơn cử như chiến dịch “5MM” (“Five More Minutes”, tạm dịch “Thêm 5 phút”) được phát động cách nay vài năm. Ở thời điểm đó, thời gian chơi bóng thực tế ở mỗi trận đấu tại K-League chỉ đạt 57/90 phút. Với “5MM”, K-League muốn bóng phải lăn trên sân ít nhất phải hơn 60 phút. Vì thế, nội dung chủ yếu của “5MM” là khuyến khích các HLV cùng cầu thủ ở K-League hạn chế phản ứng quyết định của trọng tài, cũng như giảm thiểu những pha tranh bóng thô bạo.

Hiệu quả đến ngay lập tức: Vòng đầu tiên của mùa bóng mới triển khai “5MM” chứng kiến thời gian bóng lăn trên sân tăng lên 1 phút 17 giây. Ngoài ra, khi cùng LĐBĐ châu Á theo dõi những trận đấu của các đại diện K-League, Richard Scudamore – CEO Premier League thừa nhận các cầu thủ Pohang Steelers rất tôn trọng đối thủ và trọng tài qua lối chơi rất fair-play. Với niềm tin rằng những quyết định tích cực sẽ kéo khán giả tới sân nhiều hơn, TTK K-League Lee Joon-ha tâm sự: “Kết quả ban đầu của ‘5MM’ rất khả quan khi các trận đấu diễn ra nhanh và hấp dẫn hơn”.

Mọi cầu thủ đều phải kiểm tra nói dối

Không chỉ vậy, BTC K-League còn chứng tỏ họ rất biết cách biến nhược điểm thành ưu điểm qua vụ dàn xếp tỷ số từng đánh động tới FIFA. Theo đó, 10 cầu thủ đã bị cấm thi đấu vĩnh viễn, còn những người khác bị treo giò 5 năm. Tất cả nhằm khẳng định bóng đá Hàn Quốc sẵn sàng triệt tận gốc vấn nạn này.

Đồng thời, một biện pháp hiếm thấy đã được vận dụng: Các cầu thủ bị nghi ngờ “nhúng chàm” sẽ buộc phải thực hiện bài kiểm tra nói dối để chống nạn gian lận, chưa kể các cầu thủ cùng quan chức đều phải tuyên thệ chấm dứt tình trạng bán độ và dàn xếp tỷ số. Những CLB có thành viên bị kết luận có tội cũng sẽ bị trừng phạt.
Đây được xem như biện pháp “cây gậy và củ cà rốt”, vì bên cạnh những án phạt nặng nề đang rình rập, K-League còn tổ chức các buổi hội thảo về tệ nạn trong bóng đá và buộc mọi cầu thủ phải tham dự, trừ phi không sợ bị cấm thi đấu. Nhưng đồng thời, K-League cũng tuyên bố tăng gấp đôi lương tối thiểu cho các cầu thủ, vừa khiến họ hài lòng, vừa giảm bớt nguy cơ họ bị lôi kéo hoặc cám dỗ. Ở thời điểm mà K-League đưa ra chính sách này, lương tối thiểu của các cầu thủ là 11.000 USD/năm, chưa bằng một nửa so với thu nhập bình quân đầu người ở Hàn Quốc.

Những đại biểu đến từ CHDCND Triều Tiên

Những cải tổ của K-League đã đem tới thành công không ngờ, bao gồm cả việc các cầu thủ CHDCND Triều Tiên háo hức thử tài. Một trong số đó là Jong Tae-se, ngôi sao CHDCND Triều Tiên từng nổi tiếng khắp thế giới do khóc như mưa ở trận gặp Brazil tại World Cup 2010. Từ Cologne (Đức) sang Suwon Bluewings với giá gần 400.000 USD cách nay 2 năm, tiền đạo 28 tuổi này ký hợp đồng 3 năm với mức lương gần 400.000 USD/năm. Đây là tuyển thủ CHDCND Triều Tiên thứ 3 từng chinh chiến ở K-League.

Người đầu tiên là Ryang Gyu-sa, cầu thủ 34 tuổi cũng chào đời ở Nhật và chơi cho Ulsan Hyundai năm 2001 sau khi khoác áo CHDCND Triều Tiên dự vòng loại Asian Cup 2000. Người còn lại là An Yong-hak, tiền vệ 34 tuổi chào đời ở Nhật từng khoác áo CHDCND Triều Tiên từ năm 2001, tới K-League năm 2006 để đá cho Busan I’Park, rồi sau đó chơi cho Suwon Bluewings đến năm 2009. Trong khi ấy, Kim Myong-hwi cũng sinh ra tại Nhật với cha mẹ là người CHDCND Triều Tiên và đá cho Seongnam Chunma năm 2002.

Tuy nhiên, hậu vệ này chưa bao giờ chơi cho tuyển CHDCND Triều Tiên. Sự xuất hiện của họ gợi lên hình ảnh thể thao Triều Tiên thống nhất, biểu tượng mà xứ kim chi thường cố gắng thể hiện tại các sự kiện lớn như Olympic.

Bí quyết chinh phục Champions League

Nhờ không ngừng hoàn thiện và phát triển như vậy, nên K-League hiện xứng đáng là thế lực số 1 tại AFC Champions League với 10 trong 33 ngôi vô địch, áp đảo mọi cường quốc còn lại. Song song đó, Pohang Steelers đang là CLB giàu thành tích nhất giải này với 3 ngôi quán quân. Hồi năm ngoái còn nắm Shimizu S-Pulse (Nhật), HLV người Iran Afshin Ghotbi từng cố gắng giải thích tại sao lại có hiện tượng này: “Các cầu thủ Hàn Quốc có thể lực tốt nhất châu Á, lại thêm tinh thần chiến đấu nhiệt tình, tốc độ cực cao và khát vọng chiến thắng rất lớn nên thường tiến sâu ở Champions League. Nhờ vậy, với số lượng áp đảo, họ càng dễ có đại diện đăng quang”.

Hiện nắm Persepolis (Iran), chiến lược gia Croatia, Branko Ivankovic cũng đồng tình: “Các đại diện của K-League sở hữu những cầu thủ giàu kỹ thuật và luôn chịu khó di chuyển. Vì thế, chỉ cần gặp đại diện của K-League, bất kể là đội nào, tất cả đều biết đấy là cuộc chiến đầy khó khăn”. Trong khi ấy, một thành viên trong ban huấn luyện Suwon Samsung Bluewing tin rằng chính sự đa dạng trong lối chơi ở K-League cũng góp phần gây khó khăn cho đối phương. Ông giải thích: “Đúng là nhiều đội ở K-League chơi phản công, nhưng chẳng phải tất cả đều đá như thế. Mỗi đội đá mỗi kiểu nên đối phương chẳng biết đâu mà lần”.

Minh Châu

Xem Inter – Juventus rạng sáng qua chẳng khác nào coi lại những trận đấu ở Serie A giữa thập niên 1990, khi mỗi trận là một cuộc chiến ở khu vực giữa sân, các đội chăm chăm đua sức, chọn phương án pressing, kèm người cực rát và khiến cuộc so tài trở nên ngột ngạt vì thiếu cả “oxy” lẫn sự sáng tạo trong sân.

Đừng bao biện rằng một trận đánh lớn buộc hai đội phải cẩn trọng. Giờ mới là giữa tháng 10, còn quá sớm để toan tính chi li. Còn nếu nhìn vào BXH, Inter cần đá vì 3 điểm, nếu họ muốn khẳng định tham vọng trở lại ngai vàng Serie A mà thiết thực hơn là đánh chiếm lại ngôi đầu từ tay Fiorentina. Với Juve, chiến thắng thậm chí còn quan trọng hơn, bởi họ đang khởi đầu mùa giải tệ nhất sau gần nửa thập kỷ, với 8 điểm/7 trận.

Derby thiếu...i-ốt

Tuy vậy, cái cách hai vị HLV Roberto Mancini và Max Allegri chọn công thức chiến đấu và tiếp cận trận đấu lại cho thấy không ai muốn gục ngã ở trận đánh này, dù… không thắng cũng được. Mancini dựa trên nền tảng sơ đồ 4-4-2, với cặp tiền vệ trung tâm lực lưỡng: Medel – Melo, giống những tay đô vật ở giải WWE được đặt trước hàng thủ và Inter luôn có 6 cầu thủ sẵn sàng phòng ngự. Trong khi đó, Max Allegri một lần nữa phải tìm về công thức 3-5-2 an toàn nhưng cứng nhắc để nương náu. Và ông cũng cất ngôi sao đắt giá nhất, cầu thủ có khả năng tạo đột biến và ghi bàn bằng kỹ thuật cùng khả năng đi bóng lắt léo: Paulo Dybala. Thay vào đó là Simone Zaza cao to, chỉ biết cắm đầu cắm cổ chạy và có ít nhất 2 pha “bắn chim” trong tư thế thuận lợi. Suốt 90 phút derby, cả hai mũi nhọn được kỳ vọng nhất của Inter – Mauro Icardi (Vua phá lưới mùa trước) và của Juventus – Alvaro Morata thậm chí không có nổi 1 cú sút. Họ chật vật xoay sở giữa sự kèm cặp của những tiền vệ đánh chặn và các trung vệ lực lưỡng. Người có thể mang đến sức sáng tạo cho Inter, Stevan Jovetic được Juve “chăm sóc” đặc biệt với 8 lần bị phạm lỗi.

Trong khi đó, cầu thủ năng nổ nhất của Juventus, Juan Cuadrado giống một VĐV điền kinh nhiều hơn là một nghệ sỹ và 6 đường căng ngang cùng 4 tình huống rê dắt bóng của anh không mang đến dù chỉ 1 pha dứt điểm nguy hiểm cho đồng đội.

Ý tưởng, sự sáng tạo và khoảnh khắc xử lý ngẫu hứng lóe sáng, sau cùng đấy mới là chìa khóa để “mở” một trận đấu cơ bắp và ngột ngạt như thế. Nhưng rạng sáng qua không có chiếc chìa khóa nào cả.

Marchisio không phải là Pirlo và sau khi Tevez ra đi, chiếc áo số 10 của Juve miễn cưỡng khoác lên mình Pogba thật kệch cỡm. Giờ khả năng hồi sinh của “Bà đầm” còn nhiều lắm những nghi vấn. Với Inter, khi không có một nghệ sỹ thực thụ, người có thể truyền cảm hứng và giúp cân bằng chiến thuật trong đội hình có thừa cơ bắp, liệu đội bóng của Mancini còn chạy ở Top đầu được bao xa? Sau 5 vòng toàn thắng đầu mùa với cách ghi bàn nhỏ giọt (6 bàn), 3 vòng gần nhất Inter đã quên mất mùi chiến thắng rồi…

Lương Anh

Đừng hỏi NHM thích xem những màn đấu sức, xoạc bóng, phạm lỗi hay là thưởng thức những pha đi bóng kỹ thuật, quyến rũ cùng những bàn thắng. Rạng sáng qua Inter, Juve mỗi đội phạm lỗi tới 14 lần, có tổng cộng 37 cú xoạc bóng. Nếu coi đấy là sự tái hiện nghệ thuật phòng ngự của người Ý thì hãy nhớ rằng bóng đá hiện đại đã khác xa 20 năm trước.

5 Sau đúng 5 năm trận derby nước Ý mới kết thúc không bàn thắng. Lần gần nhất, vào tháng 10/2010,
Inter – Juve cũng hòa 0-0 tại Meazza. Đó là khi Juve chìm trong 2 mùa đại khủng hoảng còn Inter khởi đầu chật vật sau khi Jose Mourinho ra đi.

Cuộc đấu của người quen

Trước khi có lệnh cấm của FIFA, Worawi từng đối mặt với án tù 16 tháng vì giả mạo giấy tờ trong cuộc bầu cử Chủ tịch FAT năm 2013, cũng như vụ điều tra từ chính FIFA về cáo buộc đòi hối lộ (BQTH trận giao hữu tuyển Thái Lan-Anh đổi lấy lá phiếu cho Anh giành quyền đăng cai World Cup 2018), tham nhũng, làm giàu phi đạo đức và xung đột lợi ích (liên quan tới tài chính của FAT)… Bộ trưởng Thể thao Thái Lan, Sakol Wannapong, nhấn mạnh FAT “cần tiến hành cuộc bầu cử Chủ tịch mới như kế hoạch (vào ngày 17/10). Cá nhân tôi tin tưởng rằng ông Worawi không đủ tư cách tham dự cuộc bầu cử”. Trong khi đó, Đô đốc Surawut Maharom, đứng đầu “Hội đồng bình thường hóa”, khẳng định sẽ tiến hành những cải cách “vì lợi ích tốt nhất của đất nước”.

Bổn cũ soạn lại

Tuy nhiên, Chủ tịch FAT lâm thời, Pinyo Nirote, tuyên bố “cuộc bầu cử sẽ được chuyển sang một thời điểm thích hợp, chưa xác định”, ám chỉ rằng ông Worawi có thể tham gia vào cuộc bầu cử, bất chấp lệnh cấm của FIFA nhờ quyết định kháng án mà luật sư của FAT đang chuẩn bị hồ sơ đệ trình lên Tòa Hình sự (Thái Lan), với trình tự xử lý hồ sơ có thể kéo dài tới hàng năm – chiến thuật ông này từng sử dụng để có đủ tư cách tham gia cuộc bầu cử Chủ tịch FAT năm 2013 và chiến thắng sau đó. Worawi là 1/3 ứng viên cho ghế Chủ tịch FAT lần này, bên cạnh cựu Trưởng đoàn bóng đá Thái Lan, Vanasthana “Thavatchai” Sajakul (73 tuổi và được ủng hộ bởi Hội CĐV Thái Lan, gồm 20 ngàn CĐV có đăng ký) và Tướng cảnh sát Pisan Jundilok.

Ứng viên Thavatchai ngay sau đó khẳng định tiến trình pháp lý mà ông Worawi đang tiến hành chỉ là “chiến thuật kéo dài thời gian, nhằm hợp thức hóa tư cách pháp nhân” của Worawi. “Nếu Tòa Hình sự thụ lý vụ án, quá trình xử lý hồ sơ sẽ kéo dài từ 5-7 năm. Mặt khác, nếu Worawi có quyền ra ứng cử, ai cũng biết cơ hội chiến thắng của ông ấy là 70-30, với sự ủng hộ của Siam Sports (có ảnh hưởng lớn nhất Thái Lan), CLB Muangthong và các đồng minh ở Thai Premier League (TPL). Lợi ích của họ quá gắn chặt và đầu mối là TPL”, Thavatchai phân tích. Đối đầu với bất lợi về tuổi tác, Thavatchai, cựu chính khách của đảng Dân chủ trước khi chuyển sang đảng Thai Rak Thai, sử dụng 2 chuyên gia truyền thông xã hội trẻ, khai thác triệt để MXH phân tích về tồn tại của bóng đá Thái những năm qua. Cựu HLV trưởng tuyển Thái Lan cũng trình bày kế hoạch 5 điểm, 3 giai đoạn đưa bóng đá nước này trở về thời kỳ hoàng kim giữa thập niên 90, đồng thời khẳng định đã nhận được sự ủng hộ của HLV trưởng Kiatisak và các đồng đội, vốn là thành viên của “Dream Team” giành chức vô địch Đông Nam Á.

Vắng mợ, chợ vẫn đông

“Dù Worawi hay Thavatchai hay bất kỳ ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Chủ tịch FAT sắp tới, điều đó sẽ không ảnh hưởng tới xu hướng bóng đá Thái Lan trở lại đỉnh cao của khu vực và hướng đến mục tiêu Top 5 châu lục”, Pinit Ngarmpring, Chủ tịch Cheerthai Power, Hội CĐV có tầm ảnh hưởng nhất Thái Lan, khẳng định. “Bóng đá Thái Lan đã du nhập và khai thác những khía cạnh thành công từ mô hình Nhật Bản. FAT giờ được chia thành 4 cơ cấu, với ban điều hành TPL và Liên minh các CLB dự TPL đóng vai trò đối lập, ngoài ra là các LĐBĐ địa phương, với những mô hình đáng học tập của Chonburi, Phuket, Khon Kaen. Hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ với các tuyến U.12, 14, 16 được duy trì từ nguồn bản quyền truyền hình thông qua TPL. Và thành công của các ĐT trẻ cho thấy những dấu hiệu tích cực”.

Pinit cho rằng điều bóng đá Thái cần làm lúc này là minh bạch hóa hệ thống quản lý của FAT, xây dựng lại lòng tin từ CĐV đối với FAT và tiếp tục ứng dụng các sáng kiến từ cấp địa phương. Bên cạnh nguồn tiền từ Siam Sports, Pinit nhấn mạnh Muangthong United không chỉ thành công nhất ở TPL trong 10 năm trở lại, mà còn xây dựng mô hình làm bóng đá chuyên nghiệp: kiếm tiền bằng bản quyền truyền hình, bán vé, các sản phẩm thương mại và Hội CĐV đăng ký vé mùa… “Họ nâng cao trình độ TPL và các CLB khác vì vậy cũng buộc phải cải thiện chất lượng đội bóng và HLV để cạnh tranh”, Pinit nói. Bên cạnh mô hình Siam Sport/Muangthong, Chonburi FC cũng là ví dụ điển hình về cách làm BĐCN ở Thái, với việc thành lập LĐBĐ tỉnh (2009), xây dựng chiến lược phát triển bằng cách hình thành giải đấu cấp tỉnh xuống tới xã theo mô hình League, lập Hội đồng HLV, Học viện đào tạo cầu thủ trẻ, bệnh viện thể thao và hiệp hội trọng tài, cùng với BĐ nữ và futsal…. Ngân sách cho các hoạt động này dựa trên tài chính địa phương, xã hội hóa và ủng hộ của DN trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, ngành giáo dục Chonburi cũng ủng hộ việc tổ chức các giải đấu cấp trường trung học và phổ thông, tạo nên mạng lưới đào tạo, huấn luyện, thi đấu cầu thủ trẻ, cung cấp lực lượng cho Chonburi FC tại TPL.

Thành Lương

Vẫn còn nhiều sáng kiến và mô hình đơn lẻ cần được ứng dụng, giúp bóng đá Thái có bộ mặt hôm nay. Nhưng thiếu một mô hình cấp quốc gia, những tia sáng giàu cảm hứng sẽ không thể duy trì được thành công ổn định.”

 Pinit nhấn mạnh.

Đó là thời điểm mà Barca chính thức mãn án phạt cấm chuyển nhượng kéo dài 14 tháng, nên CLB xứ Catalan sẽ bổ sung nhiều cầu thủ mới. Hàng tiền đạo được coi là nơi “chất” nhất của Barca, khi họ đang sở hữu trong tay bộ ba MSN khét tiếng khắp châu Âu. Bỏ ra một số tiền lớn để mang về thêm một tiền đạo nữa chỉ để ngồi dự bị là điều không cần thiết, và ý tưởng mượn Falcao không phải là ý tưởng tồi.

Barca lên kế hoạch giải cứu “Mãnh hổ” Falcao

Theo tờ El Mundo và tạp chí Don Balon của Tây Ban Nha, HLV Luis Enrique đã đề xuất lên ban lãnh đạo Barca để đưa ra lời đề nghị mượn Falcao cho đỡ tốn kém, nhưng cũng bổ sung được chiều sâu thêm cho đội hình. Hai mùa giải gần đây, Falcao chơi bóng tại Anh trong màu áo Man Utd, rồi Chelsea theo dạng cho mượn từ Monaco nhưng đều không thành công. Mùa trước, Falcao chỉ ghi được 4 bàn thắng sau 29 lần ra sân trong màu áo Man Utd, dẫn đến việc bị “Quỷ đỏ” trả về cho Monaco. Đến mùa giải này, khi chuyển sang khoác áo Chelsea, thành tích của Falcao cũng chẳng khá khẩm gì hơn khi mới chỉ ghi được vỏn vẹn 1 bàn thắng.

Những gì mà Falcao thể hiện đã khiến Chelsea ngán đến tận cổ và trong trường hợp Barca đưa ra lời đề nghị, The Blues sẵn sàng chia tay tiền đạo 29 tuổi người Colombia trước thời hạn để tiết kiệm được chi phí lương bổng. Barca hoàn toàn có lý do để trông đợi vào sự hồi sinh của Falcao, người từng ghi 70 bàn sau 91 trận ở 2 mùa giải khoác áo Atletico Madrid. Mặc dù sa sút phong độ từ khi bị dính chấn thương đầu gối nặng hồi năm 2014 nhưng với một giải đấu không đòi hỏi nhiều thể lực như La Liga, Falcao hoàn toàn có thể tìm lại được chính mình.

Hồ Hải

Có vẻ như đế chế Sepp Blatter ở FIFA sụp đổ đang khuấy động phong trào trong sạch hóa bóng đá. Vì sau khi chủ tịch UEFA Michel Platini đánh mất sự ủng hộ của FA do “hiệp định quân tử” với “ông trùm” Thụy Sĩ, nay đến lượt tuần báo Đức SPIEGEL không ngại “đại nghĩa diệt thân” bằng cách tố cáo Ủy ban đăng cai World Cup 2006 của nước nhà từng lập “quỹ đen” nhằm mua phiếu giành chiến thắng. Thông tin mà SPIEGEL thu được còn tiết lộ các quan chức cấp cao trong tổ chức này như “Hoàng đế” Franz Beckenbauer thực chất đều biết rõ sự tồn tại của “quỹ đen”.

7 triệu bảng đổi 4 phiếu bầu

Trong bài báo có thể gây ra vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử bóng đá Đức kể từ sau khi nạn hối lộ ở Bundesliga vào thập niên 1970 bị phanh phui, SPIEGEL tin tưởng nước này giành được quyền tổ chức World Cup 2006 là nhờ bỏ tiền ra mua phiếu. Cơ sở cho cáo buộc ấy là sự kiện Robert Louis-Dreyfus, cựu CEO của Adidas từng bí mật chuyển cho Ủy ban đăng cai của Đức 10,3 triệu franc Thụy Sĩ (tương đương 7 triệu bảng) để lập “quỹ đen”. Và dường như từ Beckenbauer – người đứng đầu Ủy ban đăng cai, Wolfgang Niersbach – hiện là chủ tịch LĐBĐ Đức (DFB) cho tới các quan chức cao cấp khác đều biết rõ về “quỹ đen” này, ít nhất là đến năm 2005.

Lúc đó đang là chủ tịch Adidas – hãng sản xuất trang thiết bị thể thao có hợp đồng cung cấp cho đội tuyển Đức, Louis-Dreyfus đã móc hầu bao riêng cho Ủy ban đăng cai của Đức mượn khoản tiền này trước ngày 6/7/2000, thời điểm quyết định quyền tổ chức World Cup 2006. Tuy nhiên, khoản vay này chưa từng được ghi lại trong sổ sách trước và sau ngày Ủy ban đăng cai của Đức giành chiến thắng. Và sự việc chỉ bị nhiều người biết trước ngày khai mạc World Cup 2006 khoảng 1 năm rưỡi do Louis-Dreyfus đòi nợ. Các quan chức ở Ủy ban đăng cai của Đức đều đồng ý thanh toán để Beckenbauer (lúc đó đã trở thành chủ tịch) cùng Niersbach (khi ấy sắm vai PCT) tìm cách kín đáo trả lại món tiền bất hợp pháp ấy vào năm 2005.

Hồ sơ mật mà SPIEGEL tìm được còn cho biết FIFA từng tạo điều kiện để Ủy ban đăng cai của Đức thanh toán khoản nợ phiền toái này thông qua giải pháp để Đức đóng góp 5 triệu bảng tổ chức lễ khai mạc của FIFA dự kiến triển khai tại sân Olympic ở Berlin, nhưng sau đó kế hoạch này bị hủy bỏ. Dù vậy, Đức đã chuyển số tiền ấy vào một tài khoản của FIFA ở Geneva. Từ đây, FIFA chuyển tiếp số tiền ấy tới một tài khoản ở Zurich thuộc về Louis-Dreyfus.

Cũng theo điều tra của SPIEGEL, dường như khoản vay ấy đã được dùng để tranh thủ lấy 4 phiếu từ các đại diện châu Á trong 24 thành viên của BXH FIFA. Các thành viên châu Á này đã cùng các đại diện châu Âu trong BCH FIFA bỏ phiếu bầu quyền tổ chức World Cup 2006 cho Đức. Nhờ đó mà khi Charles Dempsey (New Zeeland) bất ngờ bỏ quyền bầu chọn, Đức đã giành chiến thắng quyết định ở vòng 3 với tỷ lệ 12-11 so với Nam Phi.

Minh Châu

Bởi Klopp không có gì để đảm bảo ông sẽ có được 3 điểm trong trận đấu đầu tiên ngoài tinh thần mà tinh thần ở thời điểm hiện tại chưa được xem là điểm tựa chắc chắn cho Liverpool. Tất cả mới chỉ được nhen nhóm trong một thời gian ngắn ngủi sau ngày ông xuất hiện tại Anfield thay cho Brendan Rodgers, trong khi những vấn đề cũ thì còn nguyên vẹn và không thể giải quyết chỉ bằng một vài buổi tập kể từ đầu tuần.

Với Klopp, chỉ 1 điểm là đủ

Thậm chí, để có được một cái nhìn chính xác về Liverpool sau vỏn vẹn 90 phút cũng là không tưởng, khi chấn thương đã lấy đi của HLV người Đức Joe Gomez ở hàng thủ, Jordan Henderson ở hàng tiền vệ và đặc biệt là Daniel Sturridge, Danny Ings, Christian Benteke và Roberto Firmino ở hàng công. Dĩ nhiên thì việc có họ chưa chắc sẽ mang lại cho đội khách cả 3 điểm nhưng sẽ dễ dàng hơn cho ông nếu có họ ở băng ghế dự bị, thay vì chỉ có trong tay Joe Allen, Jordon Ibe, Jerome Sinclair, Joao Carlos Teixeira và Kolo Toure để thực hiện những tính toán.

Điều đó cũng giải thích tại sao mãi tới phút 81, Liverpool mới có thay đổi đầu tiên và ở động thái mang tính an toàn hơn là mạo hiểm khi Allen vào thay cho Adam Lallana. Nên nói thêm là Klopp vẫn phải để Divock Origi chơi cả trận dù biết rõ tiền đạo người Bỉ đã thi đấu dở như thế nào.

Thật may là trong tình thế khó khăn đó, hàng thủ của đội khách có một màn trình diễn xuất sắc, nếu không muốn nói lần đầu tiên sau 8 trận, họ mới giữ sạch được mành lưới của mình. Thành công này có vai trò rất lớn của Simon Mignolet, người đã có hàng loạt pha cứu thua trước những cú sút tưởng như đã thành bàn của Clinton N’Jie và Harry Kane, nhưng phải thừa nhận, nếu Klopp muốn xây dựng một chiếc ghế chắc chắn ở Anfield, ông cần bắt đầu từ hàng thủ.

Đây là vấn đề đã không được những người tiền nhiệm của ông, từ Roy Hodgson cho đến Kenny Dalglish và Rodgers giải quyết triệt để và là lý do giải thích tại sao trong nhiều năm qua, chưa bao giờ Liverpool mang đến một sự tin tưởng như dưới thời Rafa Benitez. Ở trường hợp của Klopp, việc siết lại hàng thủ càng trở nên cấp bách hơn bởi ông sẽ không thể nghĩ đến việc xây dựng một lối chơi cho The Reds nếu họ không có được sự chắc chắn từ phía sau.

Vì thế, cho đến khi có thêm hỏa lực từ sự trở lại của Sturridge, Benteke và Firmino, mục tiêu trước mắt cho Klopp là không thể để đối phương ghi bàn vào lưới của mình. 1 điểm xem như là quá đủ với ông, thậm chí là tuyệt vời khi kết quả 0-0 vừa giảm bớt phần nào sự kỳ vọng của các Kopite nhưng cũng không lấy đi của họ hy vọng.

Mạnh Hào

Đội hình thi đấu

Tottenham (4-2-3-1): Lloris, Walker, Alderweireld, Vertonghen, Rose; Alli, Dembele; Chadli (N’Jie 11′), Eriksen, Lamela (Townsend 87′); Kane

Liverpool (4-2-3-1): Mignolet; Clyne, Skrtel, Sakho, Moreno; Can, Lucas; Milner, Lallana (Allen 81′), Coutinho (Ibe 87′); Origi

Dĩ nhiên, những đối thủ của Atletico Madrid đều không dễ dàng gì, khi Villarreal đang dẫn đầu bảng xếp hạng, gặp Benfica tại Champions League là luôn khó khăn và derby Madrid bản thân nó đã nói lên tất cả.

Mặc dù thế, vấn đề cho Diego Simeone là các cầu thủ của ông đã không có được phong độ tốt nhất ở mùa giải năm nay.

Có Koke, Simeone dễ thở
Một trong số đó là Koke, tiền vệ giữ vai trò quan trọng trong lối chơi của đội nhưng sa sút và vắng mặt ở 3 trận đấu gần đây, cũng như ở vòng loại Euro 2016 cùng đội tuyển Tây Ban Nha, vì chấn thương gân kheo. Giờ thì anh đã trở lại và Atletico Madrid hy vọng cầu thủ 23 tuổi này có thể là chất xúc tác giúp họ cải thiện tình hình. Đúng hơn, anh cũng cần có sự giúp đỡ từ Simeone nếu như ông xếp anh chơi ở giữa, thay vì bên cánh trái như đầu mùa giải.

Dĩ nhiên là Koke vẫn chơi được bên cánh trái nhưng những gì anh thể hiện hoàn toàn kém xa ở vị trí giữa sân, nơi anh cho thấy khả năng giữ bóng, sự sáng tạo và điều chỉnh nhịp độ trận đấu. Trong khi đó, ở vị trí này, Gabi vào đầu mùa giải chơi tốt và sa sút dần. Hệ quả là Atletico Madrid không còn kiểm soát được lối chơi và hàng công bị ảnh hưởng theo.

Sự trở lại của Koke được chờ đợi không chỉ giúp hàng phòng ngự có sự che chắn tốt hơn mà còn giúp hàng công phát huy tối đa hiệu quả. Vấn đề là liệu Simeone có xem Koke là giải pháp khắc phục những vấn đề của Atletico Madrid vào lúc này hay không. Tờ AS thì phân tích rằng, HLV người Argentina có thể sẽ cân nhắc vị trí của Koke ở trận gặp Sociedad vào đêm nay, sau khi chính ông đã nói với anh rằng, anh sẽ trở lại là “Xavi của Atletico” như trong giai đoạn tập huấn mùa hè.

Thực tế Simeone chẳng có lựa chọn nào khác, khi tiền vệ phòng ngự Matias Kranevitter chưa đến (đang cho River Plate mượn) và Gabi không có được phong độ tốt nhất. Và sau cùng, những giải pháp thay thế của ông, như để Saul Niguez, Yannick Ferreira-Carrasco cùng hàng loạt tiền đạo vào sân, vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Đúng hơn, Atletico Madrid vẫn thiếu một điều gì đó để đảm bảo rằng, họ khó bị đánh bại hơn và tỏ ra nguy hiểm hơn.

Vì thế, liệu Koke sẽ trở lại bên cánh trái hàng tiền vệ hay ở giữa sân, Atletico Madrid cũng cần anh có được phong độ tốt để đưa đội bóng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Có Koke, Simeone dễ thở

Mạnh Hào

Ở tuổi 23, Koke đã có 6 mùa giải thi đấu cho Atletico Madrid sau khi trưởng thành từ học viện đào tạo của CLB. Trong 4 mùa bóng gần đây, anh chơi từ 40 trận trở lên cho Rojiblancos, một con số đủ cho thấy vai trò quan trọng của anh đối với đội bóng.

“Fiesta Espana” (Tiệc Tây Ban Nha), tờ Tuttomercato giật tít. Hay đúng hơn phải là “Tiệc La Liga” bởi sự hiện diện của quá nhiều những con người đến từ giải VĐQG xứ Bò tót. Ít nhất, với Napoli là Pepe Reina, Raul Albiol, Jose Callejon (những cầu thủ Tây Ban Nha) có mặt trong đội hình xuất phát, cùng với đó là cựu ngôi sao của Real Madrid, Gonzalo Higuain. Ngoài ra, trên băng ghế dự bị của chủ nhà có thể là bộ đôi tiền vệ David Lopez Silva (cựu cầu thủ của Espanyol) và Jonathan de Guzman (từng 4 năm khoác áo CLB Mallorca và Villarreal). Nghĩa là bên phần sân chủ nhà, có 6 người liên lạc với nhau bằng tiếng Tây Ban Nha.

Tiệc Ý lắm “Bò tót”

Tuy nhiên, số lượng nói được tiếng Tây Ban Nha trong đội hình Fiorentina còn nhiều hơn thế. Borja Valero, Marcos Alonso, Mario Suarez và Joan Verdu là những sản phẩm chính hiệu của nền bóng đá thuộc bán đảo Iberia, từng biết đến trong màu áo Real, Barca và Atletico. Trong số họ, Valero và Alonso sẽ cầm chắc suất đá chính ở trận này.

Thêm một suất ra sân chính thức khác có dấu ấn và ảnh hưởng cực lớn từ La Liga là Gonzalo Rodriguez, khi mà trung vệ 31 tuổi người Argentina có 8 năm đầu quân cho Villarreal. Một sản phẩm khác nữa của Villarreal với 7 năm khoác áo là tiền đạo Pepito Rossi, trước khi anh đầu quân cho Fiorentina vào năm 2013. Lực lượng trong tay HLV Paulo Sousa còn có sự hiện diện của 5 cầu thủ khác từng chơi bóng ở La Liga, như hậu vệ Facundo Roncaglia (Espanyol, mùa 2009/10), tiền vệ Matías Fernandez (Villarreal, 2006-2009), tiền đạo Mounir El Hamdaoui (Malaga, mùa 2013/14), tiền đạo Khouma Babacar (Racing, năm 2012) và chân sút Oleksandr Iakovenko (Malaga, 2014).

Nói điều đó để thấy rằng, sân cỏ nóng bỏng San Paolo sẽ không còn đọng lại nhiều bản sắc và truyền thống của một trận chiến nước Ý, thay vào đó là sự lấn lướt của giọng nói và chất ảnh hưởng Tây Ban Nha. Một trận chiến có thể chiếm 8 tuyển thủ Tây Ban Nha trên sân và thêm 3 người khác từng là những ngôi sao của La Liga.

Đó cũng có thể là câu trả lời về sự bùng nổ theo cách khác nhau của Napoli lẫn Fiorentina, 2 đội nằm trong số 3 đội ghi nhiều bàn thắng nhất sau 7 vòng Serie A mùa giải này (Fiorentina – 14 bàn và Napoli – 16 bàn). Nó như muốn phá vỡ truyền thống mang lối chơi chặt chẽ trong những cuộc đụng độ giữa 2 đội trong quá khứ và có lẽ sự khởi đầu đó là chiến thắng 3-0 của Napoli trong cuộc đối đầu mùa trước.

Tiệc Ý lắm “Bò tót”

Mạnh Khánh

“Không có chuyện 0-0”

Đây là nhận định của Salvatore Bagni (cựu cầu thủ của Napoli và tuyển Ý), bởi ông thấy rằng cả 2 HLV Maurizio Sarri (Napoli) và Paulo Sousa (Fiorentina) đều không theo triết lý phòng thủ. Tốc độ nhanh của trận đấu sẽ được 2 đội liên tục đẩy lên và khả năng cao sẽ duy trì trong suốt 90 phút. Với thế trận như thế, kịch bản sạch lưới là điều rất khó xảy ra với cả 2 đội.

Về việc Johan Cruyff đã đặt ông vào vị trí chủ chốt trong “Dream Team” của Barca hơn một thập kỷ trước, Pep nói: “Bóng đá sau đó đã có sự khác biệt. Nếu hiện tại tôi mới 20 tuổi như thời đá cho Barca, tôi sẽ không thể chơi như một cầu thủ chuyên nghiệp. Tốt nhất tôi muốn chơi ở giải hạng ba. Tôi không có tốc độ, tôi không có khả năng chạy và chạy trong suốt 90 phút như các tiền vệ trung tâm đang chơi ngày nay.

Tôi không giỏi ở khả năng tranh chấp trên không. Tôi không có thể hình tốt. Tôi không rê dắt được qua đối thủ và tôi không tắc bóng tốt”.

Gabriele Marcotti: “Mancini đang biến Inter trở nên lạc hậu”
Chuyên gia bóng đá Italia, Gabbriele Marcotti.

Quan điểm của Pep, ở thời điểm đó, bóng đá trở nên đòi hỏi thể lực và thể hình hơn, đặc biệt ở khu vực giữa sân. Những lời của đương kim HLV Bayern trở lại tâm trí tôi khi chứng kiến cuộc cách mạng của Mancini tại Inter. Vị HLV người Italia đang tập hợp một lực lượng trông giống như của năm 2002. Những cầu thủ chơi sáng tạo như Hernanes và Mateo Kovacic bị đẩy đi. Thay thế là Geoffrey Kondogbia và Felipe Melo, những chiến binh có thể chạy cả ngày. Fredy Guarin, một vận động viên điền kinh kỳ cục khác, trở thành trụ cột sau khi hầu như không chơi nhiều trong thời gian đầu của mùa giải trước. Ngoại trừ Medel là kẻ “lùn” hiếm hoi, chúng ta có thể thấy đội hình của Inter-Mancini có trung bình chiều cao tốt.

Tôi không có ý nhận định Melo, Kondogbia và Guarin là những cầu thủ kém, chỉ đơn giản không ai trong số họ đóng vai trò làm bóng như mọi CLB khác tại châu Âu. Lối chơi của Inter dưới bàn tay Mancini gợi lại hình ảnh Inter trước khi bước vào thiên niên kỷ: giữ 6 hoặc 7 cầu thủ ở sân nhà để phòng thủ và khi giành được bóng là phất lên.

Những kết quả Inter gặt hái được không tồi, nhưng trong tương lai dài rõ ràng, lối chơi thiên về thể lực không phải tích cực.

FIFA cho biết đã thành lập “uỷ ban tạm quyền” để giám sát cuộc bầu cử Ban chấp hành FAT mới, chậm nhất sẽ được tổ chức vào ngày 16/02 năm sau. “Uỷ ban Khẩn cấp FIFA đã quyết định loại bỏ ban điều hành của LĐBĐ Thái Lan khỏi văn phòng và bổ nhiệm một uỷ ban tạm quyền thay thế”, thông cáo phát đi từ FIFA.

FIFA bãi nhiệm toàn bộ Ban điều hành LĐBĐ Thái Lan
CT Worawi Makudi đã bị đình chỉ công tác.

Hồi đầu tuần, ông Worawi, người đảm nhận vị trí Chủ tịch FAT từ năm 2007, đã bị tạm đình chỉ công tác trong 90 ngày vì bị nghi ngờ vi phạm quy tắc đạo đức của FIFA và đang đối diện với một cuộc điều tra chính thức. Năm nay 63 tuổi, ông Worawi từng là thành viên BĐH FIFA tháng 12/2010 khi Nga và Qatar được trao quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022.

“Nhiệm vụ của Ban điều hành FAT đã kết thúc sau khi cuộc bầu cử dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 17/10/2015 bị hoãn”, FIFA cho biết và tổ chức này nói thêm rằng Uỷ ban tạm quyền cũng sẽ giám sát việc sửa đổi mã bầu cử của FAT.

Bên cạnh quyết định dành cho FAT, FIFA cũng đình chỉ hoạt động LĐBĐ Kuwait (KFA) vì có sự can thiệp sâu từ chính phủ quốc gia này. Theo án phạt, ĐTQG Kuwait và các CLB nước này bị cấm tham gia các giải đấu quốc tế, và KFA cũng như các thành viên sẽ không được nhận bất kỳ sự hỗ trợ phát triển nào từ FIFA.

Đ.H

1. Vai trò của hàng tiền vệ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong chiến tích Juventus giành 4 Scudetto liên tiếp đã qua. Điều đó phản ánh rõ qua tầm ảnh hưởng lên lối chơi, khi Pirlo là “bộ não”, Vidal mang đến nguồn năng lượng để bùng nổ và trên tất cả là số lượng bàn thắng mà các tiền vệ đóng góp suốt 4 năm qua. Riêng mùa đầu tiên đánh dấu sự trở lại ngôi vương của Juve, 2011/12, các tiền vệ góp tới 44% tổng số bàn thắng của CLB (30/68 bàn) trong đó Marchisio chính là người xuất sắc nhất (9 bàn). Một năm sau đó thậm chí mốc kỷ lục được thiết lập: 46% (33/71 bàn) với Vidal góp tới 10 bàn. Và dù mùa trước tỷ lệ còn là 43% (31/72 bàn, Pogba 8 bàn) hay mùa 2013/14 là 39% (31/80 bàn, Vidal 11 bàn) thì nó vẫn rất ấn tượng. Trong những năm tháng ấy, tuyến giữa là quả đấm thép không chỉ giúp Juve hạ gục ý chí chiến đấu của đối phương mà còn trực tiếp tung ra đòn knock-out. Giờ Pirlo và Vidal đã rời đi.

Thống kê mùa này chỉ ra rằng các tiền vệ mới góp 3/9 bàn Juve đang có, tương đương 33%, với Lemina-Pogba-Khedira mỗi người có 1 bàn. Đó vẫn là con số khá ấn tượng, bởi 2/3 tiền vệ ghi bàn là những người mới, trong bối cảnh cuộc cách mạng diễn ra trên diện rộng và Juve gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng hãy nhớ đấy vẫn chưa phải dàn tiền vệ ưng ý nhất của “Bà đầm” mà giờ “quả đấm thép” mới thực sự thành hình.

Đại chiến “Tam giác quỷ”

2. Chính xác phải đến hôm nay mới biết rõ Paul Pogba có thể chơi bao nhiêu phút. Chấn thương cơ khi về tập trung ĐTQG khiến Pogba phải nghỉ hơn 1 tuần qua. Nhưng cả anh lẫn Juve đã nhìn thấy tia sáng hồi phục. Và không nghi ngờ gì cả, sự trở lại của Pogba cực kỳ quan trọng, ngay cả khi với chiếc áo số 10 danh giá trên mình, Pogba mới ghi 1 bàn mùa này.

01h45 (19/10), Inter - Juventus: Đại chiến “Tam giác quỷ”Thật vậy! Khi BLĐ Juventus trao chiếc áo số 10 cho Pogba, đó là sự ghi nhận với cầu thủ có giá trị nhất trong đội hình và quan trọng hơn, đấy cũng là sự thừa nhận vai trò cốt lõi của tiền vệ người Pháp trong cuộc cách mạng đã chứng kiến một loạt công thần đã ra đi như Tevez và bộ đôi Vidal – Pirlo, những người đã kết hợp cùng Pogba đã trở thành xương sống của Juve 2 mùa vừa qua. Rõ ràng, Juve không thể trông chờ Pogba sẽ trở thành “Pirlo mới” hay lấp đầy vị trí Vidal trở lại. Họ chỉ cần anh là chính anh, bùng nổ dữ dội mùa trước với 10 bàn (8 ở Serie A) và 1 năm trước nữa là 9 bàn. Thực tế, áp lực đó từng ít nhiều ảnh hưởng tới tâm lý và phong độ của Pogba. Nhưng sự thật từ đầu mùa Pogba chưa được chơi cùng những tiền vệ tốt nhất và Juventus cũng chưa một lần có trục xương sống như ý, dù Hernanes đã đến và tân binh trẻ Lemina cũng tỏa sáng với 1 bàn.

Giờ thì khác. Claudio Marchisio đã sẵn sàng và Sami Khedira cũng thế. “Hoàng tử” – biệt danh của Marchisio – sẽ trở lại sau hơn 1 tháng điều trị chấn thương, kể từ trận hòa Chievo 1-1 (12/09). Anh chính là chìa khóa vạn năng của HLV Allegri khi chơi tốt trong vai trò đạo diễn mà Pirlo để lại, tỏa sáng khi dạt sang ra biên một chút và không hề bối rối dù được đẩy lên cao chơi như một số 10 thực thụ. Còn với Khedira, đơn giản “chất thép” của người Đức đã bổ sung đúng lúc cho Juve. Từ màn ra mắt sau khi hồi phục chấn thương, trận gặp Sevilla tại Champions League cuối tháng 09 đến trận đầu ở Serie A gặp Bologna 2 tuần trước, Khedira đã chứng tỏ phẩm chất của một trong những tiền vệ trung tâm hàng đầu, rất mạnh trong tranh chấp, chuyền bóng tốt và biết cách ghi bàn (1 bàn/2 trận). Giờ thì “tam giác quỷ MPK” (Marchisio-Pogba-Khedira) đã sẵn sàng cho trận đánh với kẻ thách thức quyền lực nguy hiểm nhất, Inter.

3. Đó sẽ là một cuộc đối đầu căng thẳng, nảy lửa và hấp dẫn nhất giữa hai dàn tiền vệ được đánh giá mạnh nhất Italia lúc này. Nếu Juve có MPK thì Inter của Roberto Mancini cũng đang được xây dựng lại để vươn đến thành công với trục xương sống đầy sức mạnh và vững chãi. Đó là bộ 3 MGM, với Melo và Medel – những chiến binh thực thụ, sẵn sàng đổ máu trên từng mét vuông mặt cỏ để giành trái bóng hoặc đẩy lùi những đợt tấn công của đối thủ, trong khi Guarin gợi lại hình ảnh của một Zanetti-không-phổi và thậm chí còn xuất sắc hơn nhờ khả năng ghi bàn tốt hơn. Chính Guarin đã bắn hạ Milan ở trận derby kinh điển khác của Italia cách đây 1 tháng. Và trận thắng gần nhất của Inter, 1-0 trước Bologna, Melo là tác giả của pha lập công duy nhất. Như thế, họ đã góp 25% số bàn thắng của Inter, tương đương 6 điểm, chưa kể những đóng góp vô hình quan trọng khác. Rõ ràng, đó là dàn tiền vệ mạnh nhất của Inter trong 5 năm qua và nó gợi lại hình ảnh những Vieira – Cambiasso – Stankovic mà HLV Mancini từng có 9 năm trước.

Hàng tiền vệ thép ấy từng giúp Inter áp đảo những đối thủ và giành 2 Scudetto liên tiếp (2007, 2008). Giờ liệu có nó đủ “cứng” để hạ gục Juve?.

Đại chiến “Tam giác quỷ”

Lương Anh

3. Juventus đã được hưởng 3 quả phạt đền ở mùa này, nhiều nhất giải. Rõ ràng, không thể phủ nhận sự ưu ái mà các trọng tài vẫn dành cho “Bà đầm”. Tính ra, với 1 bàn đối thủ đốt lưới nhà, 4/9 bàn Juve đang có đều có dấu ấn may mắn thấy rõ. Bởi thế Inter phải dè chừng những pha bóng trong vòng cấm.

Đây là trận derby nước Ý thứ 165 ở Serie A nói riêng, với 45 trận thắng cho Inter còn Juventus áp đảo với 78 trận thắng. Tính trên các mặt trận, đây sẽ là trận derby thứ 225, với 101 trận thắng cho Juve và 68 trận cho Inter trong quá khứ. Riêng 6 trận đối đầu gần nhất, Inter và Juve tối thiểu ghi 1 bàn/trận.

Inter: Vẫn còn nhiều câu hỏi

HLV Roberto Mancini và Juventus: Oan gia ngõ hẹp!

Bài học từ Indonesia

Giải VĐ Malaysia cần thay đổi còn để tránh đi vào vết xe đổ như Indonesia. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, xứ vạn đảo xứng đáng là thị trường bóng đá lớn thứ 3 thế giới với bình quân 100 triệu người sẵn sàng mở truyền hình xem đá bóng, con số đủ khiến các cường quốc như Anh và Đức “đỏ mắt”. Đấy là chưa kể mỗi năm có 12 triệu người tới sân. Ngặt nỗi, quản lý bóng đá ở Indonesia rối hết chỗ nói. Tính ra từ 1994/95 đến 2004/05, cấu trúc của Liga Indonesia hầu như mỗi năm mỗi đổi với số đội dao động từ 18-28. Sau khi ổn định với 18 đội từ mùa 2004/05 được một thời gian thì gần đây, bóng đá Indonesia lại chia thành 2 giải VĐQG: Indonesian Super League và Indonesian Premier League. Tới năm ngoái, hai giải này được hợp nhất thì cách nay vài tháng, Indonesia bị FIFA trừng phạt do chính phủ can thiệp vào công việc của LĐBĐ (PSSI).

Người dân Indonesia luôn cháy hết mình với bóng đá.
Indonesia khiến cả những cường quốc bóng đá thế giới phải ghen tị về mức độ cuồng nhiệt.

Dù sao, người Indonesia ắt hẳn đang tin rằng án phạt của FIFA có khi lại hay, vì khiến những người có quyền quyết định vận mệnh bóng đá nước nhà tỉnh ra để có những thay đổi cần thiết. Bởi lẽ, tất cả đều hiểu tại sao giải VĐ Indonesia cứ rối như canh hẹ. Nguyên nhân là do ai có điều kiện thì đều muốn thể hiện tầm ảnh hưởng. Một quan chức cao cấp của PSSI giải thích nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này: “Người nào kiểm soát được bóng đá, người đó coi như nắm một nửa đất nước Indonesia. Vì ở Indonesia, không có đảng phái chính trị nào hùng mạnh và cuồng nhiệt bằng giới CĐV. Ai làm chủ được bóng đá, họ sẵn sàng ‘chết’ vì người đó”. Tình hình hỗn loạn ấy giải thích tại sao hồi năm 2011, Indonesian Super League chỉ bán được gói bản quyền truyền hình 10 năm có 133,5 triệu USD, trong lúc các chuyên gia tính toán giá trị thực phải lên đến ít nhất 360 triệu USD.

Không đi sao thành đường

Dù biết cuộc cải cách sẽ nhiều khó khăn, Malaysia vẫn quyết tâm triển khai. Từng có kinh nghiệm làm CEO cho CLB Kelantan, Ramalingam tiết lộ: “Chúng tôi sẽ truyền đạt cách làm chuyên nghiệp của EPL vào giải VĐ Malaysia (MSL) theo cách tiếp cận từ dưới lên, thay vì từ trên xuống nhằm giúp các đội hiểu rõ hơn về công tác tổ chức và quản lý nhằm quyết định chính xác về ngân sách và chiến lược. Tuy nhiên, khác biệt về văn hóa giữa các vùng trên thế giới rất cần được coi trọng. Nếu chúng tôi miễn cưỡng áp đặt mà các đội không hiểu hoặc không giải thích được tại sao lại như vậy, cuộc cải tổ sẽ thất bại do các đội không thực hiện được, hoặc không chịu hợp tác, hoặc triển khai theo kiểu bằng mặt không bằng lòng”.

Cách làm bóng đá ở Malaysia, Indonesia và Thái Lan: Muốn khá phải na ná Premier League
GĐĐH LLP, Kevin Ramalingam.

Đồng thời, Ramalingam cũng hiểu có những chướng ngại không thể bỏ qua như mùa bóng 2016 của Malaysia bắt đầu từ giữa tháng 1, chưa kể MSL còn có sự hiện diện của LionsXII (Singapore). Ngoài ra, ASEAN Super League 2016 sắp khởi tranh vào tháng 8 năm sau với sự tham dự của các CLB thuộc Malaysia, Singapore, VN, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Úc… Bên cạnh đó, Ramalingam còn phải tìm giải pháp nhằm tăng chất cho các CLB như chiêu mộ cầu thủ nước ngoài để MSL hấp dẫn như TPL. ĐKVĐ Malaysia Johor Darul Ta’zim vào tới bán kết và á quân Pahang tiến đến tứ kết AFC Cup 2015 sẽ giúp công việc của Ramalingam thêm dễ dàng. Ramalingam hứa hẹn sẽ công khai minh bạch kế hoạch tổng thể thật chi tiết với phân công trách nhiệm rõ ràng. Ông cam kết: “Tôi sẽ không che giấu bất kỳ mục tiêu nào chỉ nhằm bảo vệ vị trí của mình, vì mấu chốt để xây dựng một giải đấu thành công là làm rõ từng phần việc. Do đó, tôi sẽ cố gắng để các CLB, truyền thông cùng NHM hiểu chính xác những gì chúng tôi đang làm và tại sao phải làm như vậy”.

MINH CHÂU

7 mùa tranh tài Ballon D’Or liên tiếp gần đây và là 5 năm liên tiếp nếu tính sát nhập thành tên FIFA Ballon D’Or, chỉ Lionel Messi và Cris Ronaldo giành giải thưởng. Gần như nó sẽ là năm thứ 8, và khi Messi vẫn còn ở tuổi 28 sung mãn cũng như Ronaldo “phăng phăng” trên đỉnh cao thì sự nhàm chán sẽ còn kéo dài.

Cuộc đua Bóng vàng chẳng có gì để chờ đợi, không cái mới, không bí ẩn, vì sự đơn điệu hai cá thể. Và những ngôi sao còn lại cũng nhận ra, hành tinh ấy họ sẽ không thể đặt chân lên được. Manuel Neuer năm ngoái bắt bóng hay là thế chỉ được xếp hạng 3. Lewandowski có ghi bàn tốt hơn nữa cũng chẳng giành được giải. Sergio Aguero có lập thêm vài cú reporker may ra cũng chỉ có mặt ở “chung kết 3 người”.

Hazard, Neymar, Suarez, Bale, James Rodriguez… lại càng có ít cơ may. Nụ cười lấp lánh trên Bóng vàng trong các gala không dành cho họ.

Thử gạch bỏ tên Ro-ssi...

Đôi khi, chúng ta nghe được là một phát biểu nào đó, kiểu như “Hazard, Oezil, Suarez có thể cạnh tranh Bóng vàng”. Song những câu nói kích thích sôi động chẳng làm cho cuộc đua hấp dẫn hơn. Thậm chí, nó trở nên gượng gạo và lố bịch trước những kết quả đã đoán được. Cuối cùng, người ta lại phải đính chính, rằng đó là “Tương lai” – một tương lai dài đằng đẵng mà đến lúc cái thời của Messi và Ronaldo qua đi thì cũng là lúc nhiều ngôi sao còn lại trở nên già cỗi.

Vậy thì, khi cặp “Ro-ssi” ở một phân hạng khác biệt hoàn toàn, nên tách họ ra hẳn cuộc chiến Bóng vàng nhường phần còn lại. Nên để Messi và Ronaldo đua với nhau trong một cuộc chiến khác giữa 2 cá nhân này, ví dụ như “Siêu Bóng vàng”, hoặc để họ làm… khán giả xem những ngôi sao còn lại tranh tài. Ý tưởng ấy có thể bị coi là “điên rồ” nhưng ít ra nó sẽ giúp hàng chục ngôi sao khác có động lực tiến lên.

Hãy tạo cho họ cơ hội là cầu thủ hay nhất trong năm, dù biết sự thật vẫn chỉ dưới cái bóng của Messi và Ronaldo. Ít nhất lúc đó sẽ xác định được, sau Messi và Ronaldo thì đâu là những cầu thủ xuất sắc “Nhất, Nhì, Ba”. Hiện thế giới mới chỉ tìm được 1 trong số đó (thứ 3).

MẠNH KHÁNH

Lỗi không phải bởi Messi và Ronaldo do họ quá xuất sắc. Lỗi cũng không thuộc về những nhà quản lý giải thưởng này bởi họ dù cách nào cũng phải hướng đến sự công bằng. Sai lầm thì cũng không thuộc về các ngôi sao, nếu có trách là do họ sinh ra không đúng thời.

Phân hạng cầu thủ

Siêu hạng

Lionel Messi (28 tuổi, Barca) Cris Ronaldo (30 tuổi, Real)

Thượng hạng

Sergio Aguero (27, Man City); Robert Lewandowski (27, Bayern); Eden Hazard (24, Chelsea); James Rodriguez (24, Real); Neymar (23, Barca); Luis Suarez (28, Barca); Gareth Bale (26, Real); Manuel Neuer (29, Bayern).

Trung hạng

Paul Pogba (22, Juve); Thomas Mueller (26, Bayern); Alexis Sanchez (26, Arsenal); Mesut Oezil (27, Arsenal); Wayne Rooney (29, Man Utd); Zlatan Ibrahimovic (PSG); Angel di Maria (27, PSG); Diego Costa (27, Chelsea); Koke (23, Atletico); Cesc Fabregas (28, Chelsea); Marco Reus (26, Dortmund); Edinson Cavani (28, PSG); Thibaut Courtois (23, Chelsea).

Từ AC Parma đến Nuovo Parma 1913, một thế giới khác

Gandini, Murelli, Davin… ở mùa bóng 1984/85, khi Parma lên Serie B. Taffarel, Donati, Gambaro… cho đội hình mới lên Serie A lần đầu tiên vào mùa 1990/91 và ngay ở vòng đầu tiên đã khiến tất cả mở to mắt nhìn khi họ hòa Juventus 1-1. Grun, Di Chiara, Melli, Apolloni, Osio… cho chiếc Cúp châu Âu sau đó một mùa… Những tifosi của Parma có thể cứ kể mãi tên những cầu thủ và HLV có mặt trong các ĐH từng mùa giải mà họ đã tham gia và chiến thắng, đã để lại những ấn tượng mạnh mẽ về một hiện tượng trong nhiều năm nóng bỏng và sôi động của một thời mà Serie A đã cháy lên.

Tình yêu không chết, kể cả ở hạng nghiệp dư

Thế rồi những cái tên ấy bỗng nhiên trở thành nỗi hoài niệm lớn lao, để rồi có một cái tên bắt đầu cho một thời kì mới, Marco Ferrari. Nhưng người này là ai, một cựu cầu thủ Parma như những cái tên đã kể trên? Không phải, đấy chỉ là một nhà đầu tư, một trong 7 chủ sở hữu của đội (tất cả đều là người Parma).

Người rất yêu Parma và là chủ của một doanh nghiệp trên lĩnh vực công nghệ số này đang là sợi dây nối liền Parma của bây giờ và quá khứ chưa xa, khi ông nắm giữ vai trò PCT Nuovo Parma 1913, tên mới của Parma phá sản ngay khi mùa giải trước còn đang diễn ra-điều chưa từng có ở Serie A-và giờ bị đánh tụt xuống hạng D (nghiệp dư). Quá trình phá sản và tụt hạng ấy đương nhiên khiến nhiều CĐV, trong đó có chính Ferrari, bị sốc. Họ mô tả rằng, Parma, thành phố nổi tiếng với truyền thống thể thao, đã bị “hiếp” (!).

Điều ấy xảy ra gần nửa thế kỉ sau vụ phá sản đầu tiên và hệ quả là nhiều năm sau đó chơi ở các hạng tẹp nhẹp của calcio. Từ cuộc phá sản ấy là những lần lên hạng, những thành công ở Serie A, những chiếc Cúp châu Âu, những cuộc đua tranh Scudetto.

Đội hình mà Malesani đã dẫn dắt đoạt Cúp UEFA năm 1999 không hẳn là CLB của một thành phố chỉ 180 nghìn dân, mà giống như một ĐT của thế giới, với Buffon, Thuram, Cannavaro, Sensini, Boghosian, Fuser, Dino Baggio, Vanoli, Veron, Crespo và Chiesa. Bốn năm sau, cú phá sản của công ty mẹ Parmalat để lại một “lỗ hổng” 14 tỉ euro đã khiến Parma sụp đổ. Họ làm lại từ đầu, để rồi 11 năm sau, gục ngã một lần nữa vì quản lí yếu kém, vì thiếu tiền bạc, vì những chủ tịch của họ lần lượt bị bắt hoặc điều tra. Nhưng bây giờ, trên đống đổ nát là một bông hoa mới nở. Parma mới có 9.700 người đăng kí mua vé dài hạn cả mùa, con số lớn chưa từng có ở hạng nghiệp dư và tương đương với vài đội nhỏ ở Serie A. Đội bóng ấy, với sự quan tâm sâu sắc của Ferrari, đang dẫn đầu một bảng của hạng nghiệp dư của vùng Emilia-Romagna. Họ chiến thắng với một lực đẩy vô song ở phía sau: niềm tự hào vào quá khứ.

Từ mô hình Đức đến tifosi; Parma hồi sinh như thế

“Năm ngoái, tin tức về việc Parma bị bán với giá 1 euro tượng trưng đã lan đi khắp thế giới”, Ferrari nói với báo chí Italia. “Điều đó đã làm tăng thêm trách nhiệm của giới doanh nghiệp địa phương đối với Parma, khiến họ tin rằng, phải làm điều gì đó để giúp Parma”. Điều đó cũng dẫn đến một tâm trạng rất đặc biệt trong các tifosi: từ đau đớn, bực bội dẫn đến niềm tự hào và sau đó, ủng hộ nhiệt liệt đội bóng mới ở hạng nghiệp dư, bởi họ tin rằng, sự ủng hộ ấy là động lực để Parma trở lại đỉnh cao. Nhưng điều quan trọng nữa vẫn là quản lí và định hướng tương lai, điều mà Parma mùa trước không thể làm được.

“Parma mới theo đuổi mô hình của Bundesliga, khi quy định không một cổ đông nào được phép sở hữu hơn 50% giá trị đội bóng, để tránh việc đội này có thể sụp đổ vì một nhà đầu tư phá sản”, Ferrari nói. “Parma hiện có 7 cổ đông chính nắm 75% cổ phần, 25% còn lại thuộc về các cổ đông nhỏ hơn. Một thảm họa tài chính như mùa trước sẽ không xảy ra”.

Người đứng đầu Parma là chủ tịch Nevio Scala, một cái tên không xa lạ với các tifosi Parma. Ông là HLV đã đưa Parma đến những thành công vang dội trong những năm 1990. Người phụ trách kĩ thuật của Parma cũng là một cái tên quen thuộc, Lorenzo Minotti, đeo băng đội trưởng dưới thời Scala. Còn HLV của đội không phải ai khác mà là Luigi Apolloni, một học trò khác của Scala, và đã chơi cánh phải của đội Ý ở World Cup 1994. Đội trưởng của Parma vẫn là Alessandro Lucarelli, người duy nhất còn “sống sót” từ đội bóng phá sản mùa trước, sau khi tất cả các cầu thủ và HLV Roberto Donadoni rời con tàu đắm. “Năm ngoái, khi lần đầu tiên nghe tin Parma thậm chí không đủ tiền để trả cho người cắt cỏ ở sân Ennio Tardini, cũng không thể trả được tiền nước nóng cho cầu thủ tắm, tôi gần như phát điên”, anh nói.

“Nhưng chúng tôi vẫn tập, vẫn thể hiện thái độ chuyên nghiệp, vẫn ra sân chiến đấu và thậm chí thắng Juventus, dù không được trả lương. Parma xuống hạng D, nhưng tôi không đi đâu cả. Đây là nhà tôi rồi”. Những lời nói đầy cảm động của một người sinh ra ở Livorno, xứ Toscana, nhưng coi Parma là nhà mình.

Vĩ thanh

Tình yêu và sự hi sinh của những người như Lucarelli được đền đáp xứng đáng. Các tifosi không từ bỏ đội. Hàng trăm tifosi đã đi xe ô tô, xe máy, thậm chí cả xe đạp theo đội tới những trận đấu giao hữu của đội trong “số phận mới” vào tháng 8 vừa rồi; 500 khán giả có mặt trong buổi tập đầu tiên và rồi hàng nghìn người đến dự những buổi tối mà chủ tịch Scala cùng các cựu cầu thủ nổi tiếng của Parma tổ chức để quyên góp cho đội. Chưa hết, Ferrari, người muốn có một sự khởi đầu mới với Parma ở hạng D hơn là cùng các doanh nghiệp khác mua đội và một đống nợ của họ để rồi tái xuất ở hạng B, thậm chí đã dàn xếp với Sky Sport Italia để các trận của Parma được phát sóng trực tiếp. Đấy là lần đầu tiên một đội ở hạng nghiệp dư được hệ thống truyền hình trả tiền này đưa lên sóng. “Như thế, cả thế giới sẽ thấy chúng tôi đang hồi sinh như thế nào”, ông nói.

… Một chiều đi ngang Parma, dừng chân ở gần sân Ennio Tardini, nơi đã ươm mầm biết bao chiến thắng của đội bóng xứ Emilia-Romagna, chợt thấy ngậm ngùi trong chốc lát khi nghĩ về quá khứ của họ, một quá khứ vàng son của calcio mà trong những năm tháng đó, tôi đã lớn lên và mơ về nước Ý, lúc ấy còn là một mảnh đất quá xa xôi không thể với tới. Thế rồi, chợt bừng tỉnh khi nghĩ về những gì đang xảy ra, tôi gật đầu thầm nghĩ, “nhất định, họ sẽ trở lại”…

Trương Anh Ngọc (từ Parma, Italia)

Từ Parma đến Venezia Vinh quang quá khứ lay lắt ở hạng nghiệp dư

Có 3 Cúp Italia, 2 Cúp UEFA, 1 Cúp C2 của Parma, nhưng cũng có Cúp Italia của Venezia, đội bóng từ một trong những thành phố lớn nhất đất nước. Cả Reggina và Piacenza, những đội bóng từng có mặt nhiều lần trong 20 năm qua của Serie A.

Serie D mùa 2015/16 thật kì lạ. Nó tập hợp các đội bóng của 4 thành phố là thủ phủ các vùng có đội từng chơi ở Serie A (Campobasso, Potenza, Trieste, Venezia) và 24 đội thuộc các tỉnh, trong đó có nhiều đội khác từng chơi ở Serie A, như Taranto, Grosseto, Monza. Thậm chí có cả đội bóng đại diện cho quốc gia, như San Marino. Có một sự thật: giải Serie D chưa bao giờ trở nên hào nhoáng đến thế, chủ yếu là nhờ Parma, đội trở lại hạng nghiệp dư lần đầu tiên sau 47 năm. Parma được xếp vào bảng D cùng với nhiều đội khó nhằn như Ravenna, Forli, San Marino và cả Mezzolara, đến từ một thị trấn nhỏ có 2 nghìn dân, bằng 1/20 số tifosi của Parma. Ngoài Parma, những cái tên như Venezia, Monza, Reggina cũng rất đáng chú ý.

Những đội bóng lớn, những nhóm tifosi cuồng nhiệt và có truyền thống, cả các cầu thủ giỏi từng chơi ở Serie A (như Lucarelli của Parma, hay Barreto, cựu Bari và Torino, nay chơi cho Venezia) đã giúp Serie D mùa này giống như một ngày hội đặc biệt, trong một nỗi buồn muôn thuở của sự suy tàn với những thế lực cũ: mỗi năm trôi qua, lại có một đội bóng có truyền thống nào đó phá sản hoặc chơi kém để rồi tụt hạng. Để rồi cuối cùng, tất cả tụ hội ở hạng nghiệp dư. A.N

Tham vọng của người Mã

Phải thừa nhận rằng thời điểm này chẳng phải lý tưởng để đánh bóng hình ảnh của bóng đá Malaysia. Vì trên BXH FIFA, Malaysia hiện rớt xuống thứ 171, vị trí thấp nhất trong lịch sử và ngang với Indonesia vốn không kiếm thêm điểm nào suốt mấy tháng qua do bị FIFA cấm thi đấu. Không chỉ vậy, 2 chiến thắng liên tiếp vừa qua trước Lào và Đông Timor trong khuôn khổ giao hữu và vòng loại World Cup chưa đủ để người Malaysia quên mất rằng trên đường đua tới Nga 2018, đội nhà vừa thảm bại 0-6 trước đội khách Palestine và thua tan tác 0-10 tại UAE. Trong bức tranh toàn cảnh nhiều gam màu tối như vậy, thật bất ngờ khi chính phủ Malaysia bạo tay chi 303 triệu USD mua bản quyền truyền hình và tài trợ cho các giải trong nước tới 15 năm sau.

Muốn khá phải na ná Premier League

Động lực ắt hẳn đến từ niềm tin vào ý tưởng cải tổ nền bóng đá Malaysia của Kevin Ramalingam vừa nhận chức GĐĐH của LLP để tổ chức các giải trong nước thay cho LĐBĐ Malaysia (FAM). Cách làm này ngày càng phổ biến trong 25 năm qua, bao gồm cả Anh với Premier League (EPL) chào đời năm 1992. Ramalingam cho biết: “Đúng là thành công trên đấu trường quốc tế sẽ thu hút mối quan tâm của thị trường trong nước nhiều hơn, nên chúng tôi sẽ không dối trá tới mức tin rằng thể hiện kém cỏi của đội tuyển Malaysia chẳng gây ảnh hưởng nào. Tuy nhiên, giải vô địch Malaysia rất cần thay đổi, vì chúng tôi đang ở vào tình huống như người Anh phải sáng lập Premier League hồi đầu thập niên 90. Tôi chỉ mong giải VĐ Malaysia đạt được 50% thành công của Premier League là đủ”.

Tấm gương của người Thái

Thành công rực rỡ của người Thái khi noi theo Premier League càng tạo động lực để Ramalingam cùng giới bóng đá Malaysia thêm quyết tâm thay đổi. Tất nhiên, hiệu quả đạt được chưa hẳn nhanh như mong muốn, vì Premier League chào đời năm 1992 thì tới năm 1996, Thái Lan đã áp dụng theo. Dù vừa bị điều tra, chủ tịch LĐBĐ Thái Lan (FAT) Worawi Makudi rõ ràng có tầm nhìn xa khi tận dụng mọi mối quan hệ để Sir David Richards – Chủ tịch EPL hỗ trợ FAT từ cách tổ chức giải đấu như thế nào cho tới thương thảo bán bản quyền truyền hình làm sao mới kiếm được hơn 22 triệu USD/năm trong 3 năm, tính từ 2014. Vì thế, số đội dự Thai Premier League (TPL) thoạt đầu chỉ 10-12 tăng dần lên 16, rồi 18 với các sân có sức chứa không quá nhiều (chừng vài ngàn tới mười mấy ngàn người), nhưng cơ sở vật chất hiện đại và dịch vụ cung cấp cho NHM có tiêu chuẩn quốc tế.

Thời gian chứng tỏ chiến lược của FAT chính xác như thế nào. NHM Thái vẫn rất chuộng EPL và thuộc làu làu tên các ngôi sao ở Anh, song vẫn ủng hộ bóng đá nội nhiệt tình với lượng khán giả vào sân lẫn xem truyền hình trả tiền tăng đều hàng năm. Vì thế, TPL vẫn chưa cạnh tranh nổi Trung Quốc để thu hút các ngôi sao lớn, nhưng đã có được những tuyển thủ đến từ Madagascar, Montenegro, Bờ Biển Ngà, Guinea hoặc CHDCND Triều Tiên… Đồng thời, nhiều cầu thủ ở Thái nay trở thành người nổi tiếng với mức lương hàng tháng khoảng 3.000 USD. Định hướng tốt của TPL theo phương hướng của EPL còn giúp giải đấu này chẳng lo thiếu tài trợ, như Thai Beverage hàng năm chi tới 14 triệu USD để tổ chức các hoạt động liên quan tới bóng đá, bao gồm cả tài trợ cho các CLB, tương tự AIA Thailand…

Minh Châu

LLP là gì?

Kevin Ramalingam, GĐĐH của LLP giải thích tổ chức mới này của bóng đá Malaysia sẽ chịu trách nhiệm thay thế LĐBĐ Malaysia (FAM) điều hành các giải Malaysian Super League, Malaysian Premier League, Malaysian FA Cup, Malaysia Cup và Charity Cup theo phương hướng mới nhằm gia tăng giá trị thương mại của các giải này tới mức tối đa.

Thực tế, so với cùng kỳ mùa trước Monaco hiện ghi bàn tốt hơn nhiều. Năm ngoái sau 9 vòng đầu Monaco có chưa nổi 1 bàn/trận (8 bàn). Giờ đội bóng của HLV Leo Jardim ghi nhiều gấp 1,5 lần, dù đã bán tiền vệ công Carrasco, chấm dứt hợp đồng với Berbatov và bán đi ngôi sao Anthony Martial. Nhưng thành tích ghi bàn hiện tại không có nghĩa rằng Monaco đã tìm được những phương án thay thế xứng đáng ở tuyến đầu.

Không “súng” sao hạ được “Sư tử”?

Thật vậy! Thống kê chỉ ra rằng 7/13 bàn Monaco có mùa này được thực hiện bởi… các hậu vệ, trong đó Fabinho góp nhiều nhất, 2 bàn, đều từ chấm 11m và đó đều là những bàn mang về 3 điểm trước Gazelec Ajaccio và Montpellier. Thật khó tưởng tượng Monaco sẽ lún sâu hơn cỡ nào ở nửa cuối BXH nếu không có 2 bàn đó và 6 điểm. Và dù thực tế là hiện Monaco đang phòng ngự dở hơn mùa trước (14 bàn thua so với 11 năm ngoái) thì rõ ràng các hậu vệ vẫn xứng đáng được “thờ sống”.

Hiển nhiên, rất tuyệt khi các hậu vệ trở thành người hùng trước cầu môn đối phương. Nhưng đó cũng là lúc người ta phải đặt câu hỏi: Các tiền đạo của Monaco đang biến đi đâu mất và số tiền 36 triệu bảng thu về từ vụ bán Anthony Martial cho Man Utd đã được tiêu vào việc gì?

Chính xác Monaco đã chi 8,8 triệu euro mua Guido Carrillo từ Estudiantes và thêm 2 triệu nữa để mượn được Stephan El Shaarawy từ Milan. Đó là những tiền đạo thực thụ và đến giờ sau tổng cộng 16 lần ra sân với cả hai ở Ligue 1 mùa này, thành tích của họ là con số 0 tròn trĩnh. Cũng phải kể thêm rằng Monaco đã tiêu 15 triệu euro cho thương vụ Ivan Cavaleiro và cầu thủ tấn công biên đến từ Benfica chính là HĐ đắt giá nhất của Monaco mùa này. Nhưng nếu nhìn vào hàng tiền vệ, cái tên còn lạ hoắc Thomas Lemar (4 triệu euro, đến từ Caen) mới tỏa sáng với 3 bàn mùa này và đang là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất cho CLB. Dẫu vậy, hãy nhớ Lemar chỉ là tiền vệ trung tâm.

Rõ ràng, HLV Jardim sẽ còn phải loay hoay với những thử nghiệm để tìm ra một “số 9” hiệu quả nhất cho Monaco thay vì hy vọng các hậu vệ lao lên làm người hùng. Tín hiệu tốt là El Shaarawy dường như đang tìm lại cảm giác ghi bàn khi lập công ở Europa League và trong màu áo Tuyển Italia. El Sha chính là cái tên “có số má” nhất trên tuyến đầu. Nhưng nếu anh vẫn không thể chứng tỏ được phẩm chất, đêm nay Monaco có thể phải vừa bất lực và thèm thuồng nhìn mũi nhọn lợi hại nhất của Lyon, Vua phá lưới mùa trước Alex Lacazette tàn phá hàng thủ lỏng lẻo lại đang thiếu 2 trụ cột Carvalho – Raggi của họ.

Không “súng” sao hạ được “Sư tử”?

Lương Anh

Lyon rất nguy hiểm ở 15 phút cuối trận với 4/11 bàn hiện có được ghi trong khoảng thời gian này, tương đương 36,3%. Trong khi đó, Monaco ghi tới 9/13 bàn mùa này ở 30 phút đầu hiệp 2, tương ứng 69,3%. Điều đó cho thấy sự điều chỉnh rất tốt của HLV Leo Jardim trong giờ giải lao.

Như đã biết, ở thời điểm hiện tại, đội chủ sân Nou Camp không thể để Turan ra sân dù đã kí hợp đồng với anh từ Atletico Madrid hồi mùa hè (cùng Aleix Vidal từ Sevilla). Nói đúng hơn, Turan và Vidal, chỉ ra mắt vào tháng 1 tới sau khi án phạt cấm Barcelona được phép đăng kí trong hai kỳ chuyển nhượng kết thúc. Đây là kết quả của việc đội bóng Tây Ban Nha đã vi phạm các quy định chuyển nhượng với cầu thủ dưới 18 tuổi.

Mượn luật để lách luật

Rắc rối ở chỗ, cuộc khủng hoảng lực lượng đang làm đau đầu Luis Enrique, trong đó tổn thất lớn nhất là sự vắng mặt của Lionel Messi trong vòng 2 tháng. Cộng thêm những chấn thương của Andres Iniesta, Rafinha, và việc Thomas Vermaelen, Adriano mới trở lại sân tập, tình hình thực sự là rất đáng lo cho Blaugrana. Đồng thời, cuộc khủng hoảng đã giải thích tại sao họ muốn FIFA nới lỏng án phạt và cho phép Turan được đăng kí thi đấu, thay vì chờ đến tháng 1.

Đáp lại, Barcelona chỉ nhận được sự im lặng từ FIFA và sau ba lần không có câu trả lời, tình thế hiện tại buộc họ không còn lựa chọn nào khác là nhờ CAS phân xử.

Không phủ nhận một thực tế rằng, tất cả các CLB đều phải tôn trọng luật chuyển nhượng của FIFA và hành động của họ có thể tạo tiền lệ xấu về sau này (không xin xỏ được là nhờ CAS), một kẽ hở trong quy định mà FIFA đưa ra là đội bóng bị phạt sẽ được đăng kí cầu thủ nếu mất một cầu thủ khác trong thời gian hơn 5 tháng. Ở trường hợp của Barcelona, họ sẽ không có Rafinha trong khoảng 6 tháng sau khi tiền vệ người Brazil rách dây chằng đầu gối.

Theo kế hoạch thì trong ngày hôm qua, Barcelona đã đưa ra một yêu cầu nữa với FIFA, trước khi họ chính thức nhờ CAS can thiệp. Tuy vậy, đội chủ sân Nou Camp cũng thừa hiểu rằng, một khi đã đưa vụ việc ra CAS, mọi chuyện sẽ không thể được giải quyết trong vòng 1-2 tuần. Thậm chí, trường hợp Turan có thể kéo dài tới 1-2 tháng, trong khi giờ đã là giữa tháng 10.

Như vậy, có thể thấy ngay rằng, việc Barcelona viện lý do mất Rafinha để đòi Turan được ra sân chỉ là cái cớ nhằm giúp Luis Enrique tăng cường sức mạnh cho đội bóng và xoay vòng từ nay cho đến khi họ dự Club World Cup. Bởi một đội bóng lớn như Barcelona không thể vì 4-5 cầu thủ chấn thương mà đã hốt hoảng, chưa kể họ còn nhiều tài năng trẻ khác và lịch thi đấu trong tháng 10 này là tương đối dễ dàng.

Mạnh Hào

Cuối tuần này, Barcelona sẽ gặp Vallecano trên sân nhà, trước lúc đối đầu BATE Borisov ở Champions League, rồi Eibar và Getafe. Đến tháng 11, lịch thi đấu của họ sẽ khó khăn hơn với các đối thủ như Villarreal, Real Madrid và Roma.

Thành công của Klopp được đi kèm với cụm từ “gegenpressing” – một triết lý bóng đá phản ánh đúng chất “điên” đầy cuồng nhiệt của Klopp: cả đội áp sát gây áp lực lên đối phương ngay sau khi mất bóng như một cách chống phản công và có thể tổ chức phản công chớp nhoáng nếu giành lại được bóng.

Gegenpressing-Klopp: “Thổ nhưỡng” cũng rất quan trọngGegenpressing có tốc độ, có nhịp độ cao đôi lúc đến nghẹt thở, dễ gây hưng phấn. Và giờ, “gegenpressing” giống như thứ bùa chú thần diệu của Harry Potter-Klopp mang sang Liverpool trong sứ mệnh khôi phục lại nguồn tài nguyên trên thảm cỏ Anfield, vốn trong tình trạng khô hạn danh hiệu vài thập kỷ qua. Thành công như Dortmund hay không, đương nhiên, thời gian mới trả lời. Song điều lo ngại nhất đến từ “hội chứng cuồng Klopp” (Kloppmania).

Bởi thành công của một đội bóng cần hội tụ nhiều yếu tố, không đơn giản như tính chất bắc cầu “Dortmund thành công với gegenpressing thì Liverpool cũng vậy”.

Ví dụ ngay trường hợp HLV Toshiya Miura của ĐT Việt Nam chứ không đâu xa. Kinh nghiệm dẫn dắt các CLB Nhật Bản (hầu hết đều ở hạng nhì), cộng thêm một loạt bằng huấn luyện hạng cấp cao, Miura được kỳ vọng “chất Nhật”, vốn có nhiều yếu tố tương đồng với xứ Việt chúng ta từ con người đến văn hoá sẽ mang lại thành công cho ĐTQG.

Nhưng hơn 1 năm ở Việt Nam, dù đã hoà nhập với cuộc sống ở dải đất hình chữ S, đã “kết” bia hơi nhưng Miura đang bị cho không phù hợp với bóng đá Việt, không thể giúp ĐTQG xoay chuyển vị thế. Phán xét câu chuyện đúng hay sai là rất khó và vô cùng, cho dù nhiều thông tin trong đó có cả tạm gọi là nguồn đáng tin cậy cho thấy Miura không phải “phù thuỷ có cây đũa vàng” hô phép cho bóng đá Việt như chờ đợi. Chỉ có thể tạm kết luận thế này, những gì từng giúp HLV Miura thành công trước đó có lẽ không hợp “thổ nhưỡng” bóng đá Việt.

“Thổ nhưỡng” Anfield hợp Gegenpressing-Klopp hay không? Từ từ chờ xem!

Q.Nguyên

Klopp “điên”, không hợp duyên vẫn… hỏng

Và ngay cả khi Sir Alex Ferguson tuyên bố chẳng có lý do gì ngăn cản các chiến lược gia người Đức thành công ở Premier League, người Anh vẫn có vẻ đang tự sướng với ý nghĩ rằng trình độ của giải VĐQG nước này hiện vượt quá khả năng của các HLV đến Bundesliga.

HLV Đức vẫn ăn đứt Anh

Phải chăng là bằng ánh mắt khinh thường dành cho giới cầm quân Đức, truyền thông Anh có thể che lấp sự thật là chất lượng các HLV của họ rõ ràng xoàng hơn?

Đấy có lẽ là lý do chính khiến truyền thông Anh sẵn sàng chĩa mũi dùi công kích Jose Mourinho, vì cảm thấy tự ái khi “Người đặc biệt” dám tuyên bố ông chẳng thấy có bất kỳ HLV người Anh nào đủ khả năng cầm quân ở các giải VĐQG bên ngoài xứ sở sương mù. Trên thực tế, Premier League 2015/16 phần nào xác nhận sự thật đó, khi chỉ có 6/20 HLV là người Anh. Không chỉ vậy, nhóm thiểu số này chỉ nhận được niềm tin từ các CLB trung bình hoặc yếu: Eddie Howe (Bournemouth), Tim Sherwood (Aston Villa), Alan Pardew (Crystal Palace), Steve McClaren (Newcastle), Sam Allardyce (Sunderland) và Garry Monk (Swansea).

Bundesliga 2015/16 khác hẳn, với 12/18 HLV hiện nay là người bản xứ. Thậm chí khi Lucien Favre rút lui nhường quyền ở Moenchengladbach cho Andre Schubert hồi cuối tháng trước, con số nhà cầm quân Đức ở giải VĐ Đức đã lên 13. Đấy là một thay đổi đáng kể, và chẳng phải ngẫu nhiên, sau cú đột phá ngoạn mục của các HLV ngoại ở Bundesliga mùa trước: Kỷ lục từng có 10 HLV ngoại xuất hiện cùng lúc, sau một loạt biến động giữa mùa bóng khiến 3 HLV ngoại ra đi, nhưng 5 HLV ngoại khác tới trám chỗ.

Sở dĩ Bundesliga từng xuất hiện làn sóng HLV ngoại đổ ập tới là do hiệu ứng từ sự xuất hiện của Pep Guardiola ở Bayern Munich. Nhưng chỉ sau một mùa, người Đức đã bỏ ngay thói chuộng ngoại do nhận ra trừ phi chiêu mộ được các HLV hàng đầu thế giới, tốt nhất vẫn nên đặt niềm tin vào các HLV bản địa.

Nguyên nhân rất đơn giản: Sau khi Klopp rời Dortmund, Bundesliga nhanh chóng nổi lên những nhà cầm quân giàu triển vọng hứa hẹn vươn tới đẳng cấp tương tự như Markus Weinzierl (Augsburg) hoặc Andre Breitenreiter đang nắm Schalke…

Thật ra nếu xét kỹ, Thomas Tuchel có lẽ đã đủ để Dortmund nói riêng và Bundesliga nói chung dịu nỗi nhớ Klopp. Vì nếu Tuchel không quyết định nghỉ xả hơi ở mùa 2014/15, số HLV ngoại ở Bundesliga đã không tăng đột biến. Vì nếu Tuchel không rời Mainz, CLB này đã chẳng ký với chiến lược gia Đan Mạch Kasper Hjulmand, rồi kế tiếp thay thế bằng HLV Thụy Sĩ Martin Schmidt. Và do Tuchel từ chối lời mời của Schalke, CLB này mới chiêu mộ HLV Italia Roberto Di Matteo.

Hơn nữa, Tuchel “tái xuất giang hồ” đã nhanh chóng đưa Dortmund trở lại vị trí số 2 của Bundesliga, điều mà Klopp không làm được ở mùa trước. Dù đây chẳng phải là chuyện gì quá ghê gớm, song chí ít vẫn đủ để giới cầm quân người Đức nhìn các đồng nghiệp Anh bằng ánh mắt của kẻ bề trên. Bởi lẽ, còn cảm giác nào dễ chịu bằng khi chứng kiến một HLV vừa thất bại ở Bundesliga bỗng nhiên trở thành báu vật của Premier League? Hơn nữa, ngay cả khi Klopp không thành công ở Liverpool, thất bại của các HLV Đức ở nước ngoài chưa hẳn lớn bằng nỗi thất vọng của đội chủ sân Anfield và Premier League.

Minh Châu

Klopp “điên”, không hợp duyên vẫn… hỏng

Mourinho thoát án phạt của FA, dù có bằng chứng cho thấy HLV người Bồ đã dùng cụm từ “đồ con hoang” nhằm vào nữ bác sĩ của Chelsea vì nữ bác sỹ này chạy vào chăm sóc Eden Hazard trong trận Chelsea hòa 2-2 với Swansea.

“Mourinho làm phụ nữ... nhụt chí”

Le Saux thừa nhận ảnh hưởng của vụ việc là khó lường. “Điều khiến tôi lo lắng nhất, bởi đang làm việc cho FA, đó là tác động từ thái độ của Mourinho đối với mọi người trong làng bóng đá. Chúng ta đang phải xử lý với những vấn đề rất nhạy cảm và có thể thay đổi văn hóa cuộc chơi trong tương lai. Một số người ở FA thực sự cảm thấy sốc, sau khi biết được kết luận rằng không có đủ bằng chứng để phạt Mourinho, trong khi toàn bộ sự việc có thể khiến nữ giới quay lưng lại với bóng đá và những gì liên quan tới môn thể thao đại chúng này. Mặt khác, các CLB cũng sẽ cảm nhận được thái độ ‘không khuyến khích thuê phụ nữ’ làm việc ở các đội bóng. Mỗi ngày, có rất nhiều phụ nữ đang làm việc tích cực để môn thể thao này có được vị trí tốt hơn trong làng thể thao, nhưng trong vài tuần qua, có cảm giác như chúng ta đang tụt lùi tới 30 năm”, Le Saux nói.

Heather Rabbatts, Trưởng ban Tư vấn của FA, tuyên bố “rất thất vọng” với cách FA xử lý vụ việc. Nữ quan chức có tầm ảnh hưởng lớn tại FA khẳng định cần bổ sung thêm các quy định xử phạt đối với các HLV can thiệp vào những lĩnh vực chuyên môn đặc biệt, như y tế thể thao. “Có thể, chúng ta cần nghĩ tới việc áp dụng các án phạt nếu còn xảy ra những sự can thiệp vào trọng tài và nhân viên y tế. Tôi nghĩ nội bộ FA cần phải xem xét sự việc này một cách nghiêm túc và tìm giải pháp cho vấn đề. Và đây là vấn đề cần nằm trong chương trình nghị sự sắp tới. Chúng ta đã chứng kiến nhiều vụ việc ở Premier League, FA Cup liên quan tới điều kiện sức khỏe của cầu thủ, cần sự trợ giúp đặc biệt, chuyên sâu của bác sĩ. Một chiến thắng là cần thiết, nhưng sức khỏe của một cầu thủ là điều cần quan tâm trên tất cả”.

Đánh giá về vụ việc này, FIFA nhấn mạnh sẽ soạn thảo một bộ luật mới áp dụng cho bác sĩ các đội bóng sau khi sự việc xảy ra. “Trong lĩnh vực y học, ở khía cạnh chẩn đoán thể lực, một HLV chẳng có tư cách gì để phán xét vấn đề”, Giáo sư Jiri Dvorak, Trưởng ban Y tế của FIFA, tuyên bố. “Đây là luật của FIFA. Nhiệm vụ và đạo đức của một bác sĩ thể thao là chăm sóc sức khỏe của các VĐV. Tôi không thể chấp nhận một tình huống như vậy và chúng ta phải bảo vệ vị trí của vị bác sĩ ấy. Những ai liên quan tới bóng đá cần phải tôn trọng sự thật rằng bác sĩ mới là người quyết định những gì liên quan tới điều kiện sức khỏe của một VĐV. Tôi không hề có ý định can thiệp vào công việc nội bộ của một CLB, nhưng tôi sẽ yêu cầu làm rõ điều mà nữ bác sĩ và đồng nghiệp của cô ấy đã làm vào thời điểm đó”.

Thành Lương

“Chúng ta đang phải xử lý với những vấn đề rất nhạy cảm và có thể thay đổi văn hóa cuộc chơi trong tương lai”.

 Graeme Le Saux