Xe đua F1 – Siêu an toàn nhưng vẫn là chưa đủ

Tai nạn của Bianchi được xem là hy hữu và rất đáng tiếc. Nó chỉ ra rằng dù độ an toàn của F1 được coi là “có một không hai”, vẫn còn đó những lỗ hổng cần sớm khắc phục. Hãy cùng Thể thao 24h điểm lại những nét chính làm nên tiêu chuẩn an toàn này.

Mũ bảo hiểm đạn bắn… không thủng

Vật thiết thân nhất của các tay lái F1 là mũ bảo hiểm, hay gọi chính xác hơn là hệ thống bảo vệ đầu và cổ. Đưa vào sử dụng từ năm 2003, chiếc mũ này được thiết kế chủ yếu dựa trên 2 lớp sợi Carbon kết hợp với Zylon.

Xe đua F1-Siêu an toàn nhưng vẫn là chưa đủ
Hệ thống bảo vệ đầu và cổ

Tiêu chuẩn hiện nay của nó là phải không hề suy suyển khi bị đạn bắn. Nó được gắn liền với hệ thống đai an toàn tối tân đảm bảo đầu và cổ của tay lái không bị va đập lên phía trước khi xảy ra va chạm.

F1 không dùng túi khí. Hệ thống túi khí tối tân nhất cũng chỉ hiệu quả trong khoảng tốc độ từ 100 km/h đến 300 km/h. Chiếc F1 có thể chạy nhanh hơn thế và nếu dùng túi khí, việc tay lái bị va đập với phần phía trước là khó tránh khỏi và vô cùng nguy hiểm.

Khoang lái gồm 60 lớp sợi Carbon

Được xem là trái tim của chiếc xe F1, khoang lái được tạo thành bởi hệ thống sợi Carbon gồm 60 lớp, được dệt dày đặc để bao phủ cấu trúc tổ ong nhẹ phía bên trong. Nằm giữa nó là “tế bào cứu mạng”. Vì lý do an toàn, nhiên liệu, dầu hay nước đều không thể vào phía trong khoang lái. Các tay lái cũng có thể ra khỏi khoang trong vòng 5 giây, không cần làm gì ngoài việc tháo đai an toàn và tay lái. Nhiệt độ trung bình trong khoang vào khoảng 50 độ C.

Xe đua F1-Siêu an toàn nhưng vẫn là chưa đủ
Các tay lái được bảo vệ bởi khoang lái an toàn

Để giúp tay lái dễ dàng thoát ra, kích thước khoang lái được tăng dần theo thời gian. Hiện tại, Liên đoàn đua xe quốc tế (FIA) quy định khoang lái phải có chiều dài 850mm, rộng ít nhất 350mm phía pedal và 450mm ở tay lái. Phía đuôi của khoang chiều rộng lên tới 520mm. Hai bên khoang lái được thiết kế nghiêng 16 độ với chiều rộng tăng dần ở phía trên.

Thiết kế này nhằm giảm khả năng chấn thương khi một xe bay lên trên một xe khác. Các góc của khoang lái đều được bao phủ bởi vật liệu hấp thụ năng lượng với bề dày ít nhất 100mm. Tiêu chuẩn tối thiếu của khoang lái là phải chịu được va đập tương đương 250 tấn

Tay đua không bị bắn ra khỏi xe

Dù có va chạm thế nào thì khả năng tay lái bị bắn ra khỏi xe gần như bằng không. Và cho dù chiếc F1 vỡ ra từng mảnh thì tay lái vẫn được che chở bởi “tế bào cứu mạng” được bao phủ bởi một cấu trúc bảo vệ đặc biệt. Cấu trúc này có khả năng biến dạng để hấp thụ năng lượng trong trường hợp xảy ra tai nạn. Hai cánh “tế bào cứu mạng” được bảo vệ bởi một lớp dày 6mm gồm sợi Carbon và Zylon, vật liệu được dùng cho áo chống đạn. Lớp này giúp ngăn cản các vật thể như mảnh sợi Carbon xâm nhập khoang lái.

Xe đua F1-Siêu an toàn nhưng vẫn là chưa đủ
Tế bào cứu mạng

Tất cả các chiếc F1 cũng được trang bị hệ thống chữa cháy. Hệ thống này tự động phun bọt lên khung xe và động cơ khi cháy xảy ra.

Hệ thống “hộp đen” của F1 cũng vô cùng tân tiến. Nó được kết nối thẳng với hệ thống cảnh báo y tế của trường đua, có thể đưa ra những thông tin quan trọng về tai nạn cho các chuyên gia y tế.

Tại Grand Prix Canada 2007, Robert Kubica đâm xe ở tốc độ 310 km/h. Anh chịu va đập lên tới 28G, tức là lúc đó sức nặng cơ thể của tay lái này lên đến 2 tấn thay vì 73kg như bình thường. Tất cả khán giả chờ đợi điều tồi tệ nhất khi chứng kiến chiếc xe vỡ ra từng mảnh. Nhưng nhờ tiêu chuẩn an toàn của xe đua, Kubica cuối cùng chỉ bị trầy xước nhẹ.

LONG NGUYỄN