Vấn đề của ĐTVN: Ông Miura “lệch pha”

Ông Miura có giỏi hay không? Rất khó trả lời câu hỏi ấy và cũng không nhất thiết phải đi tìm đáp án. Nhưng nếu chỉ nhìn vào những gì ông Miura đã và đang làm, có thể thấy quan điểm, triết lý cầm quân của ông “lệch pha” đáng kể với BĐVN.

1. Tố chất nào, lối chơi ấy – đó là bài học mà bất cứ HLV nào cũng thuộc nằm lòng nhưng ông Miura thì không. Ông Miura đến từ Nhật Bản, đất nước của những con người lâu nay vẫn được coi là “thấp bé nhẹ cân” so với thế giới và buộc phải lựa chọn con đường bóng đá kỹ thuật để đi. Về cơ bản, lối đi ấy tương đồng với chúng ta.

Ông Miura “lệch pha”

Khi bắt tay vào việc, ông Miura cũng chủ trương cho các học trò tập nặng để nâng cao thể lực, tăng cường tranh chấp, đá áp sát đối phương… Ông quan sát các cầu thủ Việt Nam chơi bóng và luôn đốc thúc họ phải quyết liệt hơn, máu lửa hơn. Ông truyền được tinh thần samurai là điều rất tốt nhưng có vẻ như càng muốn “ghi điểm” trong mắt ông, các tuyển thủ càng… hăng phạm lỗi hơn.

Lối chơi mà ông Miura đưa ra, thoạt tiên cũng rất hiện đại: Đơn giản, nhanh gọn, ít chạm. Nhưng rất ngạc nhiên là ông yêu cầu cả đội chơi bóng dài, tạt cánh – một cách đá mà ai có chuyên môn cũng hiểu rằng quá khó, vì nó là “sở đoản” của cầu thủ Việt Nam.

Có một điều lý thú: Màn ra mắt của ông Miura là chiến thắng 6-0 trước Myanmar trên sân Gò Đậu và bàn thắng đầu tiên thuộc về Hải Anh – một tiền đạo bị coi là “chân gỗ” điển hình, lại đến từ một quả tạt cánh điển hình. Đó là cơ sở để ông thầy Nhật càng thêm kiên trì và “sắt đá” với triết lý khác lạ của riêng mình.

2. Ông Miura là một người chăm chỉ và mẫn cán. Ông đã đi hầu khắp các sân đấu ở  V.League và ghé thăm cả giải hạng Nhất để tuyển quân. Dù vậy, tiêu chí tuyển quân của ông khiến rất nhiều người khó hiểu.

Vấn đề của ĐTVN: Ông Miura “lệch pha”Không thể phủ nhận công lao của HLV Miura khi phát hiện được một số gương mặt mới và trẻ, như Huy Toàn và trung vệ Tiến Duy là ví dụ mới nhất. Nhưng trong gần một năm rưỡi cầm quân, ông đã hứng vô vàn chỉ trích vì gọi những người không có phong độ tốt, xứng đáng về chuyên môn lên Tuyển.

Chuẩn bị cho trận lượt đi VL World Cup 2018 trên đất Thái, ông gây sốc khi triệu tập thủ môn Thanh Diệp (lúc đó đã thủng lưới 21 bàn sau 11 trận ở Đồng Nai), trung vệ Chí Công đang chịu án kỷ luật 3 trận vì “phun mưa” hay Michael Nguyễn, cầu thủ Việt kiều hiếm khi được đăng ký tại B.Bình Dương và chỉ được dùng khi các đồng nghiệp chấn thương, thẻ phạt. Còn Đinh Tiến Thành, trung vệ chưa bao giờ được đánh giá cao ở V.League, lại luôn được Miura ưu ái như là nhân tố trụ cột, dù ở cấp ĐTQG hay U.23 thì trung vệ này không ít lần mắc lỗi sơ đẳng.

Hậu quả thì đã rõ: 2 lần Tiến Thành đá phản lưới nhà cũng là 2 lần ĐTVN thua tê tái (trước Malaysia ở AFF Cup 2014 và trước Thái Lan hôm 13/10). Có những cầu thủ dày dạn kinh nghiệm đã vì bức xúc mà chia sẻ, việc ông Miura chọn những vị trí không có chuyên môn tốt làm cho chất lượng các buổi tập đi xuống, và đội ngũ dự bị thì quá mỏng.

Chính ở ĐTVN, các cầu thủ đúc kết lại rằng ông Miura chỉ thích dùng những cầu thủ có sức khoẻ, chạy thật nhiều, không ngại va chạm và càng đa năng càng tốt. Đấy có lẽ là lý do vì sao tiền vệ trẻ Tuấn Anh, niềm hy vọng của bầu Đức, bị loại khỏi SEA Games thẳng cánh còn Khánh Lâm cơ bắp và lăn xả thì vẫn đang có tên…

3. Ông Miura rất thích “tráo bài” để làm khó đối phương nhưng có lẽ ông chưa chịu hiểu rằng đẳng cấp cầu thủ Việt Nam chưa thể đạt đến tầm thiên biến vạn hoá, học một biết mười để lắp vào “sa bàn” nào cũng sẵn sàng.

Không có gì đáng nói nếu ở giai đoạn đầu, ông Miura liên tục thử nghiệm, xoay tua các đội hình, các sơ đồ mới lạ. Nhưng vào những giải đấu quan trọng như SEA Games hay AFF Cup, nơi đội bóng cần sự ổn định, trơn tru mà ông vẫn xáo trộn không ngừng thì quả là bất thường.

Cách cầm quân của Miura làm cho nhiều người bán tín bán nghi về các chiêu thức “giấu bài”. Nhưng khi các đội bóng của ông lần lượt thất bại ở những nấc thang quyết định thì người ta vỡ ra rằng, đó chỉ là sự mông lung, và phần nào đó mất phương hướng của người cầm lái.

HLV Lê Thụy Hải, nhà cầm quân giàu thành tích bậc nhất Việt Nam, xem người Thái đánh bại ĐTVN 3-0 đã chua chát mà rằng: “Tôi chưa thấy có ông HLV nào mỗi trận chơi một chiến thuật khác nhau. Làm được như ông Miura thì quá lạ và quá giỏi”!

Ông Miura thật lạ và lạ nhất, ông khác biệt trong quan điểm, tư duy bóng đá so với những giá trị lâu nay đã được khẳng định với BĐVN. Đó là vấn đề…

Anh Đức

Ông Miura “lệch pha”

“Tầm cỡ thế giới như Barca hay Real cũng không có đội nào hôm trước đá một kiểu, hôm sau đá một kiểu mà tốt được. Ông Miura không hiểu trình độ cầu thủ Việt Nam đến đâu nên mới cho đá thế, rồi lại đổ cho cầu thủ quên chiến thuật. Còn nữa, ông ấy đi xem nhiều mà không hiểu cầu thủ Việt Nam ở CLB quen đá 4-4-2 rồi, lên Đội tuyển chỉ có 2 buổi tập thì làm sao đá nổi 3-5-2? Vào sân, đứng vị trí thế nào, di chuyển có bóng, không bóng thế nào còn chưa “sạch nước cản” thì sai sót, thua đậm là chuyện đương nhiên…”.

HLV Lê Thụy Hải

TTK VFF Lê Hoài Anh: “Sẽ có bộ phận tham mưu cho HLV Miura”

Vấn đề của HLV Miura: “Cánh tay… chưa dài”

Café 24h: Ai phải thay đổi?

Nhà báo Phan Đăng: Phản biện? Không phản biện!

Fan page Thethao24h

banner_720x120

Mã an ninh

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Vũ Quang Huy

Giấy phép số 91/GP-TTDT do bộ thông tin & truyền thông cấp ngày 09-05-2011

Địa chỉ tòa soạn: 65 Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Địa chỉ liên lạc: 79 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Điện thoại: (04) 32669666 - Fax: (04) 39429189

Email: baothethao24h@sport24h.com.vn

Powered by Netlink Tech