Tham nhũng ở FIFA: “Bàn tay sạch” hay cuộc chiến “bẩn”?

Những scandal tham nhũng hối lộ trong lòng FIFA tiếp tục được phơi bày. Liệu có phải chiến dịch “bàn tay sạch” nhằm thanh lọc FIFA đang được thực thi, hay chính tổ chức này – như một con bạch tuộc xấu xa – đang phải gặm nhấm những chiếc vòi thối rữa của mình trước dấu hỏi lớn về sự tồn tại?

1. Một trong những cái tên “có số má” trong làng bóng đá thế giới mới bị điều tra đó là Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan, Worawi Makudi. Vị cựu thành viên Ủy ban thường trực FIFA bị cấm tham gia hoạt động bóng đá 90 ngày vì cáo buộc dính líu đến tham nhũng, hối lộ liên quan đến việc tranh quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022. Như thế, sau các trường hợp của Amos Adamu, Jack Warner và Bin Hammam hồi năm 2011, giờ đến lượt Makudi, Chung Mong-Joon và kể cả Michel Platini và Sepp Blatter, hai nhân vật quyền lực nhất thế giới bóng đá, đều bị cáo buộc “nhúng chàm”.

“Bàn tay sạch” hay cuộc chiến “bẩn”?

Bản danh sách những ủy viên Ủy ban thường trực FIFA, cơ quan có quyền quyết định tối cao trong tổ chức này, bị trừng phạt cấm tham gia các hoạt động bóng đá ngày một nối dài. Nó mang đến cảm giác rằng một khi những người giữ vị trí cao nhất cũng bị đem ra “xử”, không ai – nếu đã “nhúng chàm” có thể đứng ngoài vòng pháp luật – và không biết liệu còn bao nhiêu cái tên được phanh phui ra trong scandal phơi bày hết sự mục ruỗng ở FIFA. Nhưng nó có giúp ích cho sự cải tổ ở FIFA hay nói các khác là giúp tổ chức này lấy lại sự trong sạch cũng như thanh danh, uy tín, và đặc biệt liệu niềm tin trong bóng đá được khôi phục?

2. Không phải vô cớ khi Worawi Makudi, một trong những “ông trùm” bóng đá ở châu Á bị “sờ gáy” thì ngay tại châu Âu, một scandal khác liên quan đến FIFA cũng được phanh phui, đó là nghi án nước Đức đã “mua” quyền đăng cai World Cup 2006, sự kiện lớn đáng nhớ nhất tại quốc gia này kể từ sau khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989. Điều trớ trêu là chính người Đức đã “vạch áo cho người xem lưng”, bởi tờ Der Spiegel khui ra sự vụ. Der Siegel không chỉ đưa ra con số 6,7 triệu euro mà LĐBĐ Đức (DFB) dùng để mua phiếu bầu từ 4 đại diện LĐBĐ ở châu Á mà họ còn mô tả rõ quá trình “gây quỹ đen” cũng như việc số tiền được vay-trả ra sao.

“Bàn tay sạch” hay cuộc chiến “bẩn”?

Thực tế, nghi án Đức mua quyền đăng cai ngày hội bóng đá thế giới 2006 không phải là mới mẻ. Hồi giữa năm nay một tờ báo Đức khác là Die Ziet đã khẳng định cựu Thủ tướng Đức, Gerhard Schroeder đã quyết định bán vũ khí cho Saudi Arabia như là một phần thỏa thuận để Đức có sự ủng hộ từ LĐBĐ nước này trong cuộc bỏ phiếu hồi năm 2000. Có chăng, nếu “bóng ma scandal” này tưởng như đã chết với Charlie Dempsey, sau khi vị cựu ủy viên Ủy ban thường trực FIFA này – người bất ngờ biến mất trong cuộc bỏ phiếu để rồi Đức vượt qua Nam Phi với tỷ số sít sao 12-11 – đã qua đời hồi tháng 06/2008, thì giờ nó lại được dựng sống lại. Nó có thể đẩy huyền thoại sống của bóng đá Đức, Franz Beckenbauer, người đứng đầu Ủy ban xin đăng cai World Cup 2006 của Đức, đối mặt với những cáo buộc mới. Nhưng sâu xa hơn, một nhân vật khác cũng được cho là “nhúng chàm”, Wolfgang Niersbach, đương kim chủ tịch LĐBĐ Đức và cũng có chân trong cả Ủy ban thường trực FIFA lẫn ở UEFA, có lẽ mới là đích nhắm của cuộc tấn công này. Ai cũng biết, Niersbach là đồng minh thân cận với Michel Platini.

3. Rõ ràng, những cáo buộc hối lộ, tham nhũng trong cuộc đua tranh quyền đăng cai World Cup 2006 tận 15 năm trước đã phơi bày một chiếc vòi thối rữa khác của “con bạch tuộc FIFA”. Nhìn phải nhìn vào sâu xa hơn vấn đề, đó chính là một màn tấn công nhắm vào Platini cùng các đồng minh tin cẩn nhất của vị CT UEFA cũng đang chịu án phạt từ Ủy ban đạo đức của FIFA. Và nó là màn đáp trả tương xứng với scandal liên quan đến CT LĐBĐ Thái Lan, Worawi Makudi, người từ lâu vẫn được xem như nằm trong phe cánh của Sepp Blatter, cùng với nhiều đại diện đến từ các LĐBĐ vừa và nhỏ nằm ngoài châu Âu. Như thế, đây không đơn thuần là phanh phui những phần mục ruỗng trong cơ thể FIFA để điều tra, thanh tẩy, mà đó còn là vụ đấu đá giữa Blatter với Platini, khi mà “khoản tiền lương” gần 2 triệu euro hai bên chi trả cho nhau – dựa vào đó mà cơ quan Công tố Thụy Sĩ đang điều tra như một sự vụ hối lộ, mà Blatter bị cáo buộc đã mua sự ủng hộ của Platini khi cả hai còn là đồng minh – chưa thể đánh gục được 1/2 người.

Giờ có lẽ người ta sẽ không ngạc nhiên với tần suất cũng như số lượng những scandal tham nhũng, hối lộ mới trong lòng FIFA sẽ được phơi bày trong thời gian tới. Và có lẽ cũng chẳng ai quan tâm, dù nó dính líu đến quá khứ hay thuộc về tương lai, thì vấn đề nào nghiêm trọng hơn. Một cuộc chiến ngầm trong lòng FIFA vẫn diễn ra. Và thay vì phát hiện ra những chiếc vòi thối rữa để cắt bỏ thì trong cuộc chiến này, ai đó đang khiến “con bạch tuộc FIFA” gặm nhấm dần các bộ cơ thể và đến một lúc nào đó câu hỏi về sự tồn tại của cơ quan quản lý bóng đá cấp cao nhất này sẽ phải bị đặt dấu hỏi về sự tồn tại.

LƯƠNG ANH

Nhà báo điều tra người Anh, Andrew Jennings, người góp công lớn trong chiến dịch đưa một số quan chức FIFA “ăn bẩn” ra ánh sáng tin rằng World Cup 2022 sẽ không diễn ra tại Qatar như kế hoạch. Theo Jennings, một số giải VĐQG có quyền lực tại châu Âu sẽ tìm mọi cách khiến World Cup 2022 không diễn ra vì đó là thời điểm các giải đấu tại cựu lục địa mới đi được nửa chặng đường.

Chủ tịch tạm cũng… “bẩn”?

Tổng thư ký tạm quyền Markus Kattner vừa khẳng định bộ máy FIFA vẫn đang điều hành tốt dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch tạm quyền Issa Hayatou. Vị cựu CT LĐBĐ châu Phi, Hayatou được chỉ định thay thế tạm thời Sepp Blatter sau án phạt dành cho CT FIFA. Nhưng Hayatou cũng không phải cái tên “sạch 100%”. Hồi năm 2010, BBC từng tố Hayatou đã nhận hối lộ trong việc bán bản quyền truyền hình World Cup ở thập niên 90. Và năm 2011, tờ báo Anh – The Sunday Times cũng cáo buộc Hayatou và một thành viên Ủy ban thường trực FIFA là Jacques Anouma đã nhận 1,5 triệu USD từ Qatar để ủng hộ quốc gia này giành quyền đăng cai World Cup 2022.

Tham nhũng ở FIFA: “Quyền lực đen” từ nhà tài trợ

Scandal tham nhũng, hối lộ ở FIFA: Bới xa cũng ra vết

Tham nhũng ở FIFA: Cuộc chiến dài hơi

FIFA: Ai là “sâu”? Ai là người?