Hàng loạt CLB lớn khủng hoảng lực lượng sau loạt trận quốc tế: “Virus FIFA” có mùi đô la

Các ĐTQG vẫn tiếp tục đá nốt đầu tuần sau, nhưng những CLB lớn như Chelsea, Real Madrid, Bayern Munich, Man City, PSG hoặc Juventus đã bắt đầu khóc thét vì một loạt trụ cột đua nhau chấn thương.

Thượng tầng đang loạn, biết bắt đền ai?

Ban lãnh đạo Real Madrid đang phát điên, vì Pháp chỉ đá giao hữu do được đặc cách vào thẳng VCK EURO 2016 với tư cách chủ nhà, nhưng lại vừa khiến chân sút chủ chốt của họ là Karim Benzema có khả năng tái phát chấn thương ở cơ. Vậy là danh sách “thương binh” trong tay HLV Rafael Benitez đã dài càng dài thêm, bao gồm cả những ngôi sao như Danilo và James Rodriguez vừa dính “virus FIFA” trước đó.

Đồng bệnh tương lân với “Kền kền trắng” hiện còn có Man City vừa nhận cú sốc, khi biết cả David Silva lẫn Sergio Aguero đều phải vắng mặt một thời gian do chấn thương khi đang làm nhiệm vụ ở tuyển TBN tại vòng loại EURO 2016 và Argentina ở vòng loại World Cup 2018.

“Virus FIFA” có mùi đô la

Trong lúc ấy, HLV Jose Mourinho có lẽ như đang ngồi trên đống lửa khi tương lai của “Người đặc biệt” tại Chelsea vốn đang bấp bênh giờ trở nên bấp bênh hơn vì những chấn thương của Branislav Ivanovic và Nemanja Matic khi khoác áo ĐT Serbia.

Tại Man Utd, HLV Louis van Gaal cũng đang lo lắng khi biết tin “cục cưng” Bastian Schweinsteiger đau bắp chân lúc tập trung cho tuyển Đức. Cũng dưới quyền HLV Joachim Loew, chấn thương của Mario Goetze đang khiến Bayern Munich choáng váng do tiền vệ này phải nghỉ đá từ 10-12 tuần, nghĩa là chỉ có thể trở lại sân vào đầu năm sau.

Hiện đang nỗ lực vùng dậy ở Serie A cũng như tái lập kỳ tích ở Champions League, Juventus cũng đang đau đầu do Alvaro Morata phải rời sân trên cáng trong màu áo ĐT TBN, chưa kể tiền vệ người Pháp Paul Pogba phải ngồi ngoài chừng 1 tuần do bong gân mắt cá chân phải ở trận đấu với Armenia. Liên quan tới giải vô địch Pháp, PSG và Monaco cũng đang lo sốt vó với các chấn thương của David Luiz (Brazil) và Coentrao (BĐN).

Nếu là lúc trước, hàng loạt sự cố như vậy thừa sức để ban lãnh đạo các đội lên tiếng tố khổ với UEFA hoặc FIFA nhằm kiếm chút tiền bồi thường. Ngặt nỗi là hiện nay, cả FIFA lẫn UEFA đều đang bấn loạn do những cáo buộc liên quan tới tham nhũng, nên các đội bóng còn biết bắt đền ai?

Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!

Để cho “virus FIFA” tiếp tục hoành hành, trách nhiệm chính đương nhiên phải thuộc về các tổ chức hàng đầu thế giới như FIFA và UEFA. Bởi lẽ, họ hoàn toàn có thể giảm bớt mật độ thi đấu của các ĐTQG bằng cách tổ chức vòng sơ loại cho vòng loại các giải lớn như World Cup và EURO để tiễn bớt mấy “rổ đựng bóng” như San Marino, Gibraltar…, giúp lịch thi đấu vừa nhẹ hơn, đồng thời còn loại bỏ nhiều trận đấu chưa đá đã biết rõ kết quả. Điều trớ trêu ở chỗ: châu Á vốn bị đánh giá thua hẳn châu Âu về chất lượng cầu thủ lẫn công tác tổ chức, nhưng riêng về mặt này lại đang “cấp tiến” hơn với vòng 1 vòng loại World Cup 2018 dành riêng cho Ấn Độ, Nepal, Yemen, Pakistan, Timor-Leste, Mông Cổ, Macau, Campuchia, Đài Loan, Brunei, Bhutan và Sri Lanka “tự xử”.

“Virus FIFA” có mùi đô la

Cố tình ngó lơ giải pháp có thể giúp cầu thủ đỡ mất sức hơn, chung quy UEFA và FIFA xem ra chỉ muốn cày tiền, đồng thời coi các cầu thủ như trâu bò giúp họ kéo cày. Thực trạng này càng không khó nhận ra qua những sáng kiến thực chất lại là “tối kiến” của mấy tổ chức này.

Chẳng hạn như LTĐ quốc tế vừa được FIFA cải biến khi cho phép các ĐTQG được thi đấu rải rác trong mỗi đợt tập trung 2 tuần, thay vì chỉ gói gọn trong một ngày nhất định của tuần đầu và một ngày khác của tuần sau như trước. Bởi theo FIFA, điều chỉnh này tạo điều kiện để các khu vực chọn thời gian thi đấu phù hợp nhất với họ. Chỉ là trên thực tế, phân bố rải rác các trận ra nhiều ngày khiến lịch đấu kéo dài suốt 1 tuần làm hỏng nhịp điệu thi đấu mà các cầu thủ vốn quen thuộc, khiến họ dễ chấn thương hơn. Nhưng không khó nhận thấy là các đợt trận quốc tế càng dài lê thê, FIFA và UEFA bán bản quyền trình hình càng dễ và nhiều hơn.

Cho rằng “virus FIFA” có mùi tiền chính là vì vậy. Cơ sở cho nhận định này càng rõ vì giữa lúc cả FIFA lẫn UEFA và các CLB đều nhận thấy mật độ thi đấu hiện đã rất dày, UEFA còn đang cân nhắc kế hoạch “đẻ” thêm một giải nữa sau Champions League và Europa League nhằm vớt những CLB bị loại sớm ở hai giải này sang nhằm bán thêm bản quyền truyền hình theo kiểu “hết nạc, vạc tới xương”. Với lòng tham không đáy như vậy của các lãnh đạo bóng đá thế giới, bảo sao các VCK EURO và World Cup đang ngày càng kém hấp dẫn do các siêu sao vắng mặt vì chấn thương hoặc dự giải với đôi chân nặng như chì. Lại thêm BLĐ các CLB đều muốn kiếm thêm từ các chuyến du đấu, chỉ đáng thương cho giới “quần đùi, áo số” với tuổi nghề vốn ngắn, nay càng dễ đứt sớm do cơ bắp đang phải hoạt động như chúng vốn là bộ phận của những cỗ máy chứ chẳng phải con người.

Minh Châu

“Virus FIFA” từng hại Barca thế nào?

Jermaine Pennant: Bi kịch của người này là cơ hội cho kẻ khác

FIFA mua bảo hiểm cho các cầu thủ tham gia các trận đấu quốc tế: “Tiền là tiên… “

Các CLB mất cầu thủ vì chấn thương: 2 mùa giải mất toi 1 cầu thủ