Hy Lạp và cục diện BĐ châu Âu: Món quà bất ngờ cho Premier League (Kỳ 1)
Đã rất lâu rồi, từ năm 2004 đến giờ, Hy Lạp mới lại có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế tới bóng đá châu Âu. Nhưng phương thức gây ảnh hưởng của họ thì chẳng lấy gì làm tự hào: mối đe doạ về việc Hy Lạp rời bỏ Eurozone đã khiến đồng euro mất giá nghiêm trọng so với đồng bảng, và vô hình trung làm lệch cán cân tiền bạc trong làng túc cầu lục địa già.
Bóng ma “Grexit”
Giữa tháng 7 là thời điểm mà các giải bóng đá lớn đều tạm nghỉ, hai giải tennis Wimbledon và Roland Garros đều đã khép lại, nhưng điều đó không có nghĩa là châu Âu đã trở nên yên ắng. Vẫn còn một sự kiện khác đủ kịch tính để thu hút sự chú ý của (phần lớn) cư dân lục địa già và buộc người ta phải cập nhật diễn biến của nó từng giây, từng phút. Ấy là cuộc thương lượng giữa Hy Lạp và EU về việc xử lý các khoản nợ của quốc gia Nam Âu này, một vấn đề vốn hết sức nan giải mà nếu được giải quyết một cách không khéo léo có thể dẫn đến việc Hy Lạp rời khỏi khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone). Bản thân Hy Lạp không phải là một nền kinh tế lớn (GDP chỉ hơn 200 tỷ USD, đứng thứ 15 trong EU và thứ 44 thế giới) và cũng không phải là một đối tác thương mại quá quan trọng của những quốc gia lớn trong Eurozone như Đức hay Pháp, nhưng sự ra đi của Hy Lạp (nếu xảy ra) sẽ giáng một đòn nặng vào tham vọng nhất thể hoá châu Âu của EU và làm cho niềm tin của giới đầu tư vào kinh tế BĐN, TBN hay kể cả Italia (những nước Nam Âu vốn cũng ít nhiều đang phải vật lộn với khủng hoảng nợ) bị sút giảm nghiêm trọng. Nếu dòng vốn đầu tư bị rút ra khỏi BĐN, TBN hay Italia thì không có gì đảm bảo rằng các quốc gia này sẽ không dẫm vào vết xe đổ của Hy Lạp và một chuỗi sụp đổ kiểu domino có thể diễn ra.
Người ta thậm chí đã khai sinh ra hẳn một thuật ngữ là “Grexit” (viết tắt của hai từ Greek và exit) để mô tả việc Hy Lạp từ bỏ đồng euro và bóng ma “Grexit” đã lởn vởn trên bầu trời kinh tế châu Âu suốt nửa năm nay, kể từ khi đảng Syriza (có khuynh hướng chống lại những đòi hỏi của EU và sẵn sàng tách khỏi Eurozone) giành thắng lợi trong cuộc bầu cử hồi đầu năm 2015. Hệ luỵ của “Grexit” là rất rõ ràng: nó khiến các nhà đầu tư trở nên hết sức quan ngại trước tương lai của đồng euro và kết quả là euro (EUR) đã mất giá nặng nề so với nhiều đồng tiền khác, trong đó có đồng bảng (GBP). Tỷ giá GBP/EUR đã tăng từ mức 1,28 (1 GBP đổi được 1,28 EUR) vào ngày 31/12/2014 lên mức 1,40 (1 GBP đổi được 1,40 EUR) vào ngày 13/7/2015, tức đồng euro đã mất giá tới 10% so với đồng bảng. Nhưng tất cả những chuyện này liên quan gì đến bóng đá? Thực ra là vô cùng có liên quan…
GBP lên giá, Premier League hưởng lợi
Kể từ sau khi luật Bosman có hiệu lực, các vụ chuyển nhượng quốc tế đã trở thành chuyện rất bình thường trong bóng đá. Và một khi thực hiện những hợp đồng giao dịch quốc tế thì một trong những chi tiết đầu tiên cần phải quan tâm đến là tỷ giá hối đoái giữa hai đồng tiền. Những đồng tiền phổ biến nhất trong các giao dịch bóng đá (bao gồm cả chuyển nhượng cầu thủ, mua cổ phần CLB…) là USD, GBP và EUR, tuy nhiên tỷ giá giữa GBP và EUR là quan trọng hơn cả. Lý do là vì Premier League là giải đấu cấp CLB giàu có nhất thế giới (kiếm được tổng cộng 3,9 tỷ euro quy đổi trong mùa bóng 2013/14, cao gần gấp đôi Bundesliga và nhiều hơn cả Primera Liga lẫn Serie A cộng lại) và đương nhiên cũng là người mua hàng hào phóng nhất. Trong năm 2014, các đội bóng ở Premier League đã chi ra tổng cộng 1,17 tỷ USD quy đổi để tăng cường lực lượng, chiếm tới 28,7% tổng chi tiêu của toàn thế giới bóng đá. Nếu chỉ tính mức chi tiêu ròng (tiền mua cầu thủ trừ đi tiền bán cầu thủ) thì các CLB tại giải Ngoại hạng đã bỏ ra 645 triệu USD quy đổi, tức nhiều gấp gần 4 lần so với giải đấu đứng ngay sau là Bundesliga. Ước tính, có khoảng 50% số tân binh của Premier League đến từ nước ngoài và các địa chỉ shopping quen thuộc nhất tất nhiên là những giải VĐQG lớn ở châu Âu như TBN, BĐN, Pháp, Italia hay Đức.
Tất cả các quốc gia này đều sử dụng đồng euro nên sự thay đổi của tỷ giá GBP/EUR sẽ làm cho giá chuyển nhượng của một cầu thủ nào đó trở nên rẻ đi (hoặc đắt hơn) đáng kể đối với các CLB Anh. Đơn cử, nếu như Man Utd ký hợp đồng với Bastian Schweinsteiger ngay từ tháng 1 năm nay, khoản phí chuyển nhượng 18 triệu euro mà phía Bayern Munich đòi hỏi sẽ tương đương với 14,06 triệu bảng, còn ở thời điểm này thì đội chủ sân Old Trafford chỉ phải bỏ ra 12,85 triệu bảng để thanh toán cho nhà ĐKVĐ nước Đức mà thôi. Tương tự, nếu muốn có được sự phục vụ của Roberto Firmino vào đầu năm 2015, Liverpool sẽ phải ngậm ngùi chứng kiến 32,03 triệu bảng (tương đương với 41 triệu euro lúc đó) “bốc hơi” khỏi tài khoản, còn bây giờ thì họ chỉ mất có 29,2 triệu bảng là đã sở hữu ngôi sao mới của tuyển Brazil. Nói ngắn gọn, đối với các CLB ở Premier League, chi phí để chiêu mộ một cầu thủ từ Eurozone sẽ giảm bớt 10% so với thời điểm đầu năm 2015 (và rẻ hơn 12% so với tháng 6/2014). Nhưng những hiệu ứng của “Grexit”, hay cụ thể hơn là biến động tỷ giá GBP/EUR chưa dừng lại ở đó…
Quang Hải
Khi Messi rẻ đi đáng kể…
Trong một vụ chuyển nhượng quốc tế, đơn vị tiền tệ thanh toán thường là đồng tiền của bên bán. Có nghĩa, khi một CLB ở Premier League mua cầu thủ từ một CLB có trụ sở tại Eurozone, họ sẽ phải thanh toán tiền euro cho đối tác. Giả sử giá trị chuyển nhượng của các cầu thủ này được giữ nguyên, các đội bóng Premier League (vốn có doanh thu được tính bằng bảng) đã tiết kiệm được một khoản chi đáng kể, dao động từ 2-8 triệu bảng tuỳ theo giá trị cụ thể của từng thương vụ. Còn nếu như ai đó sẵn sàng chi ra 200 triệu euro để đưa Messi đến nước Anh thì họ sẽ tiết kiệm được tới 14 triệu bảng, gần bằng tiền lương cả năm của Wayne Rooney.
Đằng sau “làn sóng Hoa Kỳ”
So với tỷ giá GBP/EUR thì biến động tỷ giá GBP/USD có phần kém quan trọng hơn bởi đồng USD ít xuất hiện hơn trong các thương vụ mua bán cầu thủ, mặc dù các giao dịch chuyển nhượng giữa Premier League với những đội bóng Argentina hay Brazil vẫn thường được tiến hành bằng USD. Tuy nhiên tỷ giá GBP/USD vẫn có những ảnh hưởng nhất định, đặc biệt là trong các thương vụ mà một ông chủ ngoại đầu tư vào Premier League. Có 5 CLB Premier League (Arsenal, Aston Villa, Liverpool, Man Utd, Sunderland) đang nằm trong tay các ông chủ Mỹ, những người có thu nhập được tính bằng USD. Ngoài ra Roman Abramovich (Chelsea) và Sheikh Mansour (Man City) cũng chủ yếu kiếm tiền từ dầu mỏ – ngành công nghiệp nơi người ta yết giá hàng hoá bằng USD – nên khi USD lên giá so với GBP thì họ sẽ trở nên rủng rỉnh hơn một cách tương đối. Không phải ngẫu nhiên mà các vụ đầu tư vào Arsenal, Liverpool, Sunderland hay Man City đều diễn ra trong giai đoạn 2007-2010, khi USD tăng giá tới hơn 20% so với GBP và trong giai đoạn 2011-2014 (khi USD mất giá mạnh so với GBP) thì không có thêm thương vụ chuyển nhượng quyền sở hữu nào được tiến hành. (GBR: Bảng Anh)