Ống suy ngẫm: Cuộc chiến chưa biết hồi kết

“Say No To Racism” (Nói không với nạn phân biệt chủng tộc) – khẩu hiệu quen thuộc với tất cả NHM bóng đá và là slogan của chiến dịch được UEFA cũng như FIFA đã và đang đẩy mạnh trong nỗ lực xóa bỏ quan điểm thiển cận, lệch lạc về màu da, chủng tộc trong môn thể thao Vua.

Chiến dịch nhận được sự ủng hộ tuyệt đối, từ mọi tầng lớp thế giới bóng đá. FIFA, UEFA, các liên đoàn thành viên và bản thân các cầu thủ luôn thể hiện quyết tâm loại bỏ nạn phân biệt chủng tộc. Họ có thành công?

OSN

Cựu Chủ tịch Sepp Blatter từng tuyên bố “hoàn toàn không có nạn phân biệt chủng tộc trên sân bóng”. HLV Jose Mourinho sau bê bối một số CĐV Chelsea buông lời lẽ kỳ thị màu da với một CĐV PSG trong ga tàu điện ngầm cho biết ông cảm thấy xấu hổ vì hành động này, và rằng “không có phân biệt chủng tộc trong bóng đá. Bóng đá không ngu ngốc đến mức đóng cửa với nhiều người. Nếu anh giỏi, anh có việc”.

Cần phải đính chính tuyên bố của 2 nhân vật kể trên, tình trạng kỳ thị chủng tộc không phải “hoàn toàn” không xảy ra trên sân bóng, mà chỉ là “rất ít”. Có lẽ nhiều người chưa quên việc Kevin-Prince Boateng khi còn chơi cho AC Milan đã rời sân giữa chừng trong một trận giao hữu trước mùa để phản ứng lời lẽ phân biệt màu da nhắm vào anh từ trên khán đài.

Tôn giáo, màu da, sắc tộc, vùng miền là đề tài rất nhạy cảm, thường xuyên gây tranh cãi gay gắt mỗi khi đem ra làm chủ đề.

Việt Nam không ngoại lệ với tình trạng phân biệt vùng miền. Nhẹ là những cái bĩu môi dè bỉu “dân A, dân B mà”, hay thể hiện ở thái độ nói chuyện và cung cách giao tiếp. Trầm trọng hơn, một số công ty ghi rõ trong yêu cầu tuyển dụng: “Không tuyển nhân sự tỉnh A, B, C…”

Một số HLV, CLB bóng đá không công khai đưa ra tiêu chí phân biệt để tuyển người như vậy nhưng ngấm ngầm lại không thiếu. Bê bối liên quan đến cựu HLV Wigan, Malky Mackay là ví dụ mới nhất. Những từ ngữ phân biệt chủng tộc, giới tính trong các bức thư điện tử của Mackay trong suốt thời gian làm việc tại Cardiff từng bị phanh phui và gây sốc với nhiều người.

Chính phủ các quốc gia, như FIFA hay UEFA, đã và đang chung tay tìm hướng loại bỏ vấn nạn kỳ thị chủng tộc. Tuy nhiên tất cả đều hiểu đây là một chiến dịch kéo dài thậm chí nhiều người xác định trước không có điểm kết thúc; thay vào đó, những cố gắng của mọi người chỉ cho hy vọng giảm chứ khó quét sạch được khi mà sự kỳ thị đã ăn sâu vào tư tưởng của nhiều người.

Q.Nguyên

Bình luận (0)