Nhà báo Phan Đăng: Có 2 ông Miura
Cái quái quỉ gì đã tạo ra 2 Miura rất khác nhau đến mức này?
Đầu tiên là ông Miura ở Olympic VN tại Asiad 17 và ĐTVN tại AFF Cup 2014. Tôi nhớ, trận chính thức đầu tiên cầm Olypmic VN “oánh” Iran, ông Miura khiến cả người Việt Nam lẫn người Iran phát sốc với một đội hình 4-4-2 được đẩy lên cao và một lối chơi tấn công nhanh, mạnh, giàu hiệu quả. Tôi cũng nhớ, trận chính thức đầu tiên cầm ĐTVN “oánh” Indonesia trên sân Mỹ Đình, ông Miura vẫn lặp lại đúng cái sơ đồ 4- 4-2 gắn liền với triết lý công thành dồn dập ấy. Nói rộng ra, toàn bộ Asaid 17 và AFF Cup 2014, khát vọng tấn công là một khát vọng có thật, một khát vọng bừng sáng dưới triều đại Miura.
Thế mà sang đến vòng loại giải U.23 châu Á 2016, trận đấu đầu tiên ở vòng loại World Cup 2018 và nóng nhất, thời sự nhất là chiến trường SEA Games thì loại trừ những trận đấu với Macau (Trung Quốc), Lào hay Brunei quá yếu, lại xuất hiện một Miura thứ hai: một Miura phòng thủ. Ở giải đấu thứ nhất, U.23 VN của Miura ăn Malaysia 2-1 bằng tư tưởng phòng thủ, thua U.23 Nhật 0-2 bằng tư tưởng tử thủ. Ở giải đấu thứ hai, ĐTVN của Miura thua Thái Lan cũng bằng tử thủ nhưng lần này cấp độ “thủ” còn cao tới độ có nhiều thời điểm chúng ta chỉ biết lao vào chân đối thủ và… phá bóng. Và bây giờ, khi gặp lại U.23 Malaysia, rồi sắp tới sẽ gặp U.23 Thái ở SEA Games 28, một Miura phòng ngự – một Miura “ăn chắc mặc bền” là rất rõ.
Cái quái quỉ gì đã khiến chúng ta nhìn thấy 2 Miura trong một Miura như thế nhỉ? Cái quái quỉ gì đã tạo ra 2 Miura rất khác nhau đến mức này? Tôi lại nhớ, trong một cuộc trả lời độc quyền một đài truyền hình Nhật Bản, HLV Miura nhắc nhiều tới trận tứ kết Olypmic VN thua Olympic UAE rồi nhấn nhá: “Thoạt tiên tôi nghĩ chúng tôi có thể đá sòng phẳng với ngay cả các đội mạnh châu Á nhưng sau trận đấu này thì tôi nghĩ khác”.
Nhà báo Phan Đăng.
Rồi tôi lại nhớ đến trận đại bại 2-4 của ĐTVN trước ĐT Malaysia tại bán kết lượt về AFF Cup 2014, đấy cũng là trận đấu chúng ta vào cuộc với tư tưởng đôi công. Có phải chính 2 trận thua với cùng tư tưởng đôi công mang tính bản lề ấy đã khiến Miura thay đổi nhận thức? Có phải từ trận đấu thứ nhất đến trận đấu thứ hai mà Miura càng lúc càng tin rằng: BĐVN không nên và không thể tấn công trước các đại diện Tây Á cũng như ngay cả với các đại diện Đông Nam Á có trình độ tương đương?
Nhận thức bao giờ cũng là một quá trình với những va đập sinh động và khắc nghiệt từ thực tế. Một ông thầy mới chỉ lần đầu cầm một ĐTQG, mới chỉ lần đầu đặt chân đến Việt Nam như Miura thì càng cần sự va đập sinh động và khắc nghiệt ấy để dần định hình một nhận thức chuẩn cho mình. Dĩ nhiên đấy là cái chuẩn trong nhân sinh quan của riêng ông, và cũng chẳng có gì bất ngờ nếu cái nhân sinh quan ấy khác biệt với nhân sinh quan người khác, thậm chí khác biệt với nhân sinh quan của số đông.
Vấn đề nằm ở chỗ, những người lèo lái nền bóng đá, đặc biệt là ông Chủ tịch VFF và bộ phận chuyên môn (phải dùng khái niệm “bộ phận chuyên môn” thay vì GĐKT vì chúng ta vẫn chưa có GĐKT) đang theo đuổi một nhân sinh quan như thế nào? Và trong cái nhân sinh quan ấy thì một Miura tấn công như ở Asiad 17 và AFF Cup 2014 hay một Miura phòng ngự, thậm chí là phòng ngự xấu xí như ở vòng loại World Cup 2018 và SEA Games 28 là thực sự phù hợp với chiến lược của mình?
Lạ thay, với một Miura thứ nhất, các quan VFF, trừ bầu Đức (hình như thế), vỗ tay khen, và với một Miura thứ hai, họ cũng vỗ tay khen. Chẳng nhẽ lại bảo nhân sinh quan của họ là một thứ nhân sinh quan mềm dẻo, thậm chí mềm dẻo tới độ tiệm cận tới trạng thái ba phải, không có quan điểm?
Chuyện về 2 ông Miura vì thế không chỉ liên quan trực tiếp đến ông Miura, mà còn liên quan đến việc định hướng chiến lược của một ĐTQG, một nền bóng đá. Và đấy là một vấn đề chúng ta còn phải trở lại một cách kỹ lưỡng sau SEA Games này, bất chấp việc U.23 VN có vô địch hay không…
PHAN ĐĂNG