Khi Tiến Thành đá phản lưới nhà ở phút 56 nâng tỷ số lên 2-0 cho Thái Lan, cả sân Mỹ Đình chết lặng. Tất cả khán giả trên sân hiểu rằng, trận đấu đã kết thúc với ĐTVN và kịch bản về một cuộc lội ngược dòng là không thể.
Và đến phút 70 khi Bunmathan kết thúc pha phối hợp như đá tập trước vòng vây của hàng thủ Việt Nam nâng tỷ số lên 3-0, một số khán giả đã đứng dậy. Kỳ vọng, háo hức sau trận hoà ấn tượng trước Iraq và cả chút cay cú với người Thái, nhiều người cảm thấy hụt hẫng, thất vọng trước màn trình diễn của ĐTVN. Sự nhợt nhạt, bế tắc trong lối chơi và màn thể hiện kém cỏi của nhiều cá nhân, ĐTVN thêm một lần nữa trở thành “diễn viên phụ” trong sân khấu chính của người Thái ngay tại Mỹ Đình.
“Năm bao nhiêu rồi mà vẫn sử dụng sơ đồ 3 trung vệ để đá với Thái Lan nhỉ. Đá thế này trước sau gì cũng thua…”, nhiều khán giả tỏ ý thất vọng, thắc mắc trước cách xếp nhân sự, chiến thuật khó hiểu của HLV Miura. Ở trận đấu này, nhà cầm quân người Nhật tiếp tục gây bất ngờ, khi quyết định cho ĐTVN chơi với sơ đồ chiến thuật 3-5-2 với việc dùng 3 trung vệ Tiến Duy, Tiến Thành và Tiến Dũng. Trong khi đó, ở hai biên, Mai Tiến Thành -Thanh Hiền được yêu cầu dâng cao, chơi cơ động như 2 tiền vệ thực thụ.
Việc sử dụng đội hình theo kiểu “nửa vời”, tấn công không ra tấn công mà phòng ngự không ra phòng ngự khiến cách vận hành lối chơi của đội chủ nhà có vấn đề sau nửa đầu hiệp 1. Không cầm được bóng, không phối hợp được và gây áp lực lên hàng phòng ngự đội khách nên sau khi nhận bàn thua đầu tiên từ tình huống sút xa của Thawikan, ĐTVN rơi vào tình trạng mất kiểm soát và chơi bóng trong sự bất lực. Đó là lý do sau khi nhận thấy vấn đề trong hiệp 1, ông thầy người Nhật quyết định có 2 sự điều chỉnh với việc tung Công Phượng, Huy Toàn vào sân. Tuy nhiên, cái sai này nối tiếp cái sai khác, khi Công Phượng chơi quá mờ nhạt và để mất bóng liên tục, còn Huy Toàn không kịp bắt nhịp, lại dính chấn thương và phải nhường chỗ cho Thành Lương, cầu thủ duy nhất ở ĐTVN dám cầm và chơi bóng thay vì lao vào chạy đuổi khổ sở như các đồng đội.
Trận đấu trở thành cuộc chơi riêng của người Thái, thoải mái đầu óc và càng chơi càng hay, Thái Lan khiến ĐTVN bở hơi tai trong việc đuổi bóng. Với những pha xử lý ít chạm, đan bóng trên khắp mặt sân, họ kiểm soát trận đấu dễ dàng. Thậm chí, có nhiều tình huống Thái Lan cầm bóng chuyền qua lại đến gần 20 chạm liên tục, đưa các cầu thủ áo đỏ vào trò chơi “đá ma”.
Với đẳng cấp và sự già giơ hơn hẳn, Thái Lan không quá khó để tìm đường vào khung thành của Nguyên Mạnh. Vừa đá, vừa dạo chơi với những pha phối hợp đơn giản, Thái Lan có thêm 2 bàn thắng nữa theo cách không thể dễ dàng hơn. Một là từ tình huống xuống biên căng ngang để Tiến Thành đá phản và một là pha bóng phối hợp như chỗ không người trước khung thành để Bunmathan dứt điểm ấn định chiến thắng cách biệt 3-0.
Thua trận này, cơ hội để ĐTVN đoạt ngôi nhì bảng để giành vé tham dự VCK Asian Cup 2019 cũng coi như hết. Cay đắng hơn, vấn đề của HLV Miura cũng như thể hiện của ĐTVN mới là điều khiến nhiều người cảm thấy “khóc được cũng khóc”.
TÚ PHẠM
“ĐTVN có khá nhiều cầu thủ trẻ và thiếu kinh nghiệm nên Thái Lan đã dễ dàng áp đặt được thế trận và chiến thắng. Có vẻ như áp lực từ 40.000 CĐV đã khiến cầu thủ Việt Nam bị nhiều sức ép và chơi bóng không tự tin. Đây là chiến thắng sẽ kích thích tinh thần cho Thái Lan, trước trận đấu tôi không nghĩ có thể đánh bại ĐTVN 3-0 tại Mỹ Đình bởi với tôi, 1-0 là quá đủ. Thái Lan có cơ hội tiến sâu, được thi đấu và học hỏi rất nhiều từ những đội bóng lớn và sau chiến thắng 3-0 trước ĐTVN, Thái Lan một lần nữa khẳng định là ông chủ bóng đá ĐNÁ”.
HLV Kiatisak
“Rất nhiều CĐV đã đến sân để cổ vũ cho ĐTVN nhưng chúng tôi đã không làm được điều mong đợi, vì thế tôi cũng đang rất buồn và thất vọng. Tôi yêu câu các học trò triển khai bóng ngắn nhưng khi vào trận đấu, trước sức ép từ đối thủ họ đã không thể thực hiện được điều này. Nhiều trận đấu, khi bị dẫn bàn trước, các cầu thủ luôn có tư tưởng buông xuôi mọi thứ và đây cũng là điểm yếu mà tôi phải làm việc với các học trò.
Thái Lan là đội chơi rất khó chịu, họ có những cầu thủ chơi sáng tạo và khi vào sân gặp đối thủ mạnh, các cầu thủ đã không thể giữ được sự tỉnh táo để thực hiện đúng đấu pháp của BHL. Tôi khẳng định chiến thuật và đấu pháp áp dụng từ đầu là không sai, điều này đã được thể hiện trong 45 phút đầu tiên. Tuy nhiên, cầu thủ đã không tự tin để vận hành và Thái Lan đã chơi quá tốt”.
HLV Miura
Đội hình thi đấu
Việt Nam: Nguyên Mạnh, Mai Tiến Thành (Huy Toàn – Thành Lương), Tiến Thành, Tiến Dũng, Tiến Duy, Thanh Hiền, Duy Mạnh, Huy Hùng, Văn Quyết, Công Vinh, Hồng Quân (Công Phượng)
Thái Lan: Kawin, Bunmathan, Thawikan, Yooyen, Dangda, Mongkol, Namwiset, Kerasat, Chanathip, Tristan, A-Nan.
Cay đắng
Có vô vàn lý do dẫn đến trận thua muối mặt của ĐTVN trước ĐT Thái Lan nhưng điều cay đắng nhất là chúng ta bị rơi vào sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa… thừa và thiếu. Ông Miura có thừa ý tưởng nhưng lại thiếu cầu thị. Ông đưa ra đấu pháp, sơ đồ hoàn toàn mới lạ so với trận đấu trước gặp Iraq nhưng khi thất bại thì ông không thừa nhận sai lầm. Ông đổ cho cầu thủ đã… quên chiến thuật.
Thực ra thì Miura cũng có lý của ông khi sử dụng đội hình luân chuyển giữa 3-5-2 và 5-4-1, với mục đích là tăng cường quân số trên mặt trận phòng ngự. Nhưng có lẽ là một vài buổi tập rốt ráo không thể giúp toàn đội làm quen với chiến thuật này. Kết quả là hàng thủ ĐTVN thừa quân số nhưng lại thiếu người “trực” điểm nóng. Thawikan mở tỷ số cho Thái Lan từ một cú sút xa ngoài vòng cấm, trong một pha bóng mà có đến 7 áo đỏ tham gia phòng ngự nhưng tiền vệ trụ thì hoàn toàn biến mất.
Sau bàn thua ấy, các học trò của Miura mất phương hướng và để tuột thế trận vào tay đối thủ. Nhiệm vụ gỡ bàn khiến họ phải “thốc” lên, quyết tâm thì có thừa nhưng tỉnh táo thì lại thiếu. Bàn thua thứ 3 thể hiện rõ nhất điều này. 5 cầu thủ ĐTVN hăm hở đuổi bóng, trong lúc người Thái “đá ma” và họ dễ dàng ghi bàn như trêu ghẹo cái sự “say đòn” của chúng ta.
ĐTVN vẫn như thường lệ, trận đấu với Thái Lan cũng thừa động lực nhưng lại thiếu đẳng cấp, để rồi nợ chồng thêm nợ.
Anh Đức