Nỗi khổ tăng cân của… người gầy

Người béo phì đã khổ, người gầy thiếu cân cũng “đau đầu” không kém với những câu hỏi thường trực: “Vì sao ăn mãi vẫn không “nhích” được cân nào?”, “Sao tôi ăn đến đâu, mỡ dồn vào bụng đến đấy?”…

Bị gia đình người yêu phản đối vì trọng lượng khiêm tốn

Thấm thía nỗi khổ của người gầy, bạn Nguyễn Ngọc Hân (24 tuổi, nhân viên ngân hàng), vóc dáng cao 1m65 nhưng người mỏng dẹt và gầy nên luôn tự ti rằng mình dặt dẹo, xanh xao. Hân kể: “Mỗi lần quyết tâm tăng cân, mình ăn cật lực, thỉnh thoảng mát trời mình lên được vài ba kg, cơ thể có da, thịt hẳn. Nhưng chỉ cần vài ngày nắng nóng khắc nghiệt như vừa qua thì cân nặng sụt, đâu vào đấy”.

Không may mắn sở hữu chiều cao như Hân, Nguyễn Thùy Linh (25 tuổi, nhân viên văn phòng, Hà Nội) cao 1m40 và vóc người gầy yếu. Ở tuổi “cập kê”, Linh rất ngại vì luôn bị các bạn nam trêu như trẻ con vì quá gầy. Thậm chí, cô nàng từng bị mẹ chồng tương lai “hụt” phản đối vì chê gầy yếu, sợ Linh không đủ sức để sau này sinh con.

Nỗi khổ tăng cân của... người gầy

Trải qua nhiều rắc rối liên quan đến chuyện cân nặng, Linh chia sẻ: “Nhìn những bạn gái mũm mĩm, mình lại thấy chạnh lòng. Chuyện tăng cân này lấy của mình không ít mồ hôi nước mắt”.

Vậy, việc người gầy gò khó tăng cân là xuất phát từ đâu? Bên cạnh những lý do về gen di truyền khiến cơ thể gầy bẩm sinh, rất nhiều thói quen xấu trong sinh hoạt hằng ngày khiến khó tăng cân: Ăn ít hoặc ăn thực phẩm ít năng lượng, thiếu chất dinh dưỡng cho cơ thể; Ngủ không đủ giấc; Tập luyện sai cách, quá sức dẫn đến cơ thể mệt mỏi hoặc tiêu hao quá nhiều calo; Hút thuốc lá…

Tăng… nhầm chỗ

Hầu hết người gầy khi muốn tăng cân đều chú trọng vào việc ăn thật nhiều, không mấy khi để ý đến việc ăn thế nào cho có khoa học và lành mạnh. Như trường hợp của Hân, có đợt do muốn tăng cân nhanh để mặc áo dài chụp ảnh kỷ yếu, cô chọn cách ăn thật nhiều buổi tối và đêm đồng thời chọn những loại thức ăn chế biến sẵn nhiều dầu mỡ, chất bảo quản, như: xúc xích, mỳ tôm, khoai tây chiên… Hậu quả, sau 1 tháng, toàn bộ năng lượng nạp vào đều dồn hết vào vòng 2. Khi mặc áo dài, thân hình đầy đặn đâu không thấy, chỉ thấy phần bụng nhô ra hết cỡ.

Trường hợp thứ hai, nhiều người kêu ca “ăn mãi không thấy béo” là do chế độ ăn uống chưa đủ chất, thiếu dinh dưỡng và đặc biệt là ăn uống không có giờ giấc. Chế độ tăng cân của Linh là một điển hình. Cô kể: “Khi quyết tâm tăng cân, mình ăn uống đều đặn và đầy đủ nhưng hễ gặp chuyện khó chịu, lại gạt chuyện ăn uống sang một bên, có khi nhịn cả ngày không biết đói”.

Bên cạnh đó, thời gian sinh hoạt đảo lộn cũng là một nhân tố tiêu cực. Có khi thức đêm và ngủ tới trưa và bỏ qua bữa quan trọng nhất trong ngày – bữa sáng. Nỗ lực giảm cân của Linh thất bại.

Một lỗi tăng cân điển hình khác đó là chỉ chú trọng vào việc ăn, không quan tâm việc tập thể dục, rèn luyện cơ thể. Phần lớn những người gầy đều có tư tưởng ngại vận động, cảm thấy yếu không đủ sức để hoạt động mạnh hoặc nghĩ “gầy rồi tập không giải quyết vấn đề gì”. Những cách nghĩ đó là hoàn toàn sai.

Bà Sheila Zhou – Chuyên gia Tổ chức Khoa học Y tế USANA (có trụ sở tại bang Utah, Mỹ) cho biết: “Hầu hết mọi người đều không nhận thấy: có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn ở những người gầy thể béo (tiếng Anh gọi là Skinny Fat). Những người này thường nhìn qua bên ngoài dáng vóc gầy gò, thực chất họ bị tích mỡ ở nội tạng, chỉ số cholesterol cao, tuần hoàn máu kém. Theo bà Zhou, người gầy muốn tăng cân lành mạnh cũng cần phải tập thể dục thường xuyên đều đặn, ít nhất 3 giờ/tuần.

Để tăng cân không đơn giản là ăn thật nhiều, hoạt động ít để tích năng lượng, người gầy cần phải kết hợp với tập thể dục đều đặn thường xuyên. Bởi, tập thể dục sẽ giúp trao đổi chất nhanh hơn, tạo cảm giác đói và kích thích ăn ngon miệng.  Ngoài ra, việc rèn luyện sẽ giúp cơ thể tăng cân, tăng cơ, không bị béo “bệu” mà săn chắc.

PHUTHONG