Chuyện về VĐV cao nhất Việt Nam, Trần Ngọc Tú (Tiếp): Mỗi bữa 8 bát cơm, quanh năm ngủ sàn nhà

Chính chiều cao 2m12 đã khiến cho võ sỹ 18 tuổi này phải vượt qua rất nhiều sự khốn khó, ngay từ chuyện thiết thực như ăn và ngủ. 2 năm theo tập thể thao, Tú chưa một lần được “một bữa thật no”.

8 bát cơm vẫn thòm thèm

Hồi mới gia nhập đội, Ngọc Tú đã khiến cả nhà ăn chung của thể thao Vĩnh Phúc phải kinh ngạc vì khả năng ăn quá phi phàm của mình. Chàng tân binh vốn là thợ hồ không chỉ ăn nhanh, ăn ngon mà còn ăn quá nhiều, với cả chục bát cơm đầy, chưa kể thức ăn. Có bữa, Tú còn “làm” tới 12 bát lèn chặt. Nếu các đồng đội chỉ cần một suất xôi, bát phở hay mì tôm vào buổi sáng, Tú phải ăn gấp ba.

Mỗi bữa 8 bát cơm, quanh năm ngủ sàn nhà

Tuy nhiên, sau ít ngày được ăn thỏa mái, Tú bất đầu phải thực hiện chế độ ăn khắc khổ theo yêu cầu của các thầy để đảm bảo mức cân nặng trên dưới 110kg. Trong đó, mỗi bữa chính, anh được ăn tối đa 8 bát cơm, còn định mức cho mỗi bữa sáng cũng chỉ 2 suất. Thời gian đầu bị khống chế chuyện ăn, Tú vô cùng khổ sở khi luôn có cảm giác thòm thèm vì không được đáp ứng đủ nhu cầu ăn uống. Nhiều buổi tập, Tú đã phải bỏ giữa chừng vì đói đến mệt lả. Phải mất tới vài tháng gồng mình, võ sỹ cao 2m12 này mới có thể dần thích nghi. Có thể thấy rõ sự khổ luyện của võ sỹ khổng lồ đang tuổi ăn tuổi lớn này qua tâm sự đầy hồn nhiên, “lâu lắm rồi em chưa biết đến một bữa ăn thật no”.

Quanh năm ngủ đất, đi bộ

Các đội thể thao Vĩnh Phúc đang ăn ở tập trung ở một khu nhà thuê cũ cách địa điểm tập luyện gần 2km. Các nhà quản lý huấn luyện vẫn rất khổ tâm vì chưa thể lo được cho Ngọc Tú một nơi “ngả lưng” theo đúng nghĩa đen. Do các phòng ở được bố trí theo kiểu giường tầng, với chiều dài tối đa 1m80 nên không thể đủ cho Tú. Các thầy cũng đã từng tính đến việc đặt riêng cho Tú một chiếc giường cỡ 2m15 -2m20 song lại không có chỗ đặt vì điều kiện các phòng vốn đã quá chật hẹp.

Mỗi bữa 8 bát cơm, quanh năm ngủ sàn nhà

Cực chẳng đã, Ngọc Tú đã phải chọn giải pháp tình thế: Nằm ngủ ngay dưới sàn nhà. Mùa hè Tú nằm đất luôn cho mát, còn mùa đông trải thêm cái chiếu mà chân vẫn còn thừa ra ngoài. Cũng may, sức khỏe của Tú gần như không bị ảnh hưởng gì vì quen với cảnh ngủ đất từ nhiều năm trước. Với Tú, chỉ có điều bất tiện là luôn phải chờ các đồng đội lên gường đi ngủ hết mới đến lượt mình được ngả lưng ra sàn nhà.

Cũng vì thể hình quá “khủng” nên Ngọc Tú chỉ biết… đi bộ trên đôi chân trần, chứ không hề biết đi xe đạp hay xe máy. Hành trình mỗi ngày 4 lần đi về từ chỗ ở tới nơi tập luyện với đoạn đường chỉ gần 2km với Tú giống như một cực hình, không chỉ vì sự nặng nề đè lên đôi chân mà còn bởi những ánh mắt cùng nhận xét đầy soi mói nhắm vào mình như thể “người ngoài hành tinh”.

Hà Thảo

Ngọc Tú đang chỉ được hưởng duy nhất khoản tiền ăn 135 nghìn đồng/ngày và không có chế độ tiền công tập luyện hay đẳng cấp do mới tập luyện, và chưa có thành tích. Mức 135 nghìn đồng/ngày, như lời của HLV Xuân Hùng là “không đủ cho nhu cầu ăn gấp đôi, gấp ba bình thường của Tú”. Các thầy và các đồng đội đã phải hỗ trợ, san sẻ để giúp võ sỹ quê Thanh Hóa để ra được một số tiền nhỏ để tiêu vặt hay mỗi năm về quê thăm gia đình một đôi lần. 

“Thể thao đã cứu sống tôi”

“Trước khi tập luyện ở đội Pencak Silat Vĩnh Phúc, tôi đang ở trong thời kỳ bế tắc nhất. Thực sự tôi chỉ sống ngày nào biết ngày đấy, vạ vật và khổ sở ở cái lán của đội thợ hồ nơi đất khách quê người. Tôi còn không dám ăn chỉ để no bụng, vì mất phần của vài người khác. Khi đó tôi yếu đến mức không chống đẩy nổi một cái, chỉ đi bộ cũng đã mệt tới đứt hơi. Chính thể thao đã cứu sống tôi. Tôi đã có sức khỏe tốt, có thể tập luyện tốt và từ chỗ tự ti, chán nản, tôi bắt đầu hy vọng có thể phấn đấu trở thành một VĐV chuyên nghiệp”.

Võ sỹ Trần Ngọc Tú