Đi du lịch bằng… xe đạp

Chưa bao giờ việc tập luyện xe đạp, đi phượt (du lịch bụi) bằng xe đạp lại trở nên thu hút đông đảo mọi giới tính, lứa tuổi đến vậy.

Mẹ già truyền cảm hứng

Sáng ra, mẹ tôi, đã 65 tuổi lại “cưỡi” lên con “ngựa sắt” Giant để làm một vòng quanh Hồ Tây (Hà Nội) vào lúc 5h30 sáng, mùa đông cũng như mùa hè.

Cụ chẳng cần ai đi kèm, đi cùng hay lập hội nhóm gì cả. Cứ thế thanh thản đạp xe ngắm mặt trời lên, hít thở không khí trong lành của Hồ Tây buổi sớm mai.

round

Mẹ tôi đau chân khá nặng, thế nhưng chỉ sau 3 năm miệt mài đạp xe sau khi về hưu, sức khỏe khác hẳn, còn khỏe hơn hồi đang công tác.

Có thể nói, đạp xe là một phương pháp giúp cải thiện chức năng của cơ bắp, giảm béo, cải thiện sức khỏe tim mạch. Thường xuyên đi xe đạp giúp tăng cường cơ bắp cho chân và rất tốt cho sự di chuyển của hông và đầu gối.

Ngoài ra, đi xe đạp là một phương thức tốt để xây dựng khả năng… chịu đựng. Bởi vì mọi người thích đi xe đạp và họ sẽ không nhận ra rằng càng ngày họ càng có thể đi được xa hơn. Bạn có thể đạp xe bất cứ ở đâu vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Tất cả những gì bạn cần là một chiếc xe đạp, khoảng nửa giờ khi bạn rảnh rỗi, cộng thêm một chút tự tin.

Chinh phục núi cao 2.427m bằng “ngựa sắt”

Tập luyện hàng ngày là một chuyện. Nhưng những người trẻ không tự bằng lòng với điều đó. Họ còn sử dụng xe đạp để đi phượt. Đây thực sự là một xu hướng trên khắp mọi miền đất nước.

Cứ cuối tuần là rất nhiều nhóm tự tổ chức tour đi dã ngoại bằng xe đạp, leo núi bằng xe đạp, thậm chí có những cung đường “khủng” cũng được nhiều nhóm chơi xe quyết tâm vượt qua như chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh – nằm trên mảnh đất Hà Giang huyền thoại, giáp biên giới Trung Quốc, nơi trên bản đồ đường bộ ghi độ cao là 2.427m.

Nhiều diễn đàn về xe đạp ra đời kết nối những người yêu xe đạp, yêu cảm giác một thời cưỡi “ngựa sắt”, cùng nhau khám phá những mảnh đất, vẻ đẹp phương xa. Nhưng nay, con “ngựa sắt” này đã xịn hơn rất nhiều; với những tính năng hiện đại, phù hợp với từng mục đích sử dụng.

Tôi cũng ham hố lao vào một diễn đàn như vậy và sau một chuyến đi lang thang bằng chiếc xe Giant kiểu City bike của mẹ, tôi đã đầu hàng trước sự cám dỗ của một chiếc xe MTB – nói nôm na là xe leo núi.

Lạc vào “mê cung” xe đạp

Nếu khi nghiên cứu các loại xe đạp trên các trang web, bạn đã hoa mắt chóng mặt thì khi bước vào một cửa hàng xe đạp, có lẽ bạn sẽ “ngất” nếu không có một người đi kèm hiểu biết nhất định để hướng dẫn, tư vấn.

Hàng trăm chủng loại xe để phục vụ cho mọi mục đích sử dụng, mỗi chủng loại xe lại có hàng trăm sự lựa chọn. Chỉ riêng khung xe thôi, người bán hàng cũng có thể đưa cho bạn cả chục mẫu khác nhau.

Có 10 triệu đồng tiết kiệm từ Tết tới giờ, tôi “nghiến răng” lao vào “mê cung” xe đạp, quyết tâm tìm cho mình chiếc xe dã chiến để lúc thì đi thanh thản trong phố, lúc lại đi phượt chuyên nghiệp chẳng kém bạn kém bè.

Dòng MTB (Mountain Bike) là phù hợp nhất với tiêu chuẩn, mục tiêu của tôi. Nhưng khi đến cửa hàng, tôi lại lung lay trước dòng Touring (thực dụng) vì vẻ đẹp rất vintage (cổ điển) của nó.

MTB thì nặng, bánh xe to có đường kính khoảng 650 – 700mm, nhiều gai, thích hợp để đi trên địa hình gồ ghề như đường dốc, đổ đèo hay đường rừng. Ghi đông thẳng nên người điều khiển có thể ngồi thẳng lưng, giảm đau mỏi.

mtb

Trong khi đó, Touring bike thì nhẹ hơn. Mẫu này được thiết kế để có thể mang vác hành lý cho những chuyến du lịch xa, nên trọng lượng xe không quá nặng, thường có khung sườn dài và vững chắc. Vành xe rắn chắc, lốp xe vừa hoặc nhỏ, ít gai; tuy có cấu tạo giản đơn nhưng hệ thống phanh thắng, tăng giảm líp, ghi đông đều có chất lượng cao; thiết kế nhiều vị trí để lắp thêm phụ kiện.

Chốt loại Touring Gios Pure Italy xong, anh chàng bán xe lại đòi tôi báo thông số kỹ thuật cá nhân: “Em cao bao nhiêu?” để chọn khung cho phù hợp.

Khung 18 inch là cỡ dành cho những người cao trên 1m75. Tôi 1m57 thì được thử khung 16 inch. Bé nhỏ tầm 1m50 cần sử dụng loại khung cỡ 15 inch. Đây là những kích thước cơ bản thể hiện cho chiều cao của khung xe (khi chưa lắp yên).

Các bạn trai nên sử dụng khung có độ ngang của gióng trên lớn sẽ tạo cảm giác cứng, chắc khỏe, mang lại phong cách đàn ông. Các bạn gái cần chọn những xe có độ chéo của gióng ngang lớn để thuận tiện cho việc lên xuống xe nhẹ nhàng và duyên dáng.

Quan trọng là khi mua xe cứ trăm thấy không bằng một sờ. Ngồi lên thấy thoải mái, vừa vặn là được, đạp thử càng tốt.

MY MY

Những phụ kiện đi kèm “ngựa sắt”: Khi đã mua được chiếc xe ưng ý, bạn nhất thiết không được tiết kiệm mà hãy sắm ngay một bộ đồ chuyên dụng để đi xe đạp đường trường.

Quần xe đạp là quan trọng nhất: Quần chuyên dụng này có đệm silicon giúp giảm hẳn ê mông. Đạp trên 100km trong 2 ngày liên tiếp mà không có loại trang phục chuyên dụng này chắc hẳn sẽ khiến bạn nhức mỏi vòng 3.

Giày dép chuyên dụng: Nên mua một đôi giày, một đôi sandal. Gợi ý là nên mua một đôi giày hiệu Scott MTB. Còn sandal thì nên sử dụng loại Sandal Keen MTB.

Áo chuyên dụng cho xe đạp: Không phải cứ mặc áo bất kỳ là lên đường đâu, bạn nhé. Áo chuyên dụng đi xe đạp được may từ loại vải đặc biệt có khả năng khử mùi và ngăn cản vi khuẩn, nhanh khô, chống nắng với chất liệu Coolmax với chống tia UV tối đa.

Găng tay chuyên dụng: Nên mua hai đôi để sử dụng luân phiên. Găng tay hãng Giro hoặc Izumi có giá trên 200.000 đồng đều khá tốt và rẻ.

Mũ (nón) bảo hiểm: Mũ bảo hiểm có nhiều loại, từ 350 ngàn đồng tới… 350 USD. Nên mua loại tầm 600 ngàn đồng là vừa tầm.

Mắt kính: nên là màu trắng để chống bụi hoặc chống nắng để chơi thể thao. Các hãng Oakley, Topeak là ổn nhất với giá cả phải chăng.

Áo khoác: Áo khoác xe đạp đặc chủng phải nhẹ, thoáng mát, có khả năng chống mưa ướt.