Báu vật mang tên… $t€rling
Sterling đã và đang bị dư luận chỉ trích kịch liệt sau vụ đào thoát nhiều điều tiếng từ Liverpool sang Man City, thậm chí bị gán là $t€rling. Ngoài ra còn có sức ép dữ dội từ mức phí kỷ lục mà Man City đã phải trả. Nhưng cũng như hàng loạt ngôi sao đàn anh, nếu sức ép không giết chết được Sterling thì tiền vệ này chắc chắn sẽ trở nên vô cùng vĩ đại.
Không ăn khổ, sao hơn người?
Có sự thật là nếu không phải chịu áp lực để buộc phải phát huy hết tiềm năng, một số huyền thoại của bóng đá thế giới đã không thể tỏa sáng rực rỡ như mong đợi. Trong cuộc phỏng vấn do tạp chí FourFourTwo thực hiện năm 2006, cựu thủ quân Anh David Beckham từng thừa nhận điều đó khi nhắc lại chiếc thẻ đỏ ngớ ngẩn tại World Cup 1998. Do Beckham – lúc đó mới 23 tuổi dính “bẫy” của Diego Simeone (Argentina), “Tam sư” bị loại tức tưởi trên chấm 11m nên không bất ngờ khi mọi phẫn nộ và thất vọng ở xứ sở sương mù đều trút lên đầu tiền vệ của Man Utd.
Tuy nhiên, Beckham đã không để những chỉ trích tác động tới phong độ. Hệ quả là mùa bóng 1998/99 đi vào lịch sử khi Man Utd lập cú ăn ba với anh là ngôi sao sáng nhất, không chỉ qua số lần thi đấu nhiều nhất đội. Một cú đá phạt đánh gục Barcelona ở Champions League. Một cú đá phạt khác gạt bỏ Arsenal khỏi FA Cup. Hàng loạt pha kiến tạo tuyệt vời khác ở Champions League. Kết quả là cuối mùa đó, anh nhận danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu cấp CLB và chỉ đứng sau Rivaldo trong cuộc đua trang Quả bóng Vàng châu Âu.
Thêm CR7 và Suarez
Và đương nhiên, Beckham chẳng phải trường hợp cá biệt “nếm qua mùi cay đắng, mới nên bậc anh hào”. Cristiano Ronaldo là ví dụ hùng hồn khác về việc áp lực có thể kích phát tiềm năng của cầu thủ ghê gớm tới mức nào. Vì trước “cú đá lông nheo” đầy khiêu khích hướng tới đồng đội ở Man Utd là Wayne Rooney khi Bồ Đào Nha loại Anh ở World Cup 2006 do “số 10” nhận thẻ đỏ, CR7 thật ra chỉ mới là một cầu thủ quan trọng tại Old Trafford, nhưng chưa tới mức chẳng thể thay thế. Nhưng sau đấy, Premier League 2006/07 chứng kiến Ronaldo lần đầu tiên trong sự nghiệp ghi nhiều hơn 10 bàn ở giải VĐQG, chính xác là 17 bàn!
Và kể từ đó, đây là con số thấp nhất trong sự nghiệp của Ronaldo. Và ngoại trừ mùa 2008/09 khi CR7 làm mình làm mẩy để tìm cách sang Real Madrid nên chỉ ghi có 18 bàn, thông số tệ nhất của anh ở các mùa còn lại đều đạt bình quân khoảng 1 bàn/trận. Riêng mùa qua, con số ấy lên tới gần 1,5 bàn/trận: đấy là thông số thật không thể tin nổi trong kỷ nguyên của bóng đá hiện đại ở 1 trong 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Ngoài ra, Luis Suarez cũng có thể xếp vào nhóm này, khi góp công không nhỏ vào cú ăn ba cùng Barcelona sau sự cố “cắn người” ở World Cup 2014 khiến anh từng bị FIFA cấm đụng tới quả bóng và tập luyện trong 4 tháng đầu mùa trước.
Có tài năng, vàng sợ lửa?
Từ những tấm gương như Beckham và Ronaldo hoặc Suarez, có thể kỳ vọng áp lực mà Raheem Sterling đang gánh chịu sẽ trở thành động lực để tiền vệ trẻ này trở thành vĩ đại. Vì trước mắt, bệ phóng của Sterling thật sự không kém Beckham và ngôi sao Bồ Đào Nha. Tân HLV Real Madrid Rafael Benitez vừa xác định điều đó, khi thừa nhận một trong những tiếc nuối lớn nhất của ông là không được góp tay vào việc phát triển Sterling ở Liverpool. Điều thú vị là chính ông từng chứng kiến Sterling từ Queens Park Rangers đến Anfield lúc tiền vệ này mới 15 tuổi. Nhà cầm quân người Tây Ban Nha tâm sự: “Ngay lúc đó, tôi đã rất hài lòng về việc mua Sterling, vì biết rõ cậu ấy giỏi tới mức nào, nhưng sau đấy, tôi buộc phải ra đi”.
Với tài năng sớm được khẳng định như vậy, vấn đề của Sterling hiện nay chỉ còn là chờ xem cậu có thể vượt qua áp lực để đi theo con đường mà Beckham và Ronaldo từng trải qua hay không. Sự kỳ vọng lớn như thế chẳng phải là tình cờ, vì Sterling từng giữ được sự tỉnh táo ở trận giao hữu Ireland – Anh tại Dublin khi bị CĐV nhà chế nhạo. Lúc đó, Jordan Henderson – đồng đội cũ của Sterling tại Liverpool và hiện là thủ quân mới ở Anfield – cho biết: “Sterling có tâm lý rất vững và rất biết cách ứng phó với áp lực như thế. Tôi không cảm thấy cậu ấy bị ảnh hưởng chút nào”. Đấy ắt hẳn là bài tập mà Sterling đã rèn luyện từ lâu, khi xác định hướng đi là nâng cao chuyên môn, nghĩa là sẵn sàng rời bỏ đội bóng nhỏ để chuyển đến các CLB lớn hơn với cơ hội và thách thức nhiều hơn. Điều đó giải thích tại sao Sterling từng bỏ QPR đến Liverpool, nên không khó hiểu nguyên nhân Sterling rời Liverpool sang Man City. Với tinh thần cầu tiến như thế của Sterling thì chỉ cần không có sự cố đáng tiếc như gãy chân hoặc đứt gân kheo xảy ra với tiền vệ này, ngôi đền huyền thoại của “Tam sư” sẽ có thêm thành viên mới.
HLV tuyển Anh ủng hộ Sterling: Theo HLV tuyển Anh Roy Hodgson, những chỉ trích nhằm vào Raheem Sterling về việc rời Liverpool sang Man City sẽ chỉ giúp tiền vệ trẻ mạnh mẽ và trưởng thành hơn. Hodgson giải thích: “Sterling từng chơi cho CLB có lực lượng CĐV đông đảo, không chỉ ở Anh mà còn nhiều nơi khác trên thế giới. Thật không may cho Sterling, các CĐV Liverpool đã thiếu sáng suốt khi nhìn nhận về việc cậu ấy muốn đi, vì đây là một phần của bóng đá. Tuy nhiên, tôi tin tưởng việc này sẽ chỉ giúp Sterling mạnh mẽ và trưởng thành hơn, dù Sterling đã mạnh mẽ hơn bạn bè đồng lứa, không chỉ về thể chất, mà cả về tinh thần”.
MINH CHÂU