Tiền là tiên; tiền là con quỷ xấu xa
Ở thời điểm Premier League coi như đã ngã ngũ, TTCN mùa hè chuẩn bị mở cửa, câu chuyện liên quan đến tương lai Raheem Sterling tại Liverpool, không ngạc nhiên, đang là đề tài “hot” nhất tại đảo quốc sương mù.
Khi một cầu thủ “dám” nói ra rằng, anh ta muốn rời Anfield, nó như thể một chuyện động trời khó chấp nhận. Ai cho anh ta được như ngày hôm nay? Sterling đang bị nhìn như thể một kẻ vô ơn khi từ chối mức lương mới hậu hĩnh mà phía BLĐ Liverpool đề nghị. Quan điểm của người Liverpool về trường hợp Sterling, có thể hiểu CLB đã “sinh” ra anh và anh phải có nghĩa vụ phục tùng, không được phép đòi hỏi. Mức lương mới, được cho vào khoảng 100.000 bảng/tuần có thể coi là sự ban ơn cho sự đóng góp của cầu thủ trẻ người Anh đối với CLB hai mùa qua.
“Vấn đề bây giờ là ai cũng nhảy bổ vào Raheem Sterling và chỉ trích cậu ấy quá tham lam. Tiền là tội lỗi lớn nhất trong bóng đá”, cựu hậu vệ Mario Melchiot của Chelsea bênh vực Sterling trong một buổi bình luận trên BBC về việc cầu thủ này không có ý định gia hạn hợp đồng với Liverpool.
Theo Melchiot, Sterling có quyền “mặc cả” với Liverpool trên bàn đàm phán, có quyền nâng lên đặt xuống để tính toán liệu có cơ hội tốt hơn đến với mình hay không chứ không chỉ đơn giản là câu chuyện: “Cho tôi xem các ông trả được tôi bao nhiêu”. Nói một cách đơn giản, đó là quyền con người.
Melchiot nói “tiền là thứ xấu xa nhất trong bóng đá”, và tiền là vấn đề vô cùng nhạy cảm trong cuộc sống khi nó gần như được mặc định làm thước đo cho nhiều yếu tố trong cuộc sống.
Để gần gũi hơn, chúng ta chỉ cần nhìn xung quanh, nhìn vào cuộc sống diễn ra quanh mình hàng ngày sẽ thấy những chuyện xảy ra tương đồng trường hợp hiện tại của Sterling.
Khi đi xin việc, tác giả bài viết tất nhiên không thể khẳng định chắc nịch, nhưng hẳn là không phải tất cả đều đưa ra mức lương mong muốn mà trong thâm tâm nghĩ nó xứng đáng với thực tài của mình. Và bạn, theo quan điểm bản thân, thấy rằng mình chăm chỉ cống hiến nhiều tháng qua nhưng vẫn chưa thấy sếp nhắc đến chuyện tăng lương, bạn sẽ gõ cửa phòng sếp?
Nếu lên tiếng hỏi về chuyện tăng lương, rất có thể bạn sẽ bị mang định kiến giống như Sterling; anh chưa trả ơn công ty nhiều đã đòi hỏi. Đấy, đôi khi chính chúng ta cảm thấy e ngại với thứ nhạy cảm là tiền.
Những trường hợp như Sterling, đáng ra phải được nhìn nhận như chuyện nhẽ thường phải thế thì ngược lại, nó đang bị đẩy vào góc nhìn về một kẻ chỉ vì tiền, tiền và tiền mà sẵn sàng bỏ qua phạm trù đạo đức?
Q. NGUYÊN.