Bóng đá Myanmar: Bao giờ trở lại... ngày xưa?

Truyền thông Myanmar đang kỳ vọng nền bóng đá nước này cũng thay đổi như tình hình chính trị của đất nước khi Tổng thống Thein Sein đang chuyển giao quyền lực cho Aung San Suu Kyi - lãnh đạo của Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) vừa thắng lớn trong cuộc bầu cử toàn quốc vào tháng trước được đánh giá là dân chủ nhất trong 25 năm qua.

Thời oanh liệt nay còn đâu

Trên BXH FIFA mới nhất, Myanmar hiện đứng thứ 158, sau những cái tên xa lạ hoặc một thời từng bị các ĐTQG ở Đông Nam Á xem thường như Guam và Sao Tome. Tuy nhiên, vị thế ấy chẳng có gì nhầm lẫn, nếu điểm đến thành tích thi đấu gần đây của “Những thiên thần trắng”. Trung tuần tháng qua, thất bại 0-4 tại Hàn Quốc sớm chấm dứt hy vọng đến Nga 2018 của Myanmar, dù sự thật thì chẳng ai mong đợi họ sẽ góp mặt ở VCK World Cup. Vấn đề là nếu bị loại sớm thì chí ít cũng phải thể hiện thật kiên cường.

uyển U.20 trở thành niềm tự hào của Myanmar với lần đầu dự VCK World Cup. 

Đằng này, Myanmar còn thua tới 0-9 tại Doha (Qatar) – nơi được chọn làm sân nhà cho Kuwait, chưa kể hòa Lào ở Vientiane. Kết quả các trận giao hữu trong năm nay cũng gây nhiều thất vọng, khi họ thua Hong Kong (Trung Quốc) 0-5, thua Indonesia và thua cả Campuchia. Tất cả niềm kiêu hãnh của Myanmar hiện đành phải dựa hết vào bóng đá trẻ. Thường xuyên góp mặt ở bán kết SEA Games trong 15 năm qua, Myanmar vừa xuất sắc giành ngôi Á quân của Singapore 2015. Hè 2015 còn đánh dấu sự kiện Myanmar đến New Zealand tham dự VCK U.20 World Cup lần đầu tiên trong lịch sử, sau khi bất ngờ thắng UAE để tiến vào bán kết giải VĐ U.19 châu Á năm 2014.

Điều trớ trêu là thời còn được gọi như “Burma”, “Những thiên thần trắng” từng là một đối trọng đáng nể với các cường quốc hàng đầu châu Á như Iran và Hàn Quốc. Họ từng tiến vào chung kết Asian Cup 1968 và giành quyền dự Olympic 1972 để gây chấn động bằng chiến thắng Sudan 2-0. Dưới sự dẫn dắt của HLV huyền thoại Sein Hlaing, họ còn giành 5 HCV bóng đá nam tại SEAP Games (tiền thân của SEA Games) trong giai đoạn từ 1965-1973. Đối với bóng đá Myanmar, thực trạng hiện nay rõ ràng là bước thụt lùi kinh khủng và dĩ nhiên, chuyện gì mà chẳng có lý do của nó!

Bóng đá phản ánh xã hội

Phải thừa nhận rằng giới lãnh đạo quân sự Myanmar trước đây chẳng phải là không mê bóng đá. Ngặt nỗi, họ chỉ mê bóng đá nước ngoài. Bằng chứng là cách nay gần chục năm, một người cháu gọi Tổng thống Thein Sein là ông từng toan tính mua Man Utd với giá 1 tỷ USD vì biết ông của anh ta hâm mộ chủ sân Old Trafford. Dự định ấy suýt nữa trở thành hiện thực, nếu chẳng phải chính Tổng thống Thein Sein tuyên bố không có lý nào lại dùng khoản tiền lớn như vậy chỉ để mua một CLB nước ngoài.

Myanmar (áo trắng) ở trận thua Hàn Quốctại vòng loại World Cup 2018.

Hậu quả đương nhiên là “Những thiên thần trắng” trở thành con ghẻ, bị bỏ lăn lóc phần nào còn do chế độ độc tài quân sự không biết làm kinh tế khiến Myanmar rơi vào cảnh đói nghèo. Vì vậy không bất ngờ khi sau gần nửa thế kỷ quân đội nắm quyền, Tuyển Myanmar từng rơi xuống tận hạng 167 của BXH FIFA, dưới cả Afghanistan mấy bậc cho dù đất nước này cũng đang chịu khói lửa chiến tranh. Tới mức đó, một HLV có tuổi nghề khoảng 20 năm đã thở dài ngao ngán: “ĐTQG đá đâu thua đó mà họ chẳng thèm quan tâm. Kết quả là cứ sau 10 năm, trình độ của bóng đá Myanmar lại giảm sút một bậc”.

Tuy nhiên, “Những thiên thần trắng” chẳng phải là nạn nhân duy nhất của chế độ quân sự. Giải VĐQG nói chung và các CLB nói riêng – căn cơ của cả nền bóng đá – cũng cùng chung số phận. Các CLB thuộc Myanmar Premier League không chỉ eo hẹp tài chính, mà còn trầm luân vì nạn tham nhũng từ các ông chủ được chính quyền bảo kê như Tay Za (Yangon United) bị tình nghi buôn lậu vũ khí, hoặc Htun Myint Naing (Magwe FC) là con trai của Lo Hsing Han – một trong những “bố già” khét tiếng nhất của giới buôn ma túy nước này. Do đó, chẳng bất ngờ khi mọi cố gắng của FIFA nhằm giúp giới bóng đá Myanmar biết cách kiếm tiền thông qua việc cử các chuyên gia tiếp thị đến hướng dẫn đều không đem lại hiệu quả như mong muốn. Vì dù có kiếm ra tiền, các ông chủ cũng không để chúng chảy vào quỹ của CLB.

Vấn nạn tham nhũng có hệ thống và đối xử không công bằng ở các CLB còn làm thui chột những tài năng hứa hẹn nhất của Myanmar. Tình hình nghiêm trọng tới mức một tác giả từng viết sách về chính trị và bóng đá ở nước này đã ví von: “Tôi cho rằng bóng đá hiện chính là biểu tượng phản ánh chính xác nhất về đất nước Myanmar, nơi không thiếu tài năng, nhưng đang bị lãng phí. Tình trạng ấy chẳng khác nào hiện thực xã hội, nơi những người giỏi nhất không có cơ hội ngóc đầu lên”.

MNL như miếng giẻ rách

Với nền bóng đá bị bỏ rơi suốt gần nửa thế kỷ như vậy, Myanmar National League - ra đời nhằm thay thế Myanmar Premier League khi chính quyền quân sự bắt đầu chuyển giao quyền lực cho chính phủ dân sự - đang tỏ ra bất lực trước sứ mệnh vực dậy “Những thiên thần trắng” từ căn cơ. Nguyên nhân chủ yếu là do sau thời gian dài chán ngấy bóng đá trong nước, người Myanmar nay chỉ khoái ngồi nhà xem Premier League thứ thiệt của Anh qua truyền hình, thay vì đến sân xem những màn trình diễn vụng về với quả bóng. Bên cạnh đó, họ cảm thấy không an toàn khi ra đường vì thường xảy ra những cuộc đấu súng giữa chính quyền quân sự với các phiến quân. Mặt khác như trên từng đề cập, mọi nỗ lực của MNL đều không nhận được sự ủng hộ từ các CLB đầy những ông chủ tham ô.

Vì thế, những tiếng chửi rủa của CĐV hướng về các cầu thủ kiểu như “Mấy ‘má’ về nhà đi!” đang ngày càng quen thuộc trên các khán đài trống vắng ở MNL. Một HLV than thở: “Cứ qua mỗi năm, số khán giả đến sân lại giảm hơn phân nửa!”. Tình hình thê thảm tới mức có trận, số khán giả tới sân còn chưa bằng số cảnh sát giữ trật tự. Và ngay cả khi MNL tự hào tuyên bố non nửa thành viên của họ hiện có sân riêng, thậm chí nhà vô địch năm 2015 Yangon Utd hiện còn có sân nhân tạo 3G, cần biết rằng sức chứa các sân thông thường chỉ từ 3.000-6.000 chỗ và bình quân số khán giả mùa qua chỉ ở mức 500 người/trận.

Sở dĩ người Myanmar không còn muốn tới sân xem đá bóng phần nào do chất lượng quá kém. MNL từng cố gắng giải quyết khi cho phép mỗi CLB tuyển 4 ngoại binh, bao gồm 1 cầu thủ châu Á. Thoạt đầu, làn sóng ngoại binh đổ xô đến Myanmar thật choáng ngợp, hứa hẹn nâng tầm cầu thủ bản xứ lên trình độ cao hơn. Nhưng theo thời gian, các tay môi giới lừa đảo “chào hàng” kém chất lượng khiến các CLB mất lòng tin, dẫn tới phản ứng tiêu cực là chọn ngoại binh giá rẻ nhằm giảm thiểu rủi ro, vì họ có dở thì số tiền đã mất cũng chẳng bao nhiêu. Khổ nỗi là từ đó, cụ thể từ năm 2010, chất lượng của bóng đá Myanmar giảm dần đều.

Nhưng ngay cả khi đã đến Myanmar, các ngoại binh chỉ cần có cơ hội là sẵn sàng bỏ đi ngay. Bởi lẽ, cơ sở vật chất ở đây thật quá tồi. Một HLV tiết lộ: “Nơi ở của cầu thủ nghèo nàn tới mức chẳng thể tệ hơn nữa. Thường là một căn phòng lớn không có cửa sổ, đèn hiu hắt, giường ngủ kiểu dã chiến và nếu may mắn thì được phát thêm màn chống muỗi. Phòng tắm thường dưới mấy gốc cây và được quây tường gạch tạm bợ. Cầu thủ chỉ tắm bằng nước lạnh, mà chẳng phải lúc nào cũng là nước sạch. Họ có điện để nghe đài hoặc dùng laptop, nhưng không có Wi-Fi. Nếu có tivi, nó chỉ đặt ở khu tiếp tân hoặc phòng chủ tịch”.

Với thực trạng bóng đá ảm đạm tới mức không nỡ nhìn như vậy, Myanmar đang phải xắn tay làm lại từ đầu như TTK LĐBĐ Myanmar (MFF) Tin Aung tiết lộ: “Chúng tôi bắt đầu tập trung xây dựng lại lực lượng từ các giải trẻ, tổ chức các giải U.12 khắp nước với mục tiêu bồi dưỡng đội ngũ có thể vượt qua vòng loại U.17 World Cup 2021”. Còn ở cấp ĐTQG? Sau khi AFC Challenge Cup bị khai tử, Myanmar đã không còn sân chơi vừa sức. Muốn có mặt ở Asian Cup 2019, họ cần phải vượt qua vòng loại với lộ trình ngắn nhất là dự vòng play-off. Nhưng do từ đây tới lúc ấy chỉ còn chưa đầy một năm chuẩn bị, MFF cần làm thế nào để thức tỉnh “Những thiên thần trắng”? Hay là như hiện nay, MFF tiếp tục giới hạn tầm nhìn ở SEA Games 29 - Kuala Lumpur 2017 và chấp nhận rằng thời vàng son của 40 năm trước chỉ còn là kỷ niệm đẹp mà thôi! 

Minh Châu

Fan page Thethao24h

Mã an ninh

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Vũ Quang Huy

Giấy phép số 91/GP-TTDT do bộ thông tin & truyền thông cấp ngày 09-05-2011

Địa chỉ tòa soạn: 65 Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Địa chỉ liên lạc: 79 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Điện thoại: (04) 32669666 - Fax: (04) 39429189

Email: baothethao24h@sport24h.com.vn

Powered by Netlink Tech