Novak Djokovic

Trước tay vợt thuận tay trái người Slovakia, Djokovic chỉ mất có 63 phút để thắng 6-2, 6-1 và có trận thắng thứ 13 liên tiếp tính từ US Open.

Giải Thượng Hải Masters: Djokovic giờ mới là “tàu tốc hành”Tuần trước Djokovic cũng lập nên một kỷ lục của riêng mình khi chỉ thua có 18 game trong 5 trận đấu tại China Open, số game thua ít nhất tại một giải đấu trong sự nghiệp. Và bây giờ Nole hoàn toàn có thể tiếp tục phá kỷ lục ấy nếu giữ được phong độ như vậy tại Thượng Hải Masters. Đáng chú ý là trong 2 lần vô địch tại giải Masters 1000 thứ 8 trong mùa giải vào năm 2012 và 2013, năm nào Djokovic cũng đăng quang tại China Open trước đó.

LY NA

Không có một cuộc báo thù nào của Rafael Nadal khi gặp Novak Djokovic ở trận chung kết China Open. Sự trở lại của Rafa tại giải đấu diễn ra ở Bắc Kinh là chưa đủ để cản bước tiến như vũ bão của Nole và chiến thắng cả 2 set cùng tỷ số áp đảo 6-2 là minh chứng rõ nhất về phong độ của cả hai ở thời điểm này. Sự thật Nadal chưa có đủ những gì tốt nhất để đối đấu với Djokovic bây giờ.

Với lần thứ 6 vô địch China Open, Djokovic đã có giải đấu thành công nhất trong sự nghiệp đến hiện tại. Nole đã vô địch Australian Open tới 5 lần nhưng chưa bao giờ đăng quang tại một giải đấu tới 6 lần. Đây có thể chỉ là một giải đấu thuộc cấp độ ATP 500 nhưng cũng đủ để Djokovic chứng tỏ số 1 thế giới xứng đáng như thế nào với Nole.

Lên đỉnh nhờ thầy lang Tàu

Người ta vẫn nói tới màn “lột xác” của Djokovic từ mùa giải 2011 để chen chân vào sự thống trị của Nadal và Federer, đó là nhờ chế độ ăn kiêng gluten của Nole. Nhưng không nhiều người nhớ rằng, Djokovic còn phải cậy nhờ đến những phương thuốc cổ truyền của người Trung Quốc để tăng sức mạnh của bản thân tới mức cực đại. Một bài thuốc cơ bản của thầy lang Tàu là ruột già cần phải hoạt động để loại bỏ độc tố khỏi cơ thể từ 5 đến 7 giờ sáng và để hỗ trợ quá trình này, Djokovic ngày nào cũng uống một cốc nước ấm ngay sau khi ngủ dậy.

Thể lực của Djokovic đang ở mức siêu việt đến nỗi, một tay vợt từng được xem có nền tảng sức khỏe mạnh mẽ như Nadal cũng phải đối mặt với chấn thương vì phải di chuyển liên tục. Trong trận chung kết China Open, Nadal chỉ đủ sức đôi công vài pha bóng cho đến đầu set 2, khi Djokovic chơi bài bóng bền và làm Rafa liên tục phải cứu bóng, tự khắc tay vợt người Tây Ban Nha chùn chân và cần phải cậy nhờ đến sự chăm sóc y tế.

Djokovic đang chơi thứ tennis khiến nhiều người ghét cay ghét đắng, giống như khi Nole bị khán giả tại US Open quay lưng trong trận chung kết với Federer. Nhưng không thể phủ nhận, thứ tennis kiên trì và kiên định ấy đang hủy hoại kỷ nguyên của cả Federer cũng như Nadal. Chưa biết bao giờ Djokovic mới dừng lại. Chỉ biết rằng vào lúc này, Nole gần như là số 1 tuyệt đối trong làng banh nỉ và là cái tên mà ai nấy đều ngán ngại khi bước vào bất kỳ giải đấu nào.

Tuần này sẽ là Thượng Hải Masters, liệu Djokovic lại lên đỉnh nhờ thầy lang Tàu?

Ly Na

Trận thắng 6-2, 6-2 trước Nadal giúp Djokovic rút ngắn cách biệt đối đầu với Rafa xuống còn 22 trận thắng, 23 trận thua. Nole tiếp tục thể hiện sự vượt trội trên mặt sân cứng trước Rafa với 15 trận thắng, 7 trận thua. Tay vợt số 1 thế giới cũng nâng chuỗi trận thắng tại China Open lên con số 29 trận kể từ năm 2012.

Đây sẽ là lần thứ 45 Djokovic và Nadal gặp nhau trong mọi giải đấu, nhiều hơn 3 trận so với những cuộc đối đầu của Djokovic và Roger Federer, và tiếp tục là cặp đấu diễn ra nhiều số 1 trong kỷ nguyên Mở. Có thể những cuộc thư hùng đỉnh cao như cách đây 4 năm chưa thể trở lại, nhưng ở bất cứ thời điểm nào, Djokovic gặp Nadal vẫn đem lại cảm xúc khó tả.

Nadal thư hùng “kẻ hủy diệt” Djokovic

“Tôi hạnh phúc khi đã có mặt ở chung kết, và tất nhiên gặp Djokovic là một điều tuyệt vời. Cậu ấy đang có phong độ rất tốt nhưng tôi sẽ nỗ lực để thể hiện thứ tennis hay nhất trong trận chung kết,” Nadal nói sau khi đánh bại tay vợt người Italia Fabio Fognini 7-5, 6-3 ở bán kết China Open.

Nadal không hề nói xã giao, vì Djokovic đang chơi thứ tennis “hủy diệt” và đã thắng tới 28 trận liên tiếp tại China Open trong vòng 4 năm qua. Mặt sân cứng ở Bắc Kinh như thể tiếp thêm sức mạnh cho Djokovic khi mà Nole còn chưa thua quá 5 game trong giải đấu năm nay. Và thực tế trận thắng 6-2, 6-3 trước David Ferrer ở bán kết mới là trận đầu tiên Djokovic để thua tới 3 game trong một trận đấu tại China Open 2015.

Nadal thì chưa gặp bất cứ một hạt giống nào trước khi có mặt ở chung kết China Open, giải đấu mà Rafa chính là tay vợt gần nhất vô địch vào năm 2011 trước khi Djokovic thống trị tại đây từ năm 2012. “Vua đất nện” không quá e ngại mặt sân cứng, nhưng gặp Djokovic ở thời điểm này là một thách thức rất lớn. Ngay đến mặt sân đất nện sở trường, Nadal cũng thua trắng tại Roland Garros mùa giải này chỉ sau 3 set. Và kể từ trận thua Djokovic ở chung kết China Open 2013, Nadal cũng thua thêm 5/6 trận và chỉ thắng được trận chung kết Roland Garros 2014.

Trận chung kết ở Bắc Kinh 2 năm trước có thể coi là bước ngoặt đáng kể trong những cuộc đối đầu giữa Djokovic và Nadal. Khi đó Nole đang bị dư chấn tâm lý sau thất bại trước Rafa tại chung kết US Open và cần tới một đòn bẩy để lấy lại tinh thần. Một cú điện thoại cho huyền thoại Boris Becker đã thay đổi nhiều điều. Djokovic lấy lại vị thế của tay vợt số 1 thế giới và gần như không thể cản nổi. Becker đã đem lại sức sống mới cho Djokovic và biến Nole trở thành một trong những “kẻ hủy diệt” mới trong làng banh nỉ.

Nadal thì vẫn bên cạnh những con người cũ trong ban huấn luyện đã đi theo Rafa từ khi còn nhỏ. Và lần đầu tiên trong sự nghiệp, chính ông chú Toni cũng phải nhắc tới chuyện cần thêm một HLV cho cậu cháu Rafa. Và biết đâu điều đó sẽ xảy ra ngay sau trận chung kết China Open 2015, nếu một lần nữa Nadal lại không thể đánh bại Djokovic?

LY NA

Djokovic và Nadal sẽ gặp nhau lần thứ 45 trong sự nghiệp, nhiều nhất trong kỷ nguyên Mở. Djokovic đã thắng 21 trận, còn Nadal thắng 23 trận. Hai tay vợt gặp nhau 13 lần tại các giải Grand Slam và Nadal thắng tới 9 trận. Nhưng tính trên sân cứng, Djokovic vượt trội với 14 trận thắng trong số 21 trận.

Chung kết China Open 2015 (trực tiếp trên Thể thao TV)
18h30: [1] N. Djokovic – [3] R.Nadal

Giải ATP 500 China Open đang diễn ra tại Bắc Kinh là một sự kiện đặc biệt với gia đình Djokovic, vì lần đầu tiên hai anh em trai Novak và Djordje đánh cặp cùng nhau tại một sự kiện thuộc hệ thống giải đấu ATP World Tour. Anh em nhà Djokovic cũng phải rất vất vả mới đánh bại được đôi vợt vô danh Mao-Xing Gong và Michael Venus 7-6(7-5), 6-7(6-8), [10-5]. Nhìn Novak và Djordje ăn mừng thì cứ như thể họ vừa giành chức vô địch. Nhưng cũng có thể coi là như vậy, vì Novak quyết định bớt chút thời gian và sức lực tham dự cả nội dung đôi nam chỉ để giúp cậu em trai đưa ra quyết định có theo nghiệp tennis hay không.

“Đôi đũa lệch” Djokovic trên sân đấu
Djordje Djokovic (thứ 2 từ trái sang) và Novak Djokovic (ngoài cùng bên phải).

“Các bạn biết đấy, em trai Marko của tôi đã quyết định từ bỏ tennis ở tuổi 24, còn Djordje vẫn đang phân vân về chuyện đó. Tôi rất vui vì chúng tôi có cơ hội thi đấu cùng nhau trước khi nó có sự lựa chọn của mình,” Djokovic nói.

Năm nay Djordje 20 tuổi nhưng vẫn đứng ở vị trí 1502 trên bảng xếp hạng ATP với vỏn vẹn 3 điểm, nghĩa là còn kém vị trí 1042 của tay vợt số 1 Việt Nam Lý Hoàng Nam tới 460 bậc. Dĩ nhiên Djordje có tất cả, từ điều kiện tập luyện cho những nhà tài trợ, nhưng mọi thứ đều “dựa hơi” từ người anh cả là số 1 thế giới.

Và cứ nhìn vào Marko Djokovic, con trai thứ hai của ông bà Srdjan và Dijana, có thể hiểu vì sao Djordje lại lưỡng lự có nên tiếp tục cầm vợt hay không. “Cái bóng” của Novak Djokovic quá lớn, nên có thể là con dao hai lưỡi với sự nghiệp của hai cậu em trai.

“Tôi biết những thành công của mình sẽ tạo ra áp lực và kỳ vọng cho hai em trai. Nhưng biết làm sao được, một tay vợt thành công cần phải vượt qua mọi khó khăn và các em của tôi nên tự chọn con đường của chúng,” Djokovic nói.

Tay vợt số 1 thế giới chia sẻ tất cả mọi thứ với các em, từ ban huấn luyện tới bạn tập, hay mảng miếng kỹ chiến thuật khi thi đấu. Không những vậy nhờ danh tiếng của Nole, ban tổ chức một số giải đấu mới trao suất đặc cách cho cả Marko và Djordje thi đấu. Nhưng tennis không đơn giản chỉ như vậy. Còn cần phải ý chí vượt qua những sức ép vô hình xung quanh.

Trong làng quần vợt không hiếm những cặp anh em “đôi đũa lệch” như vậy. Huyền thoại John McEnroe từng giành 7 Grand Slam đơn nam và 9 Grand Slam đôi nam có người em trai Patrick McEnroe cũng có khoảng thời gian chật vật núp dưới cái bóng vĩ đại của John. Nhận được 7 suất đặc cách nhờ anh trai đi “xin”, Patrick thua cả 7 trận ở vòng đầu tiên. Nhưng chí ít trong sự nghiệp, Patrick cuối cùng cũng có 1 Grand Slam đôi nam vào năm 1989 tại Roland Garros và còn 1 lần đăng quang ở nội dung đơn nam.

Và chắc chắn chẳng mấy ai hâm mộ tennis lại không biết anh em nhà Bryan là Mike và Bob. Đó là đôi vợt vĩ đại nhất trong lịch sử ở nội dung đôi nam. Nhưng có lẽ lịch sử cũng chỉ sản sinh ra một đôi vợt như thế.

Djordje Djokovic vì thế sẽ không dễ để chọn được con đường của mình trong tương lai.

LY NA

Djokovic mới lần đầu tiên đánh đôi cùng em trai út Djordje, nhưng đã 5 lần thi đấu cùng với Marko. Dù vậy Novak và Marko đều thua cả 5 trận đấu này.

Đây là lần hiếm hoi Nole và Rafa cùng trên một chuyên cơ đi dự giải đấu. Nhưng có lẽ nếu đối đầu ở trên sân, hai tay vợt sẽ khó có thể vui vẻ như những người bạn như thế này. Giải China Open là sự kiện mà Djokovic đã 5 lần vô địch, trong đó có 3 năm liên tiếp gần đây. Thậm chí Nole cũng đánh bại Rafa trong trận chung kết China Open 2013.

Djokovic và Nadal cùng bay tới Bắc KinhNadal từng vô địch China Open 2005 khi mới 19 tuổi nhưng không “có duyên” tại Trung Quốc như Djokovic. Tính đến thời điểm này Nole đã có 8 danh hiệu tại quốc gia này. Bên cạnh 5 chức vô địch China Open còn có 2 danh hiệu Thượng Hải Masters và 1 danh hiệu Masters Cup, tiền thân của ATP World Tour Finals hiện tại, vào năm 2008.

LY NA

Sau khi US Open khép lại, trên bảng xếp hạng ATP, Djokovic với 16.145 điểm đã hơn người xếp sau là Roger Federer tới 6.740 điểm, khoảng cách điểm còn quá cả 3 danh hiệu Grand Slam cộng lại. Cũng chẳng có gì ngạc nhiên, vì với 7 danh hiệu trong năm 2015, trong đó có 3 Grand Slam và 4 Masters 1000 sau 11 trận chung kết mọi giải đấu.

Cô đơn trên đỉnh

Nhưng dù là số 1, Djokovic vẫn chưa thể sánh bằng Federer về tên tuổi. Trận chung kết US Open, hầu như khán giả trên sân Arthur Ashe đều cổ vũ cho Federer và Djokovic gần như “đơn thương độc mã” trên sân đấu. “Tôi không giận khán giả. Tôi hiểu Federer là tay vợt vĩ đại và mọi người yêu mến anh ấy. Tôi không cảm thấy bất công về chuyện nhận được nhiều hay ít sự cổ vũ. Tôi chỉ biết chơi tennis và hy vọng một ngày nào đó sẽ nhận được tình yêu của mọi người giống như Federer,” Djokovic nói.

Đã 28 tuổi, Djokovic có năm thứ 4 trong sự nghiệp kết thúc mùa giải ở vị trí số 1 thế giới. Kể từ khi bảng xếp hạng ATP ra đời năm 1973, đã có 6 tay vợt có trên 4 năm giữ ngôi số 1 khi mùa giải kết thúc. Và kỷ lục 6 năm số 1 của Pete Sampras có thể sẽ được Djokovic san bằng nếu Nole giữ phong độ như hiện tại.

Djokovic lần đầu tiên giữ vị trí số 1 sau khi vô địch Wimbledon 2011 và đây sẽ là tuần thứ 164 Nole đứng ở vị trí này. Con số 170 tuần số 1 của huyền thoại John McEnroe chắc chắn sẽ được Djokovic vượt qua trong thời gian tới và cái đích tiếp theo sẽ là 268 tuần của huyền thoại Jimmy Connors. Không dễ để tay vợt nào ở thời điểm này có thể truất ngôi của Djokovic, nếu cứ nhìn vào hành trình của tay vợt người Serbia từ đầu năm 2015.

Mùa giải này thành tích của Djokovic trước Top 10 là 21 trận thắng – 4 trận thua và cả mùa là 63 trận thắng – 5 trận thua. Đó là những con số cho thấy đánh bại Nole khó như thế nào.

“Big 4” bây giờ dường như đang tan rã. Rafael Nadal đang sa sút trông thấy, Andy Murray chưa thể tái lập được phong độ đỉnh cao cách đây vài năm, còn Roger Federer chưa biết có thể duy trì thể trạng khi tuổi tác ngày càng cao. Liệu trong tương lai sẽ chỉ còn Djokovic cô đơn trên đỉnh?

Ly Na

Đây là mùa giải thứ 12 liên tiếp vị trí số 1 thế giới chỉ thuộc về 3 tay vợt Djokovic (2011-12, 2014-15), Federer (2004-07, 2009), Nadal (2008, 2010, 2013).

Djokovic là tay vợt thứ 4 trong lịch sử sau Lendl, Federer, Nadal giữ ngôi số 1, bị mất và đòi lại trên bảng xếp hạng ATP.

Ngay ở những game đầu tiên set 1, Djokovic đã trượt ngã và trầy xước cả chân tay. Đó là kết quả của pha bóng khó mà Federer dồn ép khiến Nole mất phương hướng. Nhưng có lẽ cú ngã đau ấy lại càng kích thích tinh thần của Djokovic thêm hưng phấn. Tay vợt số 1 thế giới chỉ để Federer tỏ ra trội hơn ở set 2, trước khi khép lại trận đấu kéo dài 3 giờ 20 phút thi đấu trong 4 set (6-4, 5-7, 6-4, 6-4).

Máu, mồ hôi và nụ hôn cháy bỏng

Giấc mơ giành Grand Slam thứ 18 của Federer một lần nữa bị dập tắt bởi Djokovic, giống như hai trận chung kết tại Wimbledon gần nhất. Federer có thể chơi thứ tennis tuyệt đỉnh để đánh bại Djokovic ở chung kết Cincinnati Masters và khiến Nole chưa thể thâu tóm “Golden Masters”. Nhưng đó là thi đấu theo thể thức 3 set thắng 2, còn 5 set thắng 3, Federer vẫn đang lép vế so với Djokovic. Trong 14 lần gặp nhau tại Grand Slam, Federer thua 8 trận và thắng 6 trận.

Federer không chơi tệ, nhưng Djokovic lại phòng thủ quá hay. Tay vợt người Thụy Sĩ chỉ tận dụng được 4/23 điểm break, tỷ lệ thành công có 17%, và điều đó đồng nghĩa với việc Djokovic phòng thủ tuyệt vời như thế nào. Đã rất lâu rồi Federer lại bỏ lỡ nhiều điểm break như vậy trong một trận đấu và Djokovic rõ ràng là đối thủ khó chịu nhất với Federer ở thời điểm này. Sự khác biệt có lẽ chỉ nằm ở tinh thần, khi mà Djokovic vẫn lạnh lùng cứu thua giống như hai lần cứu 2 match-point tại bán kết US Open 2010 và 2011 để ngược dòng đánh bại Federer.

Djokovic nói rằng đây là mùa giải xuất sắc nhất trong sự nghiệp, thậm chí còn hơn cả mùa giải 2011, cũng không phải là quá lời. Mùa giải này Djokovic đi tới chung kết cả 4 giải Grand Slam và trong kỷ nguyên Mở cũng chỉ có 2 tay vợt khác làm được điều tương tự là huyền thoại Rod Laver và chính Federer. Một chút nuối tiếc với thất bại trước Stan Wawrinka tại Roland Garros nhưng không làm giảm bớt đi những chiến tích của Nole. Đó là chưa kể tới việc Djokovic cũng đi tới chung kết cả 6 giải Masters 1000 Nole tham dự và vô địch tới 4 giải đấu.

Năm 2015 của Djokovic có nét gì đó giống với năm 2006 đỉnh cao của Federer, khi FedEx cũng tới chung kết cả 4 giải Grand Slam và chỉ bỏ lỡ Roland Garros. Năm ấy Federer cũng đi tới 6 trận chung kết Masters 1000 và 4 lần đăng quang. Nhưng năm nay phía trước Djokovic còn tới 2 giải Masters ở Thượng Hải và Paris cũng như ATP World Tour Finals để tạo nên mùa giải lịch sử.

Sau kỷ nguyên của Federer và Nadal, có lẽ bây giờ thực sự là thời của Djokovic!

Ly Na

Với danh hiệu US Open 2015, Djokovic lần thứ hai giành tới 3 Grand Slam trong mùa giải giống như năm 2011. Trong kỷ nguyên Mở chỉ có đúng 2 tay vợt có từ 2 lần làm được điều tương tự là Federer (2004, 2006, 2007) và bây giờ là Djokovic.  

Chiến thắng tại US Open giúp Djokovic cân bằng thành tích đối đầu với Federer khi mỗi tay vợt có 21 trận thắng sau 42 lần đối đầu. Federer nhỉnh hơn ở sân cứng, nhưng Djokovic lại trội hơn ở sân cỏ.

Chiến thắng chung cuộc trước Roger Federer với tỷ số 3-1 (6-4, 5-7, 6-4 và 6-4), Novak Djokovic cho thấy anh vẫn đang là ông Vua của làng quần vợt nam thế giới – đây là danh hiệu Grand Slam thứ 3 trong năm 2015 của Djokovic.

Nole
Djokovic vẫn là Vua.

Trận chung kết của giải đã không thể diễn ra như dự định vì cơn mưa lớn bất ngờ ập xuống. Tuy nhiên, các khán giả đã phí công chờ đợi một trong những cuộc thư hùng kinh điển nhất của quần vợt đương đại. Federer bước vào trận đấu này với quyết tâm cao độ nhằm phục thù trận thua trước đối thủ tại trận chung kết Wimbledon hồi đầu tháng 7. Kể từ sau chung kết tại All England Club, Federer đã giành chiến thắng 28 set liên tiếp.

Ở tuổi 34, anh cũng là tay vợt lớn tuổi nhất lọt vào trận chung kết nội dung đơn nam của Mỹ mở rộng 45 năm trở lại đây. Federer vẫn chứng minh cho tất cả thấy đẳng cấp và kinh nghiệm của huyền thoại vĩ đại nhất trong lịch sử quần vợt – nhưng cuối cùng vẫn phải gục ngã trước Djokovic. Trận thắng này cũng giúp Djokovic cân bằng thành tích đối đầu với Federer, sau 42 lần gặp nhau mỗi người đã có được 21 chiến thắng.

Federer_Djokovic
Federer rất tốt nhưng Nole rất tiếc.

Trong 6 năm qua, Federer chỉ có 1 chức vô địch Grand Slam trong khi con số này của Djokovic đã là 9. Đây là chức vô địch Grand Slam lần thứ 10 trong sự nghiệp của tay vợt 28 tuổi người Serbia, giúp anh cân bằng thành tích của Bill Tilden trong danh sách những tay vợt giành nhiều chức vô địch Grand Slam nhất trong lịch sử. Giành thêm 1 chức vô địch nữa, Nole sẽ sánh ngang với 2 huyền thoại Rod Laver và Bjorn Borg. Roger Federer vẫn đang là người giành được nhiều Grand Slam nhất với 17 lần, tiếp theo là Rafael Nadal và Pete Sampras (cùng 14) và Roy Emerson (12).

BÁT VÂN

 

 

Vào thời điểm Novak Djokovic bắt đầu những bước tiến thành công đầu tiên trong sự nghiệp, anh đã đi tới chung kết US Open 2007 khi mới 20 tuổi. Chàng trai đến từ Serbia, ở trận chung kết Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp đã phải đụng độ với một Roger Federer đang trên đỉnh cao ở tuổi 26. Không có gì ngạc nhiên khi Federer kết thúc trận đấu sau 3 set để giành Grand Slam thứ 12 trong sự nghiệp.

Djokovic và Federer luận anh hùng

Một năm sau cũng tại US Open 2008, Federer vẫn thắng Djokovic nhưng mọi thứ đã khó khăn hơn. Trận đấu ở bán kết kéo dài 4 set. Djokovic lúc đó đã bước chân vào hàng ngũ của những tay vợt từng giành Grand Slam, với danh hiệu Australian Open 2008. Và một năm nữa, Federer tiếp tục vượt qua Djokovic sau 3 set đấu không thể thuyết phục hơn.

Nhưng thời thế đã đổi thay, năm 2010 và 2011, cũng là hai trận bán kết US Open, Djokovic khiến Federer trải qua hai khoảnh khắc tồi tệ khi Nole cứu tới 2 match-point để lật ngược tình thế, thắng lại trong 5 set đấu. Năm 2010 không tệ bằng năm 2011, khi Federer đã thắng trước tới 2 set và tới set 5 còn dẫn trước tới 5-2, vậy mà lại là kẻ thất bại. Từ đó người ta gọi Djokovic là ông vua của những thời điểm “thập tử nhất sinh”.

Bây giờ Federer và Djokovic sẽ lần thứ 6 gặp nhau tại US Open để tìm ra nhà vô địch. Federer đi tới chung kết mà không thua một set đấu nào và thi đấu “với thứ tennis có thể hạ gục Djokovic”, như lời của Stan Wawrinka, người đã thua tâm phục khẩu phục Federer ở bán kết. Wawrinka không hề nói quá, vì Federer thể hiện phong độ như thể đang trong giai đoạn thống trị làng banh nỉ, khi chỉ mất có 2 game giao bóng trong trận đấu với Philipp Kohlschreiber ở vòng 3. Còn lại 5 tay vợt khác đều không thể một lần bẻ giao bóng của Federer.

Cũng chính phong độ ấy của Federer đã đánh bại Djokovic ở chung kết Cincinnati Masters trước thềm US Open. Và có lẽ thử thách lớn nhất với Federer chỉ là phải tái hiện màn trình diễn ấy thêm một set đấu nữa thì mới đánh bại Djokovic tại US Open.

Nhưng rõ ràng Djokovic là đối thủ xứng tầm nhất để ngăn cản Federer giành Grand Slam thứ 18 trong sự nghiệp. Hai lần gần nhất chạm trán tại các giải Grand Slam và đều là các trận chung kết, Djokovic đã đánh bại Federer tại Wimbledon sau khi kéo Federer tới những trận đấu kéo dài 4 hay 5 set.

Mặt sân ở Wimbledon sở trường của Federer mà Djokovic còn chế ngự được đối thủ. Vậy nên tại US Open, Nole cũng không bao giờ e ngại FedEx!

Ly Na

Chung kết đơn namUS Open 2015

2h30, 14/9
[1] Novak Djokovic – [2] Roger Federer  

Djokovic và Federer đã gặp nhau tổng cộng 41 lần, Federer thắng 21 trận, Djokovic thắng 20 trận. Trên sân cứng, Federer dẫn trước 16-4, trên sân cỏ Djokovic dẫn trước 2-1, còn trên sân đất nện cả hai cân bằng 4-4. Tại các giải Grand Slam, Djokovic dẫn trước 7-6. Ở chung kết Grand Slam, Nole cũng dẫn trước 2-1.
   
Có 3 trận đấu kéo dài 5 set giữa Djokovic và Federer thì Nole toàn thắng và nếu như thua set 1 trước thì trong 8 trận đấu, Djokovic lật ngược tình thế để giành chiến thắng tới 7 trận.