Phan Đăng

Quan niệm truyền thống trước đây cho rằng một đội bóng có bản sắc phải là đội bóng có nhiều cầu thủ lớn lên, trưởng thành hoặc ít nhất là được đào tạo ở địa phương “đẻ” ra đội bóng ấy. Nhìn nhận như vậy sẽ thấy SLNA với gần như 100% cầu thủ sinh ra và được đào tạo tại Nghệ An qua nhiều mùa giải nay chính là đội bóng có giá trị bản sắc số 1 Việt Nam lúc này. Ngược lại, ĐKVĐ V.League Bình Dương với một và chỉ một cầu thủ người địa phương (tiền đạo Anh Đức) là đội kém bản sắc nhất. HN.T&T có khá hơn chút vì HN.T&T có một chùm những cầu thủ Hà Nội gốc như Ngọc Duy, Quốc Long và những cầu thủ “Hà Nội mở rộng”, nghĩa là những người thuộc Hà Tây cũ như Thành Lương, Văn Quyết… Thật ra, việc nhìn vào gốc gác các cầu thủ chỉ giúp chúng ta khái quát được tính địa phương chứ không hẳn là giá trị bản sắc của một đội bóng.

Nhà báo Phan Đăng: Bản sắc là cái quái gì?Với những nền bóng đá nghiệp dư thì quả đúng là tính địa phương có ý nghĩa quan trọng hình thành nên giá trị bản sắc, vì những cầu thủ thuộc cùng một vùng khí hậu, vùng văn hoá, vùng tính cách rất dễ tìm được tiếng nói chung. Và từ ấy, một đội bóng dễ xác lập cho mình một cấu trúc, một phương pháp chơi bóng riêng biệt. Nhưng khi bóng đá nghiệp dư chuyển mình sang bóng đá chuyên nghiệp – nơi mà các cầu thủ có thể di chuyển tới 2-3 đội bóng khác nhau sau 2-3 mùa giải thì việc yêu cầu một đội bóng phải quy tụ được một lực lượng cầu thủ địa phương đủ lớn trong một khoảng thời gian đủ dài là một đòi hỏi khó khăn. Lúc này, giá trị bản sắc cần được hiểu theo nghĩa: Một đội bóng xác lập cho mình một tính cách ổn định, từ đó lựa chọn các cầu thủ phù hợp với tính cách ấy, bất chấp việc họ đến từ những địa phương, vùng miền khác nhau.

Nhìn nhận theo cách này thì HN.T&T chính là một đội bóng có bản sắc, và cái bản sắc ấy thậm chí không thua kém gì, nếu không muốn nói là còn trội hơn so với bản sắc Sông Lam (dựa trên thành tích và thể hiện trong khoảng 5 năm trở lại đây). HN.T&T trung thành với HLV Phan Thanh Hùng, trung thành với triết lý 4-2-3-1 mang tính cống hiến, áp đặt trong suốt 5 năm qua và cách HN.T&T nhặt người, chọn ngoại binh cũng cho thấy rất rõ tư tưởng phục vụ cho một lối chơi, một tính cách ổn định.

Với B.Bình Dương, sự ổn định là khả năng… vung tiền, thậm chí là rất nhiều tiền sau từng mùa giải. Và những đồng tiền của họ cũng hướng đến một tư tưởng nhất quán: Lấy tiền mua ngôi sao. Nhờ vậy, B.Bình Dương tạo được một khoảng cách nhất định so với phần còn lại, lớn đến mức mỗi khi thua trận thì cả làng bóng đều tin là họ “tự thua” nhiều hơn là việc đối thủ đủ sức giành chiến thắng.

Một vấn đề gây tranh cãi đặt ra là: Sự ổn định trong việc vung tiền gom sao, liệu có phải là cách tạo ra bản sắc hay không? Có lẽ câu trả lời còn tuỳ thuộc vào việc sự ổn định kiểu này sẽ kéo dài bao lâu? 5 năm, 10 năm hay 20 năm? Và khi sự ổn định kiểu này mất đi, địa phương này có trở thành một vùng chết trên bản đồ bóng đá nước nhà hay không? Chỉ có thời gian mới đem lại câu trả lời chính xác.

Nhưng từ những vấn đề trên đây, có thể kết luận một cách tương đối rằng: Không nên đồng nhất giá trị địa phương với giá trị bản sắc. Và cũng không nên vội khẳng định những đội bóng có thói quen vung tiền vô tội vạ, nói cách khác là giữ được sự ổn định về chiến lược vung tiền, qua từng mùa giải là những đội không có bản sắc.

Vấn đề là bản sắc nào thì tạo nên những hy vọng bền vững, còn bản sắc nào thì không?

PHAN ĐĂNG

17h00 (26/9), B.Bình Dương – Hà Nội.T&T: Thắng làm Vua

Không khó đoán ra logic vấn đề: CK AFF Cup 2 năm trước đó, nhờ cú đánh đầu vào lưới Thái Lan của Vinh mà ĐTVN lên đỉnh ĐNÁ, và nhờ cái đỉnh vàng chói lọi ấy mà toàn bộ ê-kíp VFF đã dễ dàng, nhẹ nhõm ngồi lại thêm một nhiệm kỳ. Đấy là logic của Công Vinh và ai cũng thấy nó là một logic không chuyên nghiệp. Bởi đúng là nhờ cú đánh đầu mới có ngôi vô địch và nhờ ngôi vô địch, các quan chức mới an toàn ngồi ghế nhưng thực ra một xã hội bóng đá chuyên nghiệp luôn có sự phân chia rành rọt và chuyên nghiệp công việc của từng đối tượng.

Công việc của quan chức là điều hành, công việc của cầu thủ là thi đấu, tùy theo từng hoàn cảnh mà mỗi mảng việc này có sự liên hệ tương tác hoặc loại trừ nhau nhưng bất luận trong hoàn cảnh nào thì việc một ai đó đặt mảng việc của mình lên trên những mảng việc còn lại, rồi từ đó nghĩ ngợi, kêu ca, phàn nàn về chuyện bạc bẽo này nọ cũng là thiển cận. Và một ai đó, vì một lý do nào đó, lại tạo điều kiện cho một đối tượng nào đó nghĩ rằng mảng việc của họ là quan trọng, thiết yếu, thậm chí không thể thay thế chắc chắn cũng sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

V.League năm 2010, sau khi quỳ lạy trọng tài Vũ Bảo Linh trên sân Cao Lãnh và bị VFF xử phạt, Lê Công Vinh bực bội nói một câu: “VFF xử bạc với tôi”. Và trong đỉnh điểm của bực bội, Công Vinh thậm chí còn đề cập tới khả năng “sẵn sàng...giải nghệ”. Có người hỏi: Bạc là bạc thế nào?Thế mà, Ban Kỷ luật VFF nói riêng và bộ máy điều hành VFF nói chung có vẻ lại đang tạo điều kiện cho Quế Ngọc Hải nghĩ theo hướng ấy. Ai cũng biết, Hải phạm lỗi thô bạo với cầu thủ Đà Nẵng, VFF đã treo giò 6 tháng, thực chất là không bị treo tháng nào cả, khi V.League 2016 khởi tranh dự kiến vào tháng 3. Và cả làng cả nước, trong đó có Hải dù không muốn cũng phải nghĩ theo hướng: Có phải VFF muốn giữ Hải trong màu áo ĐTQG đá 2 trận quan trọng với Iraq và Thái Lan vào tháng 10 rồi U.23 ở VCK U.23 châu Á vào đầu năm tới? Và nếu đã nghĩ theo hướng này (chỉ là nếu thôi), có lẽ Quế Ngọc Hải và những người cùng hội cùng thuyền với Quế Ngọc Hải rất dễ rơi vào trường hợp ảo tưởng sức mạnh cá nhân.

Thế thì cái gọi là “ăn năn hối cải” sau một pha phạm lỗi tàn bạo mà Quế Ngọc Hải từng nói đến, và chúng ta từng tin tưởng liệu có thể diễn ra một cách thực sự và hiệu quả hay không? Cái gọi là “sẽ rút ra bài học” mà thầy trò SLNA nói đến liệu có trở thành một bài học thiết thực và tử tế hay không?

Nhìn cái cách Quế Ngọc Hải và lãnh đạo SLNA tới thăm hỏi nạn nhân Anh Khoa, chúng ta đã bước đầu tin tưởng vào sự thay đổi trong tư tưởng huấn luyện và chơi bóng của một đội bóng từng tạo ra nhiều cú song phi triệt chân đối thủ, khiến nhiều người phải rùng mình. Nhưng nhìn cái cách VFF vừa xử án “giữ” cho người bị xử án không mất đường lên Tuyển và “giữ” cho một đội tuyển không mất đi sức mạnh chuyên môn thì chúng ta lại buộc phải nghi ngờ vào chính cái niềm tin vừa được mình mon men xác lập.

Bây giờ thì tôi hình dung ra cảnh Quế Ngọc Hải sẽ lên ĐTVN và sẽ bất ngờ trở thành người hùng ở những trận đấu và những giải đấu then chốt tới đây. Trên tư thế người hùng đó, Quế Ngọc Hải sẽ có đơn xin giảm án.

Lúc ấy, nếu VFF không giảm án thì cũng giống như Công Vinh ngày nào, Quế Ngọc Hải sẽ lại nói câu: “VFF xử bạc với tôi”?

Có lẽ nào không nhỉ?

PHAN ĐĂNG

Nhìn từ án phạt của Quế Ngọc Hải: Đến VFF cũng… “chạy án”

Đã đành HLV Nguyễn Quốc Tuấn sử dụng một chính sách nhân sự, chiến thuật thi đấu mới nhưng cả thầy Tuấn lẫn thầy Giôm đều hiểu cái mới ấy vẫn không giúp họ mạnh hơn so với những kẻ sừng sỏ như SLNA hay HN.T&T, mà bằng chứng là ở 45 phút của cả 2 trận đấu này HA.GL đều lép vế, đều thua bàn dễ. Thế mà, cuối cùng HA.GL lại lật ngược ván cờ một cách không tưởng. Cái ván cờ mà người xem bình thường, chứ không cần tinh ý gì cũng thấy bốc lên cái mùi là lạ và nói như TGĐ Nguyễn Hồng Thanh thì: “Cầu thủ đội tôi thua vì có tính thương người” (?)

Nhà báo Phan Đăng: “Chữ trinh kia cũng...”Nhưng là một ông thầy gốc Pháp, mới chỉ có vài năm làm việc với bóng đá trẻ Việt Nam và chưa đầy 1 năm cầm quân V.League, chắc chắn Giôm không thể hiểu hết ý nghĩa và những gai góc sâu xa của 2 tiếng “thương người”. Vậy thì Giôm sẽ hỏi, truy vấn để hiểu cho bằng được? Nhưng hỏi ai? Bầu Đức, tác giả của cái mệnh đề “Bấp chấp xuống hạng cũng không thay tướng” ư? Ông Trưởng đoàn từng tranh luận dữ dội trên sân Cao Lãnh trước khi thầy Giôm bị cho nghỉ ư? Hay ông cựu Trợ lý HLV, người vừa thay mình ngồi lên ghế nóng? Không dễ gì để thầy Giôm hỏi và nghe được những câu trả lời lột tả đúng bản chất bóng đá xứ này, của một V.League buổi chợ chiều hỗn loạn này.

Đối tượng khả dĩ nhất mà thầy Giôm có thể đối thoại chính là những trò ruột như Công Phượng, Văn Toàn,Xuân Trường, Tuấn Anh… Nhưng đứng trước những câu hỏi khó, có lẽ chính những cầu thủ trẻ này cũng không sao trả lời cho chính xác. Bởi có lẽ chính các em cũng không thể hiểu nổi vì sao cầu thủ SLNA, HN.T&T từng “đè” HA.GL ra đá, và đá cho tơi bời khói lửa lại chơi như thể tự thua. Một khi không thể giải thích thoả đáng ở góc độ chuyên môn, chắc chắn các em cũng không thể để ngoài tai những lý giải của báo giới, dư luận và của chính những HLV lão làng như HLV Trần Bình Sự.

Chỉ cách đây ít lâu, những Phượng, Toàn, Trường… còn được coi là điển hình của sự sạch sẽ, và may mắn được sống trong một đội bóng tôn vinh sự sạch sẽ. Chỉ cách đây ít lâu các em vẫn được nhìn nhận như một thứ “của hiếm” của cái làng bóng đá đầy rẫy những vấn nạn này. Thế nên bây giờ, phải nghe những bình phẩm trên đây, phải sống trong những trận đấu mà chính mình cũng không dễ gì hiểu được, liệu tâm hồn trong trẻo của các em có phôi pha, tha hoá gì không?

Nhìn từ một góc độ nào đó thì thầy Giôm kể ra rất sướng, vì bị cách chức trước khi HA.GL liên tiếp có được 3 trận thắng cũng có nghĩa ông thầy này đứng ngoài mọi nghi hoặc, và tiếp tục giữ được thanh danh, hình ảnh của mình. Nhưng những cậu học trò ruột của thầy Giôm thì không thể đứng ngoài. Những cậu học trò ấy, dù muốn hay không muốn cũng đang rơi vào một cuộc chơi, và sẽ “lớn lên” từ chính cuộc chơi này.

BĐVN vẫn còn một “Giôm” trinh trắng, nhưng những sản phẩm mà “Giôm” tạo ra, theo dòng chảy của thời thế thì tất yếu không thể trinh trắng nữa?

Trong tư cách của người yêu bóng đá và yêu mọi mầm non sạch sẽ trong cuộc đời này, chẳng nhẽ chúng ta lại phải tự an ủi mình bằng cái suy nghĩ: “Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường…”?

PHAN ĐĂNG

Phía sau sự hồi sinh của HA.GL: Giải cứu

Phần 1

Phần 2

Trận đấu mà khi tỷ số đang là 1-1, và Nsi ngã trong vòng cấm, ông trọng tài người Malaysia chỉ tay vào chấm 11m thì ở ngoài đường piste, thuyền trưởng Trần Bình Sự đã giương cao cánh tay ăn mừng. Ông Sự tin vào một bàn thắng quyết định, đem lại chiến thắng quyết định cho đội nhà. Thế nên sau đó, khi cú sút mạnh như búa bổ của Hải Anh tông xà ngang ra ngoài thì ông Sự ôm đầu đau khổ. Và nghiệt là chỉ 3 phút sau khi bỏ lỡ quả 11m thì Đồng Nai chết từ chấm đá phạt của đối phương.

Phải nói, trận đấu này không quá hấp dẫn về chuyên môn nhưng hấp dẫn ở từng diễn biến với từng hỷ nộ ái ố không ngừng luân chuyển qua mỗi phía.

Chỉ có trận Đồng Nai - HA.GL mới xứng đáng là "chung kết"
Chỉ có trận Đồng Nai – HA.GL mới xứng đáng là “chung kết”

Ngược lại, trận chung kết xuôi B.Bình Dương – FLC Thanh Hoá lại diễn ra một chiều. Cái chiều mà chỉ cần một mình Abass ngúng nguẩy là hàng phòng ngự đội khách tan nát, và nói khách quan, thua 5 bàn vẫn là may cho FLC Thanh Hoá. Ai cũng biết, kể từ ngày gắn vào tên mình cái thương hiệu FLC, đội bóng xứ Thanh giàu có hơn, được… truyền hình trực tiếp nhiều hơn và được sự ủng hộ từ nhiều người, nhiều giới hơn. Nhưng bất luận việc người ta cố khen, cố ngợi ca như là “khen lấy được” thì FLC Thanh Hoá chiều qua vẫn cho thấy họ còn lâu họ mới đủ đẳng cấp để đá sòng phẳng với nhà ĐKVĐ V.League.

Nhưng trong một buổi chiều mà cả làng hút cả vào hai trận chung kết thì cái thua tan nát 0-5 của Hải Phòng trên sân Tam Kỳ mới thực sự đáng nói. Họ thua đơn giản vì không còn nhiều động lực thi đấu hay còn vì lý do nào khác? Phải hỏi thế là bởi mùa giải năm ngoái, khi Đồng Nai đã chắc suất trụ hạng thì cầu thủ Đồng Nai đã móc nối với một nhóm “cờ bạc chuyên nghiệp” để vừa đá vừa làm kèo trong các chuyến làm khách ở Thanh Hoá và Quảng Ninh. Đấy đều là 2 trận đấu mà Đồng Nai thua rất đậm, và hài hước ở chỗ HLV trưởng Đồng Nai Trần Bình Sự từng khen đội trưởng Đồng Nai đá rất nỗ lực trong trận đấu với T.Quảng Ninh nhưng sau đó, khi cơ quan điều tra vào cuộc thì mới té ngửa đấy chính là người cầm đầu nhóm… cầu thủ đen.

Rõ ràng, chuyện trắng đen ở một trận đấu đôi khi rất khó lường, vượt ngoài khả năng nhận biết của ngay cả những nhà chuyên môn lão luyện.

Và rõ ràng, khi cả làng đổ dồn sự quan tâm chú ý vào 2 trận “chung kết” thì trận đấu trên sân Tam Kỳ với cái thua rát mặt của bóng đá Hải Phòng là rất lạ. Nếu cố giải thích cái lạ ấy ở góc độ cảm hứng, động lực thi đấu đơn thuần của những cầu thủ không còn mục tiêu phấn đấu cũng được, mà nếu đặt ra những dấu hỏi nằm ngoài vấn đề này cũng không hề quá đáng. Hay là phải thua như thế để trong lễ tổng kết mùa giải sau này, nếu bị hạnh họe về trận thua khét lẹt trên sân Cần Thơ ở vòng 18, những người làm bóng đá Hải Phòng có thể phản bác đầy logic: “Đấy, đá với QNK.Quảng Nam chúng tôi còn thua 5 bàn thì thua XSKT. Cần Thơ 3 bàn có vấn đề gì đâu”?

Hôm qua, V.League chứng kiến 2 trận “chung kết” với 2 trạng thái khác nhau nhưng hôm qua, có vẻ như vấn đề của V.League lại nằm ngoài “chung kết” ?

PHAN ĐĂNG

Dĩ nhiên không phải từ khi các cựu danh thủ Nhật kính tặng các cựu danh thủ Việt Nam một chiếc giày nhỏ với hàm ý bóng đá Nhật chỉ là giày nhỏ so với BĐVN một thời, mà từ khi nhiệm kỳ VII VFF xong xuôi nhân sự và ông chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng xác định hợp tác chiến lược cùng người Nhật. Liên tục những chuyến xuất ngoại của các quan chức bóng đá và Tổng cục TDTT sang Nhật, trong đó có cả những chuyến xuất ngoại mà người “xuất” lại là người của vụ tổ chức cán bộ, khiến dư luận không thể bán tín bán nghi.

Cùng với những chuyến Đông du, BĐVN đồng thời chào đón những nhân tố Nhật qua giúp đỡ, hỗ trợ mà người tiên phong lĩnh ấn chính là cố chuyên gia Tanabe. Ở vị trí cố vấn đặc biệt cho TGĐ VPF Võ Quốc Thắng, ông Tanabe đã không ngại chỉ ra những điểm chết trong kết cấu các CLB Việt Nam, khi sự sống còn của mỗi CLB lại phụ thuộc vào túi tiền và cảm hứng của một ông bầu. Sau đó, cựu trưởng BTC V.League Tanaka Koji lại chỉ ra một điểm chết khác về sức bền, sức chạy của cầu thủ V.League qua con số “mỗi trận, mỗi người chỉ chạy bình quân 5,6 km”, trong khi với cầu thủ châu Á, chỉ số này lên tới 10 km.

Nhà báo Phan Đăng: Giá trị Nhật
Liệu có nên “bê” nguyên mô hình của người Nhật vào bóng đá Việt Nam?

Trong khi những chuyên gia, những nhà quản lý như các ông  Tanabe, Koji chỉ giống cơn gió thoáng qua, chợt đến, chợt đi trong lặng lẽ thì sự hiện diện của các HLV Toshiya Miura (ĐTQG nam) và Norimatsu Takashi (ĐTQG nữ) vẫn còn cho đến tận bây giờ. Tuy nhiên không khó thấy rằng sau một chút hào hứng ban đầu, cả ông Miura lẫn ông Takashi đều khiến không ít người đặt dấu hỏi vì phong cách, quan điểm huấn luyện có phần khô khan máy móc.

Từ chuyên gia Nhật, HLV Nhật cho đến trọng tài Nhật, phải thừa nhận giá trị Nhật đã khiến BĐVN bị đánh động khá nhiều. Nhưng từ chỗ “bị đánh động” đến chỗ thực sự chạm tới động lực của sự phát triển thì “những cánh én Nhật” lẻ loi (trong đó có những cánh én không thật sự như chúng ta mơ ước lúc đầu) không dễ gì làm được. Điều này một phần có thể nằm ở chất lượng của từng cánh én nhưng phần nhiều nằm ở cái nền tảng và cái hệ thống có phần trì trệ, lạc hậu của BĐVN. Chẳng thế mà khi mới đến Việt Nam, ông Miura đã sửng sốt với việc khá nhiều nhân viên VFF uống bia trong giờ nghỉ trưa, và bắt đầu giờ làm buổi chiều khá trễ…

Ở đây cũng phải kể thêm một chi tiết tham khảo rằng trong khi chúng ta vẫn đang cố bám vào giá trị Nhật như bám vào cái cứu cánh duy nhất, ít ra là trong tư tưởng của những quan chức chóp bu VFF, thì chính người Nhật và ĐTQG Nhật lại đang diễn ra một cơn khủng hoảng niềm tin. ĐT Nhật mới đây đã đứng hạng bét ở giải bóng đá Tứ hùng Đông Á khi thua CHDCND Triêu Tiên 1-2, rồi lần lượt hoà Hàn Quốc và Trung Quốc. Kết quả ấy khiến HLV Vahid Halihodzic lên “đoạn đầu đài” và nhiều khả năng phải ra đi không kèn không trống. Trước đó, HLV Aguirre bị buộc phải từ chức vì bị tố cáo dính líu đến nạn dàn xếp tỷ số khi còn hành nghề ở giải VĐQG Tây Ban Nha.

Ai đó sẽ bảo người Nhật cẩn thận, chi li là thế mà vẫn không tránh khỏi việc chọn nhầm thì chuyện chúng ta chọn nhầm chiến lược (giả dụ thế) cũng chẳng có gì to tát? Nhưng thực ra vấn đề không đơn thuần ở chuyện ta chọn lựa gì, tìm kiếm cứu cánh gì mà còn nằm ở chỗ sau từng giai đoạn của sự lựa chọn, ta có tổng kết, rút kinh nghiệm từ đó chỉnh sửa, thay đổi chính sách cho phù hợp với thực tiễn của mình hay không?

Chọn lựa một giá trị không có nghĩa là cứ ngồi im, nhắm nghiền mắt lại để cái thứ giá trị ấy liên tục dắt tay chỉ việc cho mình.

PHAN ĐĂNG

Đầu tiên là Bùi Tiến Dũng, cầu thủ U.19 của Viettel được cho HA.GL mượn ở GĐ2 V.League. Mà Viettel là gì nhỉ? Mỗi người có một câu trả lời khác nhau nhưng nhiều sẽ trả lời thế này: Viettel là cái còn sót lại – cái nuôi dưỡng khát vọng phục hồi Thể Công! Vâng, Tiến Dũng là người của Viettel, hậu duệ của Thể Công, là đàn em xa lắc của những Cường “ổi”, Sơn “công chúa”… lừng lẫy một thời. Đấy là cái thời cuối Weigang, đầu Riedl – cái thời mà quân Thể Công luôn được chọn làm nòng cốt ĐTQG, cái thời mà kiểu “bóng đá nhà binh” luôn tạo cảm xúc đặc biệt trong lòng NHM.

Bây giờ, khi hay tin Bùi Tiến Dũng được lần đầu tiên gọi vào ĐTQG, cái phần còn sót lại của Thể Công chợt góp mặt trong thành phần đội tuyển – mà chắc hẳn chỉ góp mặt một cách lặng lẽ và thứ yếu, không hiểu Mạnh Cường, Hồng Sơn… có chạnh lòng nghĩ ngợi gì không? Rồi ngay cả những người đang lèo lái ngôi nhà bóng đá Viettel nữa, những người mà nghe đâu từng có mong muốn khôi phục lại cái tên Thể Công hào hùng, rồi sẽ nghĩ gì? Tiến Dũng lên Tuyển – một cách ngẫu nhiên và vô tình lại nhắc nhở chúng ta về một thời đã qua, một giá trị đã qua.

Nhà báo Phan Đăng: " Có 2 người lên Tuyển..."
Nhà báo Phan Đăng

Lần này, cũng lần đầu còn có Công Phượng. Nhưng khác với Tiến Dũng, Phượng lại thuộc về một thế giới khác, điển hình cho một giá trị khác. Phượng lớn lên với công nghệ đào tạo HA.GL Arsenal JMG. Phượng và những đồng đội của Phượng như Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều, Hồng Duy… đã làm nức lòng NHM cả nước trong màu áo U.19 VN. Và nói như ông Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng thì những cầu thủ mới mẻ, tài năng, giàu triển vọng này thậm chí phải cố gắng giúp BĐVN tham dự… VCK World Cup 2018. Thôi thì một phút ngẫu hứng, ông chủ VFF cũng có đôi chút quá lời nhưng rõ ràng cái hy vọng, thậm chí là kỳ vọng vào thế hệ này là có thật.

Nhưng làm gì để biến kỳ vọng thành sự thật? Nhìn cái cảnh Phượng liên tục thay đổi kiểu tóc nhưng chưa thể thay đổi tư duy chơi bóng, nhìn cái cảnh Phượng và những cậu bé đồng trang lứa với mình bị thả “vào đời” quá sớm, và quan trọng là ở giữa trường đời V.League, họ không có những người anh bên cạnh đỡ đần, chắc chắn nhiều người trong số chúng ta không tránh khỏi cảm giác xót xa. Liệu có vì những trận hoà và thua liên tiếp ở V.League mà Phượng sẽ rơi vào cảnh chán bóng và ngán bóng hay không? Liệu có vì HA.GL của Phượng đã bị đội bét bảng Đồng Nai bắt kịp về điểm số và Phượng sẽ đối diện với nguy cơ chơi ở giải hạng Nhất năm sau hay không? Và liệu có vì tất cả những điều đó mà một thế hệ tài năng, giàu triển vọng không những không thể trở thành trụ cột của ĐTQG như kỳ vọng mà phải đối diện với khả năng cùn mòn, thui chột?

Nói như chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế trong một trao đổi với sự lặng lẽ và trĩu nặng thì: “Nếu sử dụng tụi nhỏ một cách hợp lý hơn và biết người biết ta hơn, nhiều khả năng sẽ có ngày tụi nó giúp ĐTVN nở mày nở mặt. Đằng này…”.

Hôm nay, ĐTTVN tập trung. Hôm nay, Tiến Dũng, Công Phượng lần đầu tiên lên Tuyển trong cuộc đời cầu thủ. Hôm nay, chúng ta sẽ nghĩ rồi còn phải tiếp tục nghĩ về những giá trị đã qua và những giá trị từng được kỳ vọng lớn lao trong lòng đội tuyển.

Và, trong khi cái vẻ vang một thời là cái rất khó khôi phục lại thì mong là cái thuộc về tương lai, thuộc về kỳ vọng rồi sẽ không… đứt gánh giữa đường.

Cầu trời như thế!

PHAN ĐĂNG

Đọc báo Tây, có nghe việc Abramovic ưa thích thứ bóng đá tấn công hoa mĩ (“sexy football” thì phải), và chính vì Mourinho không đáp ứng được điều này nên trước đây phải ra đi. Nếu báo Tây nói đúng thì rõ ràng mọi thứ cũng chỉ nằm ở việc: Abramovic thích lối chơi này, lối chơi kia và sẵn sàng thay HLV không trùng sở thích với mình, chứ tuyệt đối không có việc ông ta lao vào phòng họp đấu pháp, lên đội hình chiến thuật, bắt người A, người B phải đá kiểu C, kiểu D…

Càng chẳng có việc ông ta đăng đàn nói với báo giới theo kiểu: “Tôi sẽ chính thức cầm quân”. Xin lỗi, Abramovic mà nói vậy có nghĩa ông đang tự tát lên mặt mình. Vì cả thế giới đều biết, việc của ông chủ một đội bóng không phải là cầm sa bàn, lên chiến thuật. Và người ta cũng biết cái ông chủ này chưa từng một ngày học làm HLV bóng đá.

Nhà báo Phan Đăng: Chuyên nghiệp... tuỳ tiện!
Chủ tịch CLB T.Quảng Ninh – Phạm Thanh Hùng tuyên bố sẽ trực tiếp cầm quân.

Thế nhưng ở ta thì khác. Sau khi nói lời chia tay HLV trưởng Đinh Cao Nghĩa vì những vấn đề nội bộ cùng khả năng kiểm soát tình hình đội bóng và chuỗi thành tích kém cỏi vừa qua, ông Chủ tịch T.Quảng Ninh tuyên bố: “Tôi sẽ trực tiếp cầm quân”. Không hiểu là ông cầm quân thật hay đơn giản là chỉ nói vậy để “lên giây cót” tinh thần cho cầu thủ nhưng bất luận thế nào thì đấy cũng là một câu nói tuỳ tiện. Lẽ thường, một ông chủ CLB, một người cần chứng tỏ khả năng hoạch định, sử dụng nhân sự hơn bất cứ ai chứ không bao giờ sử dụng mình, và công khai thông báo về quyết định sử dụng mình một cách lạ lùng, hài hước như thế cả.

Nhưng đấy mới chỉ là màn 1, màn 2 mới đáng suy ngẫm: Ngay sau tuyên bố ấy, đội bóng của ông lập tức giành chiến thắng sau những trận đấu bết bát. Như thế có nghĩa, cái quyết định lạ lùng, hài hước của ông hoá ra lại đem tới hiệu quả tức thời. Vậy thì màn 3 sẽ thế nào đây? Ông sẽ tiếp tục những tuyên bố như thế, rồi trực tiếp hoặc gián tiếp cầm quân, hay sẽ dần dần trả lại cái ghế HLV cho những người được học hành làm HLV chính hiệu?

Chuyên nghiệp... tuỳ tiện!

Trước đây BĐVN từng chứng kiến ít nhất 2 đội bóng sử dụng một tay cò cầu thủ – một người từng bị tố cáo là “phá hoại BĐVN” làm HLV trưởng. Và người ta gọi đấy là một vụ dùng người đáng đi vào kỷ lục bóng đá thế giới. Tuy nhiên, nghĩ cho kỹ sẽ thấy tay cò cầu thủ này, dẫu sao cũng từng là một cựu cầu thủ và cũng từng có thời gian dài đi học các lớp huấn luyện, có đủ bằng cấp. Vì thế dẫu sao nó cũng dễ chấp nhận hơn so với việc một ông Chủ tịch CLB bỗng nhiên nhảy bổ vào công tác huấn luyện, và nhờ sự bỗng nhiên ấy mà đội bóng cắt đứt mạch thua.

Chẳng nhẽ lại bảo chúng ta đang sống trong một nền bóng đá chuyên nghiệp… tuỳ tiện, nơi mà người ta có thể bỏ giải, có thể khai tử đội bóng, rồi đổi cả một ông chủ đội bóng giữa chừng thì cái việc quái quỉ gì cũng có thể xảy ra?

Phải rồi, sống ở một nền bóng đá, một môi trường tuỳ tiện như thế, cẩm nang sống của chúng ta phải học cách làm quen mọi sự, mọi chuyện, mọi phát ngôn tuỳ tiện quanh mình…

PHAN ĐĂNG

Họ bị chửi bới, doạ dẫm từ buổi tập trước trận đấu và tiếp tục phải sống trong cảnh khó chịu trong suốt thời gian có mặt trên sân. Kết quả, Công Vinh thi đấu không tốt và sớm bị HLV Phan Thanh Hùng thay ra còn Dương Hồng Sơn để lọt lưới một bàn lãng xẹt. Và đấy có thể coi là một ví dụ điển hình cho cái khó, cái khổ của những cầu thủ xứ Nghệ mỗi khi phải quay về đối đầu với đội bóng quê hương.

Nhưng không chỉ tới khi “quay về”, mà ngay cả ở những trận đấu phải tiếp đội bóng quê hương thì một số cầu thủ Nghệ An cũng ít nhiều cóng cơ. Thế mới có chuyện 2 cầu thủ xứ Nghệ đã chủ động xin không ra sân trong một trận đấu giữa HN.T&T và SLNA trên sân Hàng Đẫy. Lần ấy dù rất khó chịu với cách cư xử thiếu chuyên nghiệp của các học trò nhưng HLV Phan Thanh Hùng cũng phải cố hiểu, cố thông cảm và gật đầu đồng ý.

Ấy thế mà mới đây, 4 cầu thủ xứ Nghệ trong đội hình Bình Dương là Công Vinh, Trọng Hoàng, Văn Hoàn, Văn Bình lại chơi tròn trịa và hiệu quả trong chiến thắng 2-1 của B.Bình Dương trước SLNA tại Tứ kết cúp QG, trận đấu mà GĐKT Mai Đức Chung bảo rằng khi lựa chọn đội hình ông chỉ chú ý duy nhất đến yếu tố tinh thần, phong độ, chứ không chú ý nhiều tới gốc gác, quê quán của các học trò. Và ông tin rằng bộ tứ Nghệ An vẫn sẽ hoàn thành nhiệm vụ trong trận đón tiếp Sông Lam tại V.League chiều nay.

2p

Có thật vậy không?

Chiều nay, B.Bình Dương được đá ở sân Gò Đậu chứ không phải ở sân Vinh như vài hôm trước. Dự kiến sẽ có một lượng không nhỏ khán giả Nghệ An phủ vàng một góc sân Gò Đậu, và đừng sốc nếu nhóm khán giả này tạo những áp lực tâm lý nhất định lên các cầu thủ. Và nữa, một trận đấu ở khuôn khổ V.League có tính chất và độ quan tâm khác hẳn so với một trận đấu thuộc khuôn khổ Cúp QG. Mặc dù HLV Ngô Quang Trường “rào” trước theo kiểu: “Có thua một đội như B.Bình Dương cũng chẳng có gì phải xấu hổ” thì cũng nên hiểu đó chỉ là một cách giải phóng tâm lý cho các học trò, chứ không phải việc người Nghệ sẽ vào trận với một chí khí, một tinh thần nhu nhược.

Chợt nhớ, trong trận đấu cần phải chứng tỏ mình trước các cầu thủ HA.GL trên sân Vinh, các học trò của Ngô Quang Trường đã gồng lên chơi với hơn 100% phong độ của mình. Họ chơi theo đúng cách của đối thủ: Tấn công kĩ thuật, áp đặt toàn diện và giành chiến thắng không thể thuyết phục hơn. Chiều nay, chắc chắn cũng là một cuộc chơi mà họ cần chứng tỏ nhưng là chứng tỏ theo một dạng khác, vì một giá trị, một ý nghĩa khác. Và một khi người Nghệ đã xác định như vậy thì những cầu thủ xứ Nghệ trong màu áo Bình Dương có thể thanh thản, an toàn chơi bóng hay không vẫn là câu hỏi không dễ trả lời.

Trong bóng đá, có những trận đấu mà danh dự và giá trị bản ngã còn có ý nghĩa quan trọng hơn cả kết quả thắng thua. Và chiều nay, cuộc gặp gỡ giữa những người Nghệ với chính những người Nghệ, ở một nơi rất xa xứ Nghệ sẽ là một trận cầu như thế?

PHAN ĐĂNG