Tôi không nghĩ Rafa Benitez thích tôi. Tôi không biết rõ tại sao nhưng đó là cảm giác tôi nhận thấy từ ông ấy. Có lẽ mọi chuyện bắt đầu trước khi ông ấy nói chuyện với tôi, khi ông ấy gặp mẹ tôi.
Rafa được bổ nhiệm vào ghế HLV của Liverpool vào tháng 6/2004 và tôi lúc đó đang thi đấu cho đội tuyển Anh tại Euro ở Bồ Đào Nha trong hè.
Ngay cả khi Rafa thay thế vị trí của ông ấy, Gerard Houllier vẫn yêu quý Liverpool và ông ấy vẫn rất gần gũi đối với tôi. Ông ấy và mẹ tôi đã bay sang Bồ Đào Nha để xem tôi thi đấu trong trận đấu giữa đội tuyển Anh và Croatia. Và họ đã gặp Rafa.
Gerard giới thiệu Rafa với mẹ tôi. Rafa bắt tay bà, chào hỏi và ngay lập tức hỏi bà một câu rất thẳng thừng: “Steven có thích tiền không?”.
Ngoài câu chào xã giao quen thuộc “Xin chào… rất vui được gặp bà”, đó là những từ đầu tiên Rafa nói với mẹ tôi. Tôi nghĩ: “Kiểu câu hỏi đó là cái quái gì vậy?”.
Tôi có thể cầm điện thoại và nói chuyện với tất cả những HLV trước đó của tôi ở Liverpool. Ngoại trừ với Rafa.
Điều đó thật xấu hổ bởi vì chúng tôi có lẽ đã chia sẻ một đêm tuyệt vời nhất trong sự nghiệp của cả hai chúng tôi – thắng lợi trong trận chung kết Champions League năm 2005 tại Istanbul – và dù vậy, giữa chúng tôi vẫn không có sự thân thiết nào.
Tôi thường nghĩ rằng ông ấy thích nói chuyện với các cầu thủ nói tiếng Tây Ban Nha của chúng tôi. Ông ấy đặc biệt là fan của những cầu thủ Nam Mỹ vốn rất giỏi. Nhưng điều này không tạo ra rắc rối gì giữa chúng tôi.
Trong các cuộc họp báo, ông ấy có thể gọi những cầu thủ khác bằng tên của họ nhưng tôi luôn luôn là “Gerrard”. Trong phòng thay đồ cũng vậy. Ông ấy sẽ đọc đội hình và sử dụng các nickname. Nhưng đối với tôi chỉ có thể là “Gerrard”.
Nếu như ông ấy đột nhiên bắt đầu gọi tôi là “Stevie”, điều đó sẽ không giúp tôi chơi hay hơn. Tôi chỉ muốn giành chiến thắng trong trận đấu sắp tới và tôi biết Rafa có thể, thường là thế, giúp chúng tôi giành một chiến thắng nữa. Ông ấy là HLV giỏi nhất về mặt chiến thuật mà tôi đã từng gắn bó ở Liverpool và đội tuyển Anh, vì thế, tôi không quan tâm xem ông ấy gọi tôi là gì.
Nếu chúng tôi có gặp nhau vào ngày mai, sẽ không có sự khó chịu nào cả nhưng có lẽ một ngày nào đó chúng tôi có thể trò chuyện cởi mở và thân thiện hơn, để nhắc lại những gì chúng tôi đã trải qua ở Liverpool.
Ngoài chuyện đó ra, mối quan hệ trong công việc của chúng tôi cực kỳ chuyên nghiệp và sự lạnh lùng của ông ấy đã thúc đẩy tôi trở thành một cầu thủ giỏi hơn. Tôi khao khát tìm kiếm một lời khen từ ông ấy, nhưng cũng khao khát để ông ấy biết rằng ông ấy thực sự cần một cầu thủ như tôi. Chúng tôi giống như lửa và nước. Đam mê trào dâng trong lòng tôi, trong khi Rafa là một nhà tư duy chiến lược.
Một lần, ông ấy cảm thấy mất bình tĩnh vì Man Utd và Alex Ferguson. Tôi trở về nhà từ sân tập vào trưa thứ Sáu đó và bật tivi lên xem. Rafa ngồi đó với nét mặt lạnh lùng như thường thấy. Có vẻ như đây sẽ là một cuộc họp báo bình thường nhưng rồi ông ấy rút trong túi ra một mẩu giấy.
Ông ấy đặt nó lên trên bàn và bắt đầu đọc lần lượt “sự việc” này qua sự việc khác. Rafa tiếp tục nói “sự việc… sự việc… sự việc” và tôi không thể tin vào những gì mình đang nghe. Tôi sờ vào đi văng, cấu vào tay mình và cảm thấy bối rối vì ông ấy.
Rafa bắt đầu nói rằng, có lẽ Man Utd “đang tỏ ra căng thẳng bởi vì chúng tôi đang dẫn đầu bảng xếp hạng”. Tôi nghĩ: “Ui chà, chuyện gì xảy ra ở đây vậy?”.
Có cảm giác Rafa không bao giờ nói chuyện một cách đầy cảm xúc như thế. Mọi người có thể thấy rõ sự giận dữ ở ông ấy. “Tôi muốn nói về những sự việc,” Rafa nói. “Tôi muốn nói rõ rằng, tôi không muốn chơi trò tâm lý quá sớm, mặc dù họ dường như muốn bắt đầu như vậy. Nhưng tôi đã thấy một số sự việc”.
Rafa nói liền một tràng về chuyện tại sao Man Utd và Ferguson không bị phạt vì nhiều cách xử sự xấu của họ. Ông ấy liệt kê ngày tháng và các sự kiện, rồi kết luận rằng “Ferguson là HLV duy nhất ở Premier League không thể bị phạt vì những chuyện như thế này”.
Sau đó, ông ấy tiếp tục cho rằng lịch thi đấu và thời gian ra sân có tính thiên vị cho Man Utd. Giọng nói của Rafa có gì đó lộn xộn, gay gắt và lo lắng. Ông ấy đã tự hạ thấp mình. Đúng là một thảm họa. Tôi không thể hiểu được Rafa đang nghĩ gì mà lại muốn tấn công Ferguson, một bậc thầy về đòn tâm lý, khi chúng tôi đang bình thản dẫn đầu bảng xếp hạng vào đầu năm mới.
Khi tôi tập trung ở đội tuyển Anh, các cầu thủ Man Utd cho tôi biết là Fergie chỉ cười vào Rafa và nói: “Tôi đã bắt bài ông ta. Tôi đã bắt bài ông ta”.
Rafa tự mình quyết định nhiều việc. Ông ấy muốn nắm giữ quyền lực và quyền kiểm soát. Tôi không thích vậy. Đấu đá với ban lãnh đạo, với các HLV khác và báo chí không phải là cách của Liverpool.
Rafa từng có mâu thuẫn với các ông chủ, Tom Hicks và George Gillett. Chúng tôi đều nghi ngờ họ nhưng Rafa đã cho báo chí biết về những rắc rối quanh bản hợp đồng mới của ông ấy.
Rafa đã phá vỡ sự tập trung của đội bóng. Chúng tôi luôn nhận được câu hỏi về chuyện đó mỗi khi gặp gỡ giới truyền thông: “Tất cả chuyện này là cái gì? Tại sao ông ấy làm vậy?” Chúng tôi không bao giờ có được câu trả lời bởi vì Rafa không nói một lời nào với chúng tôi. Tôi nghĩ ông ấy cảm thấy ngượng nghịu bởi vì ông ấy biết điều đó là sai lầm.
Cuối tuần đó, Man Utd đè bẹp Chelsea 3-0. Chúng tôi hòa 0-0 ở Stoke. Các HLV của tôi trong những năm qua đều có tính cách khác nhau, với phong cách làm việc riêng của họ. Về quan hệ, tôi thích một HLV dễ chịu, như Gerard Houllier hay Brendan Rodgers, nhưng về bóng đá, tôi thực sự không bận tâm khi làm việc với một HLV lạnh lùng. Mối quan hệ không cảm xúc và xa cách với những người như Rafa Benitez và Fabio Capello đôi khi có thể mang lại thành công nhiều hơn.
Đó sẽ không phải là phong cách của tôi nếu tôi có trở thành một HLV – tôi sẽ cố gắng kết hợp những gì hay nhất về mặt chiến thuật của Rafa với kỹ năng trong quan hệ của Brendan.
Mạnh Hào
Rafa Benitez dẫn dắt Liverpool từ tháng 6/2004 đến tháng 6/2010, trước khi ông đến Inter, Chelsea, Napoli và hiện tại là Real Madrid. Dưới thời ông, Liverpool và Steven Gerrard đã giành được FA Cup 2006, Community Shield 2006, Champions League 2005 và Siêu Cúp châu Âu 2005.