tifosi

Từ AC Parma đến Nuovo Parma 1913, một thế giới khác

Gandini, Murelli, Davin… ở mùa bóng 1984/85, khi Parma lên Serie B. Taffarel, Donati, Gambaro… cho đội hình mới lên Serie A lần đầu tiên vào mùa 1990/91 và ngay ở vòng đầu tiên đã khiến tất cả mở to mắt nhìn khi họ hòa Juventus 1-1. Grun, Di Chiara, Melli, Apolloni, Osio… cho chiếc Cúp châu Âu sau đó một mùa… Những tifosi của Parma có thể cứ kể mãi tên những cầu thủ và HLV có mặt trong các ĐH từng mùa giải mà họ đã tham gia và chiến thắng, đã để lại những ấn tượng mạnh mẽ về một hiện tượng trong nhiều năm nóng bỏng và sôi động của một thời mà Serie A đã cháy lên.

Tình yêu không chết, kể cả ở hạng nghiệp dư

Thế rồi những cái tên ấy bỗng nhiên trở thành nỗi hoài niệm lớn lao, để rồi có một cái tên bắt đầu cho một thời kì mới, Marco Ferrari. Nhưng người này là ai, một cựu cầu thủ Parma như những cái tên đã kể trên? Không phải, đấy chỉ là một nhà đầu tư, một trong 7 chủ sở hữu của đội (tất cả đều là người Parma).

Người rất yêu Parma và là chủ của một doanh nghiệp trên lĩnh vực công nghệ số này đang là sợi dây nối liền Parma của bây giờ và quá khứ chưa xa, khi ông nắm giữ vai trò PCT Nuovo Parma 1913, tên mới của Parma phá sản ngay khi mùa giải trước còn đang diễn ra-điều chưa từng có ở Serie A-và giờ bị đánh tụt xuống hạng D (nghiệp dư). Quá trình phá sản và tụt hạng ấy đương nhiên khiến nhiều CĐV, trong đó có chính Ferrari, bị sốc. Họ mô tả rằng, Parma, thành phố nổi tiếng với truyền thống thể thao, đã bị “hiếp” (!).

Điều ấy xảy ra gần nửa thế kỉ sau vụ phá sản đầu tiên và hệ quả là nhiều năm sau đó chơi ở các hạng tẹp nhẹp của calcio. Từ cuộc phá sản ấy là những lần lên hạng, những thành công ở Serie A, những chiếc Cúp châu Âu, những cuộc đua tranh Scudetto.

Đội hình mà Malesani đã dẫn dắt đoạt Cúp UEFA năm 1999 không hẳn là CLB của một thành phố chỉ 180 nghìn dân, mà giống như một ĐT của thế giới, với Buffon, Thuram, Cannavaro, Sensini, Boghosian, Fuser, Dino Baggio, Vanoli, Veron, Crespo và Chiesa. Bốn năm sau, cú phá sản của công ty mẹ Parmalat để lại một “lỗ hổng” 14 tỉ euro đã khiến Parma sụp đổ. Họ làm lại từ đầu, để rồi 11 năm sau, gục ngã một lần nữa vì quản lí yếu kém, vì thiếu tiền bạc, vì những chủ tịch của họ lần lượt bị bắt hoặc điều tra. Nhưng bây giờ, trên đống đổ nát là một bông hoa mới nở. Parma mới có 9.700 người đăng kí mua vé dài hạn cả mùa, con số lớn chưa từng có ở hạng nghiệp dư và tương đương với vài đội nhỏ ở Serie A. Đội bóng ấy, với sự quan tâm sâu sắc của Ferrari, đang dẫn đầu một bảng của hạng nghiệp dư của vùng Emilia-Romagna. Họ chiến thắng với một lực đẩy vô song ở phía sau: niềm tự hào vào quá khứ.

Từ mô hình Đức đến tifosi; Parma hồi sinh như thế

“Năm ngoái, tin tức về việc Parma bị bán với giá 1 euro tượng trưng đã lan đi khắp thế giới”, Ferrari nói với báo chí Italia. “Điều đó đã làm tăng thêm trách nhiệm của giới doanh nghiệp địa phương đối với Parma, khiến họ tin rằng, phải làm điều gì đó để giúp Parma”. Điều đó cũng dẫn đến một tâm trạng rất đặc biệt trong các tifosi: từ đau đớn, bực bội dẫn đến niềm tự hào và sau đó, ủng hộ nhiệt liệt đội bóng mới ở hạng nghiệp dư, bởi họ tin rằng, sự ủng hộ ấy là động lực để Parma trở lại đỉnh cao. Nhưng điều quan trọng nữa vẫn là quản lí và định hướng tương lai, điều mà Parma mùa trước không thể làm được.

“Parma mới theo đuổi mô hình của Bundesliga, khi quy định không một cổ đông nào được phép sở hữu hơn 50% giá trị đội bóng, để tránh việc đội này có thể sụp đổ vì một nhà đầu tư phá sản”, Ferrari nói. “Parma hiện có 7 cổ đông chính nắm 75% cổ phần, 25% còn lại thuộc về các cổ đông nhỏ hơn. Một thảm họa tài chính như mùa trước sẽ không xảy ra”.

Người đứng đầu Parma là chủ tịch Nevio Scala, một cái tên không xa lạ với các tifosi Parma. Ông là HLV đã đưa Parma đến những thành công vang dội trong những năm 1990. Người phụ trách kĩ thuật của Parma cũng là một cái tên quen thuộc, Lorenzo Minotti, đeo băng đội trưởng dưới thời Scala. Còn HLV của đội không phải ai khác mà là Luigi Apolloni, một học trò khác của Scala, và đã chơi cánh phải của đội Ý ở World Cup 1994. Đội trưởng của Parma vẫn là Alessandro Lucarelli, người duy nhất còn “sống sót” từ đội bóng phá sản mùa trước, sau khi tất cả các cầu thủ và HLV Roberto Donadoni rời con tàu đắm. “Năm ngoái, khi lần đầu tiên nghe tin Parma thậm chí không đủ tiền để trả cho người cắt cỏ ở sân Ennio Tardini, cũng không thể trả được tiền nước nóng cho cầu thủ tắm, tôi gần như phát điên”, anh nói.

“Nhưng chúng tôi vẫn tập, vẫn thể hiện thái độ chuyên nghiệp, vẫn ra sân chiến đấu và thậm chí thắng Juventus, dù không được trả lương. Parma xuống hạng D, nhưng tôi không đi đâu cả. Đây là nhà tôi rồi”. Những lời nói đầy cảm động của một người sinh ra ở Livorno, xứ Toscana, nhưng coi Parma là nhà mình.

Vĩ thanh

Tình yêu và sự hi sinh của những người như Lucarelli được đền đáp xứng đáng. Các tifosi không từ bỏ đội. Hàng trăm tifosi đã đi xe ô tô, xe máy, thậm chí cả xe đạp theo đội tới những trận đấu giao hữu của đội trong “số phận mới” vào tháng 8 vừa rồi; 500 khán giả có mặt trong buổi tập đầu tiên và rồi hàng nghìn người đến dự những buổi tối mà chủ tịch Scala cùng các cựu cầu thủ nổi tiếng của Parma tổ chức để quyên góp cho đội. Chưa hết, Ferrari, người muốn có một sự khởi đầu mới với Parma ở hạng D hơn là cùng các doanh nghiệp khác mua đội và một đống nợ của họ để rồi tái xuất ở hạng B, thậm chí đã dàn xếp với Sky Sport Italia để các trận của Parma được phát sóng trực tiếp. Đấy là lần đầu tiên một đội ở hạng nghiệp dư được hệ thống truyền hình trả tiền này đưa lên sóng. “Như thế, cả thế giới sẽ thấy chúng tôi đang hồi sinh như thế nào”, ông nói.

… Một chiều đi ngang Parma, dừng chân ở gần sân Ennio Tardini, nơi đã ươm mầm biết bao chiến thắng của đội bóng xứ Emilia-Romagna, chợt thấy ngậm ngùi trong chốc lát khi nghĩ về quá khứ của họ, một quá khứ vàng son của calcio mà trong những năm tháng đó, tôi đã lớn lên và mơ về nước Ý, lúc ấy còn là một mảnh đất quá xa xôi không thể với tới. Thế rồi, chợt bừng tỉnh khi nghĩ về những gì đang xảy ra, tôi gật đầu thầm nghĩ, “nhất định, họ sẽ trở lại”…

Trương Anh Ngọc (từ Parma, Italia)

Từ Parma đến Venezia Vinh quang quá khứ lay lắt ở hạng nghiệp dư

Có 3 Cúp Italia, 2 Cúp UEFA, 1 Cúp C2 của Parma, nhưng cũng có Cúp Italia của Venezia, đội bóng từ một trong những thành phố lớn nhất đất nước. Cả Reggina và Piacenza, những đội bóng từng có mặt nhiều lần trong 20 năm qua của Serie A.

Serie D mùa 2015/16 thật kì lạ. Nó tập hợp các đội bóng của 4 thành phố là thủ phủ các vùng có đội từng chơi ở Serie A (Campobasso, Potenza, Trieste, Venezia) và 24 đội thuộc các tỉnh, trong đó có nhiều đội khác từng chơi ở Serie A, như Taranto, Grosseto, Monza. Thậm chí có cả đội bóng đại diện cho quốc gia, như San Marino. Có một sự thật: giải Serie D chưa bao giờ trở nên hào nhoáng đến thế, chủ yếu là nhờ Parma, đội trở lại hạng nghiệp dư lần đầu tiên sau 47 năm. Parma được xếp vào bảng D cùng với nhiều đội khó nhằn như Ravenna, Forli, San Marino và cả Mezzolara, đến từ một thị trấn nhỏ có 2 nghìn dân, bằng 1/20 số tifosi của Parma. Ngoài Parma, những cái tên như Venezia, Monza, Reggina cũng rất đáng chú ý.

Những đội bóng lớn, những nhóm tifosi cuồng nhiệt và có truyền thống, cả các cầu thủ giỏi từng chơi ở Serie A (như Lucarelli của Parma, hay Barreto, cựu Bari và Torino, nay chơi cho Venezia) đã giúp Serie D mùa này giống như một ngày hội đặc biệt, trong một nỗi buồn muôn thuở của sự suy tàn với những thế lực cũ: mỗi năm trôi qua, lại có một đội bóng có truyền thống nào đó phá sản hoặc chơi kém để rồi tụt hạng. Để rồi cuối cùng, tất cả tụ hội ở hạng nghiệp dư. A.N

Nhớ thời “Vua nước sốt”

Đấy là một thị trường chuyển nhượng mà các tifosi có thể quay trở lại với những giấc mơ. Đương nhiên, những ngôi sao lớn nhất của bóng đá thế giới vẫn chọn Anh và Tây Ban Nha làm bến đỗ, nhưng những gì mà Juve, Inter, Milan và Roma đang làm với một núi tiền quăng ra cho thấy, những đội bóng lớn nhất của Italia không chịu ngồi nhìn các đại gia châu Âu nới rộng khoảng cách về kĩ thuật và chất lượng đội hình. Một trong những ví dụ rõ rệt nhất cho sự thay đổi, là sự điên cuồng đầu tư của hai đội bóng thành Milano trên thị trường chuyển nhượng, trong cái năm mà lần đầu tiên trong lịch sử, họ cùng không có mặt ở Cúp châu Âu.

Tạm biệt những ông già có tên tuổi nhưng vô giá trị về mặt kĩ thuật, chào phong cách chuyển nhượng tự do để không mất phí, trong khi chờ đợi “hiệu ứng Mr.Bee” (480 triệu euro vẫn chưa vào két Milan từ vụ mua 49% cổ phần của đội), Milan gây sốc khi chi 87 triệu euro cho những tân binh, người mới nhất là trung vệ Romagnoli, mới 20 tuổi và chưa phải là một tên tuổi lớn trên sân cỏ Serie A, với giá 25 triệu euro. Anh sẽ sánh vai cùng với những tân binh khác của Milan là Bertolacci, Bacca và Luiz Adriano trong một đội hình vẫn mơ đến sự trở lại của Ibrahimovic. Điều gì đã xảy ra với một Milan đã phải thực hiện chính sách kham khổ suốt nhiều năm qua, và cho đến giờ vẫn lỗ nặng? Có lẽ gia đình Berlusconi tin rằng, thắt lưng buộc bụng quá liều dễ dẫn đến tử vong, như trường hợp Hy Lạp.

Chấm dứt kham khổ, và cuộc cách mạng bắt đầu

Inter là một hiện thực khác. Sau một mùa bóng mà các tifosi kêu trời về việc Chủ tịch Thohir quá rón rén trong đầu tư, mùa hè này, Mancini đã thuyết phục được nhà tài phiệt người Indonesia chi mạnh, cho một cuộc cách mạng không tiền khoáng hậu: Thay 3/4 hàng thủ, bổ sung chất biến ảo cho hàng tiền vệ và hàng công, sau khi rũ bỏ được những người từng gây ấn tượng lúc ban đầu như Shaqiri. Cho đến nay, Inter đã chi 87 triệu euro, nhưng vẫn đang tiếp tục thương lượng để đưa về Melo và Perisic. Chi lớn như vậy, bất chấp những khoản lỗ khổng lồ những mùa trước đó (102 triệu euro mùa 2013/14 và 90 triệu mùa 2014/15) và có thể lỗ nặng hơn nữa mùa này, Inter hướng đến một mục tiêu duy nhất là dự Champions League mùa giải tới, thu lợi nhuận bằng tiền dự giải và tìm cách cân bằng thu chi bằng cách bán đi những cầu thủ không cần thiết.

Tính cho đến lúc này, khi thị trường còn chưa đóng cửa, tổng số tiền mà Juve, Milan, Inter và Roma đã chi cho chuyển nhượng là 329 triệu euro, cao gần gấp 3 cùng kì mùa trước. Số tiền chi ra có thể sẽ lên nữa trong những ngày tới, bởi Juve vẫn kiếm tìm một số 10 (Draxler, Goetze hay Guendogan sẽ đến?), Inter vẫn trông đợi Perisic và những cầu thủ khác, Roma và Milan vẫn chưa hài lòng với những gì mình đã có. Đây là số tiền tương đương với tổng giá trị chuyển nhượng mà toàn bộ Serie A đã bỏ ra cách đây 5 năm trong kì mua sắm hè 2009 (với Juve và Milan chi phần lớn). Hơn 300 triệu euro là khoản tiền lớn chưa từng có kể từ cách đây 15 năm, khi Juve, Lazio, Inter và Milan bỏ ra tổng cộng hơn nửa tỉ euro cho những thương vụ gây sốc. Đấy là những ngày hè mà người ta chứng kiến Juve chi ra 135 triệu euro để có bộ ba Nedved-Thuram-Buffon. Lazio chi 48 triệu cho Mendieta. Milan chi 41 triệu cho Inzaghi. Roma chi 30 triệu cho Batistuta và Inter trả 29 triệu cho Toldo. Nhưng ông hoàng của ngày đó là Crespo, được “Vua nước sốt” Cragnotti đưa về Lazio từ Parma với giá 55 triệu euro.

Nếu còn có ngày mai

Ngày ấy, người Ý vẫn tiêu tiền lira, và giá trị này được đổi ra euro, nhưng những thương vụ trị giá 40 triệu euro (cả giá mua đứt và tiền thưởng) cho Dybala hay Kondogbia có thể được coi là đỉnh điểm đáng chú ý của một chiến dịch mua sắm đặc biệt: Quyết liệt, dứt khoát và căng thẳng, gợi lại những cuộc “chạy đua vũ trang” ầm ỹ trong những mùa hè và mùa đông trước kia, khi Serie A vẫn còn “bảy chị em” đua tranh Scudetto.

Điều gì đã thực sự xảy ra? Mỗi đội theo đuổi một triết lí riêng. Juve vẫn chi, thậm chí chi đậm, bởi họ đã đi trước quá trình thay máu sau 4 Scudetto liên tiếp và không muốn đi theo vết xe đổ của Inter năm 2010. Milan và Inter nóng lòng thay máu để phục thù và phá bỏ hết kết cấu của mùa trước. Milan, trong khi chờ tiền của Mr Bee (tháng 9 mới tới), đã xé đội hình, gạt bỏ cả Menez ghi nhiều bàn nhất mùa trước để thay đổi bằng tiền bán cổ phiếu của Mediaset. Roma thay đổi toàn bộ hàng tiền đạo và dường như đang tuân theo một quy luật thương mại kiểu Mỹ: Mua rất nhiều nhưng cũng bán rất nhiều để quay vòng vốn.

Đương nhiên, những vấn đề lớn của calcio vẫn còn đó. Serie A đột nhiên vung tiền mạnh không đồng nghĩa với việc “sức khỏe” của họ đã tốt hơn lên. Các CLB có thêm tiền do giá trị bản quyền truyền hình đã tăng 30% so với mùa trước, tương đương với việc có thêm 200 triệu euro, nhưng hệ thống calcio vẫn đầy rẫy những rắc rối. Bóng mây đen của khủng hoảng tài chính vẫn chưa tan, khi tổng số nợ của các CLB Serie A lên tới hơn 1 tỉ euro và không ai biết trước, những vụ phá sản ngay trong khi mùa bóng còn đang diễn ra như của Parma mùa trước có lặp lại hay không. Một câu hỏi lớn: Với những khoản chi ấy, những CLB hàng đầu của Ý sẽ ra sao mùa bóng mới? Câu trả lời không thể có ngay vào lúc này. Nhưng với việc tiền được vung ra mạnh mẽ, mà tiền là thứ mà các đội Ý rất khan hiếm trong những năm qua, người Ý có quyền mơ mộng một chút vào một viễn cảnh tươi sáng hơn. Mùa bóng 2015/16 kết thúc và xu hướng chuyển nhượng của mùa hè tới, sau EURO 2016, sẽ khẳng định rằng, cơn điên rồ mua sắm này có phải là một hiện tượng nhất thời khiến các đội bóng Ý tiếp tục nợ còn hơn Chúa Chổm hay không…

TRƯƠNG ANH NGỌC (từ Roma, Italia)