Bóng đá & Lời kêu gọi của Bác Hồ

Những ngày này, khi cả nước chuẩn bị lễ mít-tinh kỷ niệm 125 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh thì không ít những cầu thủ từng khoác áo Thể Công bồi hồi nhớ lại những trận đấu mà Bác trực tiếp đến dự.

Có thể kể ngay đó là trận đấu năm 1958 giữa Thể Công và đội Công an CHDCND Triều Tiên, những trận đấu thuộc giải Quân đội 12 nước XHCN mà hình ảnh còn lưu lại chính là bức hình Bác Hồ cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm cầu thủ, điều đặc biệt là tác phong giản dị của Bác khi không hề khách sáo, chủ động ngồi bệt xuống đất cùng cả đội.

Điều trùng hợp là trong những ngày kỷ niệm sinh nhật Bác, ĐTVN cũng thi đấu với tuyển CHDCND Triều Tiên. Rõ ràng đây là trận đấu có “tầm vóc” lớn hơn nhiều trận Thể Công – CA CHDCND Triều Tiên hơn 60 năm trước. Song, sự khác biệt chính là ở chỗ: Bóng đá bây giờ không nhận được nhiều quan tâm của những nhà quản lý thể thao. Thậm chí, một trận đấu như thế nhưng Chủ tịch VFF không có mặt, Bộ trưởng VH-TT&DL không có mặt, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT không có mặt, “to” nhất chỉ là Phó tổng cục trưởng…

Bóng đá, ở tầm Đội tuyển dường như còn có khoảng cách với lãnh đạo ngành thì liệu có mong mỗi NHM cảm nhận đó là “Đội tuyển của mình”?

Bản chất của bóng đá là gì? Liệu nó có phải là chuyện các Đội tuyển tranh huy chương tại những cuộc đấu quốc tế? Không phải, giá trị của bóng đá là rất đơn giản: Nó mang lại cảm xúc, là niềm vui, là nỗi buồn, là niềm tin hy vọng khi chiến thắng, nỗi thất vọng lúc thua trận…

Giá trị của bóng đá đôi khi chỉ là những giọt mồ hôi, những nụ cười xua tan mệt nhọc của mỗi người yêu bóng đá mỗi chiều xách giày ra sân. Giá trị của bóng đá cũng là câu chuyện đam mê, là những sợi dây kết nối các thành viên trong gia đình, làm tăng thêm tình yêu thương của những giải bóng đá trẻ…

Nó không phải chỉ là câu chuyện ĐTVN có vào được VCK Asian Cup hay U.23 đoạt HCV SEA Games hay không?

Chúng ta cứ đuổi theo những cái ảo mà dần quên đi giá trị thật. Nhìn những cầu thủ Việt Nam thấp bé hơn những cầu thủ trong khu vực, chợt nhớ đến đề án Nâng cao thể lực, chiều cao của người Việt. Đề án sẽ tốn kém khoảng 6.500 tỷ trong 20 năm.

Không phải đâu xa, việc đầu tư thể lực cho mỗi người cũng đã từng được Bác Hồ nhắc đến 70 năm trước, trong lời kêu gọi toàn dân tập thể dục: “Mỗi một người dân yếu, tức là cả nước yếu, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe. Việc rèn luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước… Mỗi ngày tập một ít thể dục, ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe… Dân cường nước thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục, tự tôi ngày nào tôi cũng tập…”.

Bóng đá đỉnh cao hay thể dục thể thao, muốn phát triển được thì phải bắt đầu từ chính đời sống những người dân.

SONG AN

Bình luận (0)