Cấm quyền sở hữu cầu thủ của bên thứ ba: Vẽ lại bản đồ bóng đá châu Âu?

Vài năm qua, trung tâm quyền lực của bóng đá châu Âu đã chuyển dịch dần về phía Nam, đặc biệt là bán đảo Iberia nói chung và La Liga nói riêng.

Tuy nhiên trong thành công của bóng đá TBN cũng như nước láng giềng BĐN, quyền sở hữu cầu thủ của bên thứ ba (TPO) có đóng góp không hề nhỏ, và khi TPO bị cấm sử dụng thì vị thế của La Liga cũng sẽ vì thế mà bị ảnh hưởng theo…

Real Madrid's Brazilian defender Marcelo (L) vies with Atletico Madrid's forward Fernando Torres during the Spanish Copa del Rey (King's Cup) round of 16 first leg football match Club Atletico de Madrid vs Real Madrid CF at the Vicente Calderon stadium in Madrid on January 7, 2015. AFP PHOTO/ CESAR MANSO

Khi Iberia là trung tâm quyền lực Mùa giải 2014/15 đã chứng kiến cán cân quyền lực của bóng đá lục địa già dịch chuyển về khu vực Nam Âu. Premier League, giải đấu từng thống trị châu Âu trong giai đoạn 2005- 2012 (7 lần vào chung kết Champions League, 3 lần vô địch) vừa trải qua một chiến dịch hết sức tồi tệ ở đấu trường châu lục (không có đại diện nào lọt vào đến tứ kết của cả Champions League lẫn Europa League) và bị đang Bundesliga bám rất sát trên BXH hệ số của UEFA. Hiện tại Premier League đang có 80,391 điểm hệ số, cao hơn chút ít so với Bundesliga (79,129) nhưng kể từ mùa giải tới thì thành tích ở mùa giải 2010/11 sẽ không còn được tính vào điểm hệ số tích luỹ của các giải VĐQG và Premier League sẽ lần đầu tiên sau nhiều năm tụt xuống vị trí thứ 3 trên BXH. Không chỉ dừng lại ở đó, ngay cả vị trí thứ 3 này của Premier League cũng sẽ bị đe doạ nghiêm trọng bởi họ sẽ chỉ còn hơn Serie A chưa đầy 3 điểm hệ số khi trái bóng của mùa giải 2015/16 bắt đầu lăn.

Nếu như các đội bóng Anh lại tiếp tục thi đấu không tốt ở đấu trường châu Âu mùa tới thì khả năng Premier League bị rơi ra ngoài Top 3 – cũng có nghĩa là chỉ còn 3 tấm vé dự Champions League – là không hề nhỏ. Theo chiều ngược lại, La Liga vẫn tiếp tục gặt hái được rất nhiều thành công trên bình diện châu lục và nâng tổng điểm hệ số của họ lên mức 99,427, bỏ rất xa các giải đấu xếp sau và khẳng định vị thế số 1 của mình một cách không cần tranh cãi. Người láng giềng Primeira Liga kém ấn tượng hơn đôi chút, nhưng cũng kiếm được 9,08 điểm để “đổ bê tông” vào vị trí thứ 5 của mình trên BXH (hơn Ligue 1 tới 9 điểm hệ số) và giúp cho bán đảo Iberia có tới 2 đại diện trong nhóm 5 giải VĐQG dẫn đầu. Đây là một thành tích hết sức đáng nể nếu biết rằng dân số của cả TBN và BĐN cộng lại cũng chỉ bằng 3/4 nước Đức còn tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) thậm chí chỉ bằng ½.

Cái khó ló…TPO

Tuy nhiên một điều kiện tiên quyết để bóng đá TBN và BĐN duy trì được vị thế là sự tồn tại của TPO. Thực trạng khó khăn của nền kinh tế nói chung khiến cho phần lớn các CLB ở hai nước này, ngoại trừ Real Madrid và Barcelona, đều không mấy dư dả về tài chính và TPO là một công cụ rất quan trọng để những họ có đủ sức chiêu mộ những cầu thủ mà mình mong muốn thay vì ngồi nhìn các tài năng này rơi vào tay những giải đấu giàu có hơn (điển hình là Premier League). Vì La Liga vẫn đang áp dụng cơ chế bán bản quyền truyền hình riêng lẻ – vốn khiến phần đông các CLB gặp nhiều khó khăn trong việc thương lượng với nhà đài – nên thu nhập từ truyền hình của 18 CLB còn lại (trừ Real và Barca) là tương đối thấp so với mặt bằng chung của bóng đá châu Âu. Ở mùa giải 2013/14 thì những Sevilla, Valencia hay Atletico Madrid chỉ kiếm được trên dưới 40 triệu euro/mùa từ việc bán bản quyền truyền hình những trận đấu ở giải quốc nội, tức chỉ bằng khoảng 1/2 so với đội bóng nghèo nhất ở Premier League (Cardiff – 75 triệu euro quy đổi).

Theo ước tính của hãng kiểm toán KPMG, các bên thứ ba đang nắm giữ một phần quyền sở hữu của 25-30% số cầu thủ ở hạng đấu cao nhất của bóng đá TBN, còn nếu quy đổi ra giá trị thị trường thì 8% giá trị chuyển nhượng của các cầu thủ tại La Liga không nằm trong tay các CLB. Cụ thể, tổng giá trị chuyển nhượng của tất cả các cầu thủ nằm trong biên chế của 20 đội bóng đang tranh tài tại La Liga là khoảng 2,5 tỷ euro, trong đó quyền sở hữu của bên thứ ba trị giá khoảng hơn 200 triệu (tại BĐN thì sự phụ thuộc vào TPO thậm chí còn lớn hơn, với khoảng 36-40% số cầu thủ ở Primeira Liga không hoàn toàn thuộc  về CLB mà họ đang khoác áo). Nếu không được phép thực hiện các giao dịch chuyển nhượng cầu thủ trong đó có sự tham gia góp vốn của một bên thứ ba thì Atletico khó có thể mua nổi những Falcao hay Diego Costa nên tất nhiên là không đủ khả năng cạnh tranh ở đấu trường châu lục, và điều tương tự cũng đúng với Sevilla hay Valencia. Đành rằng Real và Barca là khách quen của vòng bán kết Champions League suốt 4-5 mùa bóng qua, nhưng nếu các CLB thuộc “nhóm 2” chơi không tốt thì chắc hẳn La Liga đã không thể tạo dựng được vị thế vượt trội của mình trên BXH hệ số như hiện nay.

Cú sốc lớn cho La Liga

Một khi quyết định cấm TPO của FIFA chính thức có hiệu lực (từ 1/5/2015), La Liga cũng như Primeira Liga sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và không có gì ngạc nhiên khi những nhà điều hành hai giải đấu này đã lên tiếng phản đối quyết liệt. Chủ tịch La Liga Javier Tebas phát biểu: “Nếu các CLB của chúng tôi bị tước đi quyền tiếp cận với nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài thông qua TPO, bóng đá chuyên nghiệp ở TBN sẽ chết” còn người đồng nhiệm ở Primeira Liga, Joao Martins, cho biết: “Nếu không có TPO, các CLB siêu giàu sẽ hoàn toàn áp đảo phần còn lại và nguy cơ về sự ra đời của một giải đấu Super League là không hề nhỏ”. Họ thậm chí đã đâm đơn kiện lên Uỷ ban châu Âu, trong đó khẳng định rằng quyết định cấm TPO mà FIFA mới đưa ra đã vi phạm quy định về tự do cạnh tranh của EU. Điều 101, Hiệp ước về cơ chế vận hành của Liên minh châu Âu nghiêm cấm “các thoả thuận, quyết định có tác động làm giảm sút hoặc ngăn cản sự cạnh tranh trong thị trường chung châu Âu” và theo lý giải của La Liga, Primeira Liga, việc cấm sử dụng TPO đã làm giảm khả năng cạnh tranh của các đội bóng thuộc hai giải đấu này trên bình diện châu lục, qua đó vi phạm tinh thần của EU.

Điều 101, Hiệp ước về cơ chế vận hành của Liên minh châu Âu nghiêm cấm “các thoả thuận, quyết định có tác động làm giảm sút hoặc ngăn cản sự cạnh tranh trong thị trường chung châu Âu” và theo lý giải của La Liga, Primeira Liga, việc cấm sử dụng TPO đã làm giảm khả năng cạnh tranh của các đội bóng thuộc hai giải đấu này trên bình diện châu lục, qua đó vi phạm tinh thần của Điều 101. Đây không phải là một lập luận hoàn toàn vô lý, nhưng dẫu sao thì EU sẽ cần thời gian để nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng và trong khoảng thời gian đó, các CLB sẽ không được phép sử dụng TPO. Tệ hại hơn nữa, kể từ mùa tới thì giá trị các bản HĐ truyền hình ở Premier League và Bundesliga đều sẽ tăng đáng kể, nghĩa là khoảng cách về năng lực tài chính lại được nới rộng và đừng ngạc nhiên nếu La Liga đánh mất sự vượt trội so với phần còn lại của bóng đá lục địa già.

QUANG HẢI

Bình luận (0)