Tổng kết V.League 2015 (Kỳ 5) – CLB Hải Phòng: Khi nhà vắng tiền
Khi bóng đá bắt đầu “mở cửa”, nếu như có những con số thống kê cụ thể được công khai, có lẽ CLB Hải Phòng mới chính là đội “phá rào” bạo chi nhất phía Bắc và có thời còn được ví như “kinh đô” của V.League. Thế nhưng, cái thời kỳ vung tiền mạnh tay ở đất Cảng đã không còn nữa, thay vào đó họ không khác gì “đội bóng quốc dân”, sống bằng tiền ngân sách.
Sống bằng nguồn ngân sách
Trong 14 đội tham dự V.League 2015, Hải Phòng và Đồng Nai là 2 cái tên không gắn với nhà tài trợ và không có logo của bất kỳ Mạnh Thường Quân nào trên áo đấu. Với đội bóng miền Đông Nam Bộ, đó là sự đi xuống do hệ lụy từ vụ tiêu cực năm 2014, còn bóng đá Hải Phòng đó là việc đi xuống sau bao nhiêu năm “đốt tiền”.
Những năm trước khi còn gắn với cái tên Xi măng Hải Phòng hay Vicem Hải Phòng, đội bóng đất Cảng có tiềm lực tài chính và khả năng chịu chơi thuộc hàng top ở V.League. Mỗi mùa giải họ có thể tiêu từ 50 đến 100 tỷ đồng. Chuyển nhượng, lương thưởng hay “lót tay”, Hải Phòng là miền đất hứa với giới cầu thủ. Thế nhưng do những thay đổi, việc tái cơ cấu và hàng loạt những biến đổi ở cấp thượng tầng, bóng đá Hải Phòng dù không bị bỏ rơi nhưng bị đẩy vào thế phải đứng trên chân của mình. Theo tìm hiểu, trong mùa giải 2015 tổng chi tiêu của đội bóng đất Cảng chỉ vào khoảng 26 tỷ đồng. Và nó được lấy gần như toàn bộ từ nguồn ngân sách thành phố.
Khoảng gần giữa mùa giải, Hải Phòng tuyên bố đã có được nhà tài trợ khủng từ Tập đoàn điện tử LG. Thế nhưng thương vụ này đã bị đổ bể vì rất nhiều lý do, trong đó có việc bóng đá “cưỡng hôn” bất thành. Với quỹ tiền eo hẹp, Hải Phòng chỉ có thể chuyển nhượng và mua về những cầu thủ ít tên tuổi và tiền lót tay chỉ vào khoảng 200 – 300 triệu đồng/mùa. Thậm chí, có những cầu thủ về đầu quân cho đội bóng chấp nhận chỉ nhận lương tháng.
Chuẩn bị cho mùa giải 2015, nhân sự của đội bóng này đã biến đổi một cách chóng mặt. Họ sẵn sàng cho đi hàng loạt các tên tuổi không còn động lực với đội bóng như Quang Hải, Văn Phong, Đình Tùng, Văn Học… và mua về những cầu thủ tầm trung bình và hết thời đỉnh cao như Văn Nhiên, Đức Dương, Anh Hùng, Đình Hiệp, Khánh Lâm… Nói theo cách mà Chủ tịch Trần Mạnh Hùng lý giải thì việc phải bán đi hay mua về những cầu thủ mới này đều nhằm mục đích cân đối tài chính.
Dấu ấn Hoàng “bộp” và ông Chủ tịch
Mùa giải 2015 cũng chẳng khá hơn 1 năm trước, khi vấn đề tài chính luôn là vật cản lớn nhất với Hải Phòng. Thế nhưng năm 2014 dù kết thúc ở vị trí thứ 3 từ dưới lên nhưng họ lại vớt vát được chiếc Cúp QG. Còn trong năm 2015, dù không có được danh hiệu nhưng với những gì đã thể hiện, có thể nói họ đã thành công.
Tiền thưởng chỉ là cho có, khi mỗi trận thắng thầy trò HLV Trương Việt Hoàng nhận được tối đa 200 triệu đồng và nhiều trận hòa còn không có tiền. Thế nhưng dưới bàn tay của cựu tuyển thủ Thể Công và Chủ tịch Trần Mạnh Hùng, Hải Phòng đã trở thành đội bóng khó chịu nhất, luôn có mặt trong nhóm đầu V.League.
Không có ngôi sao trong đội hình, sức mạnh nằm ở yếu tố tập thể và cặp tiền đạo ngoại binh, Fagan và Stevens, đó là khái quát chung về Hải Phòng. Và để có được thành công khi kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 6, đội bóng đất Cảng đã làm nhiều hơn thế. Với quy định không ai là ngôi sao của đội và chuyên môn phải thuộc về HLV trưởng, ông Hùng lấy tiêu chí đó để “dẹp loạn”. Đã có những cầu thủ thuộc hàng sao như Đinh Tiến Thành, Thanh Tùng… hay thủ môn Thành Thắng đều bị “ăn đòn”. Ông Hùng nói không có “ngôi sao” thì đội bóng không chết nên Tiến Thành và Thanh Tùng đã bị loại ở GĐ2 và đi Cần Thơ.
Một mùa giải chỉ sống bằng tiền ngân sách, lực lượng thì chấp vá, cầu thủ hết thời có, trẻ có nhưng dưới bàn tay của HLV Hoàng “bộp” , Hải Phòng chưa bao giờ là đội bóng dễ bắt nạt. Những trận đấu cần thắng và lấy điểm, họ luôn thành công. Có thời điểm Hải Phòng leo lên vị trí thứ 3 và có cơ hội cạnh tranh thứ hạng, ở lượt cuối cùng của mùa giải nếu không chia điểm trước SLNA, họ đã có thể kết thúc ở thứ hạng cao hơn con số 6.
Trúc An
Trận thua 1-2 trước XSKT.Cần Thơ đã khiến thầy trò HLV Trương Việt Hoàng đón nhận nhiều chỉ trích từ dư luận, NHM. Thậm chí, lãnh đạo bóng đã phải giải trình với BTC giải và sau này chính ông Hùng đã lớn tiếng đòi BTC giải vào cuộc điều tra để trả lại hình ảnh của đội bóng. Thế nhưng đến nay trận thua bất thường này vẫn là một nghi án và người ta chấp nhận nó như một phần của cuộc chơi.