“Tôi có thể chọn dẫn dắt một đội bóng lớn ở giải đấu khác, nơi mà tôi có thể dễ dàng vô địch.” Jose Mourinho chọc ngoáy Pep Guardiola vào ngày Chelsea lên ngôi vô địch mùa giải trước. “Nhưng tôi đã mạo hiểm. Ở Inter, Real hay Chelsea, tôi đều giành những danh hiệu lớn. Có thể trong tương lai, tôi sẽ tới một đội bóng mà ngay cả thợ may áo lên cầm quân cũng có thể vô địch. Nhưng giờ tôi đang hạnh phúc ở Chelsea.”
Những câu đá xoáy Guardiola cứ thế tăng lên khiến người ta nhận ra một điều: Mourinho bị ám ảnh bởi Guardiola, bởi triết lí bóng đá của Barcelona và cả thành công của CLB. Ông đã từng thuộc về nơi đó, nhưng họ đã quay lưng với ông. Năm 2008, Mourinho, với những vinh quang cùng Chelsea và Porto, bày tỏ mong muốn dẫn dắt Barca nhưng chỉ nhận lại một cái lắc đầu từ đội bóng cũ: họ ưu tiên Pep Guardiola. Jose cảm thấy bị ghẻ lạnh. Ông bắt đầu hành trình chống lại Barcelona, chống lại thứ bóng đá tấn công rực lửa để chứng tỏ mình là số một.
Barcelona và Mourinho
Năm 1992, sự nghiệp cầm quân của Jose Mourinho bước sang trang mới khi chàng trai trẻ được bổ nhiệm làm trợ lí cho Bobby Robson, HLV của Sporting Lisbon ở thời điểm đó. Robson thường xuyên trao đổi chiến thuật với Mourinho, ngay cả khi họ chuyển tới Porto rồi Barcelona. Ông dần trao nhiều công việc hơn cho Jose, từ việc thiết kế giáo trình tập luyện cho tới đề ra đấu pháp. Chàng trai người Bồ Đào Nha bổ sung mảnh ghép còn thiếu trong lối chơi tấn công của Robson: sự cân bằng giữa công và thủ.
Năm 1997, Louis van Gaal rời Ajax để đến với Barcelona, bổ nhiệm Jose Mourinho làm trợ lí thứ 3. Barca thập niên 90 là độc cô cầu bại: họ vươn tới đỉnh cao thế giới bằng bóng đá tổng tấn công. Đội bóng xứ Catalan đã từng là ngôi nhà chung của HLV Bayern, Barca, Man United, Porto, PSV Eindhoven và Southampton hiện tại. Triết lí bóng đá tấn công luân chuyển từ Ajax sang Barcelona bởi HLV Rinus Michels năm 1971, được phát triển bởi huyền thoại Hà Lan Johan Cruyff năm 1988 và tiếp tục được nâng tầm bởi Louis Van Gaal, một người Hà Lan khác. Jose Mourinho đến với bóng đá đỉnh cao trong môi trường ‘Barcajax’ tuyệt vời như thế.
Nhưng Mourinho chỉ là một kẻ ngoại đạo. Bóng đá tấn công không có sức hút lớn với Mourinho như những HLV của Ajax hay Barca. Van Gaal rất ấn tượng trước khả năng đọc trận đấu của Jose và cho phép anh đưa ra các lời khuyên chiến thuật trong hiệp 2 hoặc trong các trận giao hữu. “Cậu ta dần trở nên ngạo mạn nhưng tôi thích điều đó.” Van Gaal kể lại. “Jose không thích được dạy bảo, sẵn sàng phản ứng khi tôi mắc sai lầm. Một lần, tôi chấp nhận lắng nghe cậu ta và kể từ đó, tôi lắng nghe Jose nhiều hơn bất cứ trợ lí nào khác.”
Nền tảng thành công
Porto là đội bóng đầu tiên để Mourinho thể hiện khả năng chỉ đạo và tư duy chiến thuật của mình.
Với Mourinho, kiểm soát bóng chưa bao giờ được coi trọng, một điều trái ngược hoàn toàn với Barca. “Bóng càng lăn nhiều ở giữa sân, đối thủ càng có ít cơ hội đe dọa chúng tôi,” Người đặc biệt đã nói như thế. Đó là nguyên tắc số một của ông.
Mourinho luôn chuẩn bị rất kĩ càng cho trận đấu, từ việc tìm hiểu đối phương cho tới dự đoán diễn biến của trận đấu. Costinha, cựu tiền vệ phòng ngự của Porto, nói: “Ông ấy luôn tìm hiểu rất tỉ mỉ về các cầu thủ chúng tôi sẽ phải đối mặt: ‘anh ta sẽ chơi ở đâu, như thế nào?’, ‘anh ta sẽ di chuyển ra sao?’. Tất cả những thông tin đó đều rất hữu ích.” Mourinho có khả năng nhìn trước những tình huống có thể xảy ra. Sau trận thắng PSG 2-0 ở bán kết C1 năm 2014, John Terry tiết lộ rằng lối chơi của Chelsea thay đổi tùy thuộc vào tỉ số trên sân. Việc chuyển sang đội hình tổng tấn công trong 10 phút cuối trận nhằm tìm kiếm bàn thắng thứ hai đã nằm trong tính toán của Mourinho. Chuẩn bị kĩ lưỡng chính là chía khóa thành công.
Mourinho còn tỏ ra khéo léo trong mối quan hệ với các cầu thủ. Thế mạnh của ông là công kích đối thủ, gây áp lực lên trọng tài và làm giảm sức ép lên các học trò bằng cách đương đầu với giới báo chí. Vì vậy, Mourinho rất được lòng các cầu thủ.
Porto đoạt cúp Bồ Đào Nha và cả UEFA Cup cho dù phải “ăn vạ” và “câu giờ” trong trận chung kết như lời cựu HLV Celtic Martin O’Neill. Mùa tiếp theo, họ bảo vệ chức vô địch giải quốc nội và giành cúp C1, cột mốc đáng nhớ trong lịch sử của Porto. Năm 2004, Mourinho bước lên nấc thang mới trong sự nghiệp khi nhận lời dẫn dắt Chelsea.
Khó khăn ở Chelsea
Mùa giải đầu tiên của Mourinho ở Premier League chứng kiến sự phát triển về mặt chiến thuật của HLV người Bồ Đào Nha. Trong 6 trận đầu tiên, Chelsea mang về 14 điểm và chỉ để lọt lưới 1 bàn, nhưng cũng chỉ ghi được 6 bàn. Mourinho nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển từ phòng ngự sang tấn công và ngược lại. Thêm vào đó, ông giới thiệu khái niệm “resting on the ball”, chuyền qua lại ở phần sân nhà để các cầu thủ hồi sức. Cũng vì thế, lối chơi của đội bóng trở nên đơn điệu, thiếu sức sống. Mourinho trở nên thận trọng hơn nhiều so với những ngày ở Porto.
Chelsea vô địch mùa 2004/05 nhưng chủ tịch Abramovich còn muốn nhiều hơn thế. Với số tiền đầu tư khổng lồ của ông, Chelsea cần phải chơi đẹp mắt. Mùa tiếp theo, Chelsea duy trì lối chơi thực dụng và vô địch sớm. Abramovich vẫn không hài lòng và tiếp tục tung tiền mua thêm những ngôi sao mới, nổi bật là Andriy Shevchenko. Những bản hợp đồng mới gây thất vọng, gây ra sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa Mourinho và Abramovich. Sự đổ vỡ đạt tới đỉnh điểm khi Chelsea bị đội bóng hạng 2 Wycombe cầm hòa 1-1. Chelsea vẫn giữ được sự chắc chắn ở hàng thủ nhưng hoàn toàn bế tắc trong tấn công.
Mourinho chỉ trích thậm tệ tỷ phú người Nga khi chính sách mua bán của ông chỉ đem lại gánh nặng trên hàng công và chẳng lấp đầy những lỗ hổng ở hàng thủ. Mourinho chịu đựng thêm 8 tháng nữa trước khi quyết định rời đi vào tháng 9/2007.
Sự trả thù
Mùa hè năm 2008, Barcelona sa thải HLV Frank Rijkaard và tìm kiếm sự thay thế. Txiki Begiristain, giám đốc kĩ thuật của Barca, đích thân phỏng vấn Mourinho, nhưng cũng thông báo rằng quyết định cuối cùng phụ thuộc vào huyền thoại của CLB là Johan Cruyff. Mourinho ngay lập tức gọi điện cho chủ tịch Barca Joan Laporta và xin được gặp Johan Cruyff. Nhưng quyết định đã được ra: Pep Guardiola sẽ ngồi vào ghế HLV. Kể từ đó, Mourinho không bao giờ tha thứ cho Barcelona.
Mùa hè năm đó, Mourinho trở thành HLV của Inter, với hành trang là lối chơi thiên về phòng ngự. Ông mang đến những thành công ngoài mong đợi cho Inter: vô địch Serie A 2 năm liên tiếp và đặc biệt là chiếc cúp C1 đầu tiên trong 45 năm mùa 2009-2010. Chiến thắng 2-0 trước Bayern của Van Gaal trong trận chung kết đã đưa Inter lên đỉnh châu Âu, nhưng người ta sẽ còn nhớ mãi sự trả thù ngọt ngào của Mourinho trước Barcelona trong trận bán kết lượt về ở Nou Camp.
Ở trận đấu đó, mọi chuyện trở nên khó khăn với Inter khi Thiago Motta nhận thẻ đỏ ở phút 29, giữa lúc Barca đang gia tăng sức ép. Mourinho ngay lập tức kéo cả 9 cầu thủ về phần sân nhà, tạo nên một pháo đài phòng ngự không thể xuyên thủng. Các cầu thủ Inter nhường hoàn toàn quyền kiểm soát bóng cho đối thủ, bịt mọi khoảng trống trước mặt thủ thành Julio Cesar và chủ động phá các đường chuyền ngắn của Barca. Kết thúc trận đấu, Inter chỉ có 1 pha sút trúng khung thành, cầm bóng 19% và chỉ thua 1-0 – kết quả vừa đủ giúp họ giành chiến thắng chung cuộc 3-2.
Barcelona ở thời kì đỉnh cao đã phải cúi đầu trước Inter của Người đặc biệt. Mourinho tất nhiên là không thể hả hê hơn: ông không những dập tắt ánh hào quang của Barcelona mà còn mở ra con đường đánh bại tiki-taka cho các đội bóng khác.
Những ngày ở Real
Chiến thắng của Inter trước Barcelona ngay lập tức lọt vào mắt xanh của chủ tịch Real Madrid Florentino Perez, người đang vô cùng cay cú trước những thành công của đại kình địch. Ở thời điểm đó, Barca và Guardiola hoàn toàn thống trị bóng đá Tây Ban Nha từ cấp CLB cho tới đội tuyển quốc gia. Và Mourinho, người đã cho đội bóng xứ Catalan nếm trải thất bại, chính là người mà Perez cần. Ngay cả Mourinho khi đó cũng mong muốn trở về Anh hoặc Tây Ban Nha. Năm 2010, Mourinho lên dẫn dắt Real Madrid.
Trận siêu kinh điển đầu tiên của Mourinho diễn ra vào ngày 29/11/2010 trên sân Nou Camp. Thành Madrid đã chờ đợi một cuộc lật đổ Barca từ lâu lắm rồi, như những gì Người Đặc Biệt đã làm được với Inter 7 tháng trước. Thật không may, trận đấu kết thúc với thất bại 0-5 của Real. Barcelona hôm đó đã biến hóa hơn rất nhiều.
Ở Real, Mourinho vào trận với tâm lí muốn chứng tỏ bản thân là một bậc thầy chiến thuật, hơn là giành chiến thắng. Ông nhắc đi nhắc lại khái niệm ‘trivote’, một tam giác gồm 3 tiền vệ dũng mãnh sẵn sàng đoạt bóng từ phía trên và tạo nên một tấm khiên trước hàng hậu vệ. Mourinho còn đề ra 7 nguyên tắc để giành chiến thắng trong những trận đấu lớn:
1. Đội nào ít mắc lỗi hơn sẽ thắng
2. Đội nào buộc đối thủ mắc nhiều sai lầm hơn sẽ thắng
3. Khi đá sân khách, hãy bắt đối thủ mắc lỗi thay vì cố đá hay hơn họ.
4. Đội nào cầm bóng nhiều hơn sẽ mắc nhiều lỗi hơn.
5. Kiểm soát bóng ít hơn giúp bạn làm giảm cơ hội mắc lỗi.
6. Cầm bóng nhiều sẽ làm bạn nôn nóng.
7. Và đội không cầm nhiều bóng chắc chắn sẽ mạnh hơn.
Trận bán kết Champions League giữa Barca và Real năm 2011 là ví dụ rõ nhất cho sự tương phản giữa hai đội. Một bên đá bóng, còn một bên chỉ nhăm nhăm phá lối chơi. Một bên tích cực nằm sân, một bên tích cực phạm lỗi. Thiên thần và ác quỷ, bóng đá và phản bóng đá. Trong 17 trận đấu của Mourinho với Barca, Real phạm lỗi 346 lần so với 220 lần của Barcelona. Thứ bóng đá xấu xí của Mourinho đã chọc giận một số cầu thủ Real cũng như ngài chủ tịch Perez.
Sự thù địch giữa Barca của Guardiola và Real của Mourinho tiếp tục tăng lên ở mùa giải tiếp theo, đỉnh điểm là trận siêu kinh điển tháng 8/2011. Trận đấu kết thúc với 2 thẻ đỏ cùng một loạt pha đấu võ của cầu thủ hai bên, và đặc biệt là pha chọc vào mắt Tito Vilanova của Mourinho. Hành động hèn hạ này như một giọt nước tràn ly.
Quay về mái nhà xưa
Xung đột với đội trưởng Iker Casillas là dấu chấm hết cho gần 3 năm gắn bó với Real của Mourinho. Ngày 7/5/2013, Mourinho bất ngờ trước thông tin Alex Ferguson chỉ định David Moyes là người kế nhiệm tại Man Utd. Mourinho luôn duy trì mối quan hệ rất tốt với Ferguson nhưng cựu HLV của Man Utd lại chẳng thèm gọi điện cho Người Đặc Biệt thông báo về quyết định này. Đêm hôm đó, Mourinho mất ngủ, liên tục kiểm tra các bản tin với hi vọng đó chỉ là tin đồn thất thiệt. Lựa chọn duy nhất còn lại cho ông là về Chelsea.
Hè 2013, Mourinho về Chelsea với tâm thế của một “người hạnh phúc”. Ông cảm thấy vui mừng khi trở lại ngôi nhà cũ nơi các cổ động viên yêu mến ông, quý trọng lối chơi thực dụng mà ông đã dày công gây dựng cho đội bóng. Trong lần trở lại này, với những cầu thủ sáng tạo như Hazard và Oscar, Mourinho thậm chí đã giúp Chelsea chơi cống hiến hơn. Mùa giải đầu tiên, Chelsea gặp một vài trục trặc và về đích ở vị trí thứ 3. Nhưng ở mùa tiếp theo 2014/2015, Chelsea dễ dàng tiến tới ngôi vô địch.
Vấn đề ở chỗ càng đi đến cuối mùa giải, Chelsea lại quay lại với lối chơi thực dụng, nhàm chán của mình. Những chiến thắng xấu xí của Chelsea tiếp tục được đem ra bàn tán và người ta tự hỏi, đó có phải là bóng dáng của một nhà đương kim vô địch. Nhưng với Mourinho, không gì quan trọng hơn kết quả. “Ngay cả những đứa trẻ, chơi bóng với người lớn, cũng muốn thắng trận.” Mourinho đáp trả. “Bản chất của bóng đá là thế, và bóng đá chuyên nghiệp cũng không là ngoại lệ.”
“Một HLV giỏi sẽ nhìn ra ưu điểm và nhược điểm của đối thủ cũng như đội bóng của mình. Một trong những bí quyết thành công đó là tự đặt hỏi: ‘Chúng ta sẽ che giấu khuyết điểm của mình bằng cách nào?’”
Che giấu là điều không thể
Rắc rối ập đến với Mourinho ở mùa giải thứ 3 xuất phát một phần từ cá tính của Người đặc biệt. Ông thường xuyên gây gổ với mọi người đặc biệt là các trọng tài, tự dựng lên thuyết âm mưu cho rằng đang có một thế lực chống lại Chelsea. Dần dần, những người trong cuộc cũng phát ngán những lời nói độc mồm độc miệng của Mourinho.
Các cầu thủ cũng chẳng khá hơn. Trong tour du đấu trước mùa giải, Mourinho chắc hẳn đã cảm nhận được có gì đó không ổn ở đội bóng: nhiều cầu thủ đánh mất động lực, một số người bắt đầu nghi ngờ ông. Thực tế đã chứng minh điều đó. Chelsea khởi đầu mùa giải 2015/2016 vô cùng tệ hại với những đôi chân rệu rã.
Căng thẳng lên tới đỉnh điểm trong trận đấu với Swansea City. Khi tỉ số đang là 2-2 và chỉ còn vài phút nữa là hết giờ, một cầu thủ Chelsea giả vờ bị đau khiến cho đội ngũ y tế phải chạy vào sân. Mourinho lập tức chửi mắng các nhân viên y tế trong đó có bác sĩ Eva Carneiro và công khai chỉ trích họ trước báo chí.
Với các cầu thủ, nhân viên y tế là những người đáng tin cậy, trực tiếp chăm lo tới sức khỏe của họ. Chẳng hạn, nếu một cầu thủ bị đau bắp chân, anh ta có thể không dám bày tỏ với HLV vì sợ mất vị trí, nhưng chắc chắn sẽ thông báo với các bác sĩ để được chữa trị. Đội ngũ y tế còn là chỗ dựa tinh thần cho các cầu thủ. Họ sẵn sàng trao đổi và đưa ra những lời khuyên về chuyện đời tư, sự tự tin hay cách đương đầu với áp lực trên sân cỏ. Chính vì sự tin tưởng tuyệt đối như thế, việc Mourinho sa thải bác sĩ Eva Carneiro đã làm phòng thay đồ của Chelsea dậy sóng.
The Blues liên tục để thua những đội bóng tầm trung như Southampton, West Ham, Bournemouth… Mourinho bị cấm chỉ đạo vì những lời nói tục tĩu hướng vào trọng tài. Chelsea hoàn toàn trở nên mất kiểm soát.
Chia tay
Mourinho kết thúc giấc mơ lập nên triều đại Chelsea của mình hôm thứ 5 tuần trước, sau 10 phút thương lượng với ban lãnh đạo đội bóng. Thỏa thuận được đưa ra sau thất bại trước Leicester City của HLV Claudio Ranieri, người đã phải nhường ghế HLV Chelsea cho Mourinho năm 2004.
Sau trận đấu đó, Người đặc biệt nhắc đi nhắc lại rằng ông đã bị các cầu thủ “phản bội”. Họ không tuân theo những chỉ đạo của ông. Một cầu thủ nào đó còn lén đưa đội hình xuất phát của Chelsea cho Porto trước khi hai đội chạm trán ở Champions League. Mối quan hệ của Mourinho với các cầu thủ cũng đổ vỡ nghiêm trọng: Diego Costa ném áo tập vào HLV khi không được vào sân, Eden Hazard lờ đi một cái ôm khi bị thay ra. Giám đốc kĩ thuật của Chelsea nói rằng ngày Mourinho ra đi, Chelsea ngập chìm trong những mâu thuẫn.
Giờ thì sao? Mourinho có thể tới Man Utd hoặc có thể chờ đợi một cơ hội khác mở ra. Nhưng nên nhớ, kể từ khi rời Real năm 2010, ông mới chỉ giành được 2 danh hiệu. Sau 8 năm kể từ khi dẫn dắt Porto, Mourinho đoạt tới 6 cúp quốc nội và 2 cúp C1. Bóng đá không ngừng phát triển và các HLV cần phải thích nghi thật nhanh với những lối chơi mới. Mourinho có lẽ đang tiến gần hơn tới sườn dốc của sự nghiệp.
Hạ màn
“Tôi tưởng tượng tới một ngày, bóng đá trở thành trò mèo vờn chuột, đội nào cầm nhiều bóng hơn thì thắng. Nếu cứ chơi “đẹp” như vậy, bàn thắng sẽ chẳng bao giờ tới cả.” Mourinho đáp trả những chỉ trích khi Chelsea hòa Arsenal 0-0 mùa trước. Mourinho luôn tự coi mình là kẻ thù không đội trời chung của Barcelona, của Guardiola. Barca làm gì, ông làm ngược lại, kể cả chơi xấu. Có lẽ, chỉ khi nào thoát khỏi cái bóng của đội bóng xứ Catalan, Mourinho mới có thể vươn tới một đẳng cấp mới.
Giang Cao (theo Guardian)
Fan page Thethao24h
Thể Thao 24 TV (http://thethao24.tv)
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Vũ Quang Huy
Giấy phép số 91/GP-TTDT do bộ thông tin & truyền thông cấp ngày 09-05-2011
Địa chỉ tòa soạn: 65 Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Địa chỉ liên lạc: 79 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: (04) 32669666 - Fax: (04) 39429189
Email: baothethao24h@sport24h.com.vn
Powered by Netlink Tech