Đổi màu áo đâu đổi được danh phận

Lịch sử không thiếu những cầu thủ thi đấu cho các đội tuyển khác nhau. Chẳng hạn như Alfredo di Stefano khoác áo đội tuyển nơi ông sinh ra là Argentina (1947), rồi Colombia (1949) và Tây Ban Nha (1957–61).

Hay đồng đội của Di Stefano tại Real Madrid là Ferenc Puskas cũng thi đấu cho Tây Ban Nha sau khi khoác áo Hungary vào đầu sự nghiệp. Hoặc một cầu thủ nổi tiếng nữa đổi đội tuyển là Jose Altafini khi từng thi đấu cho Brazil tại World Cup 1958 và sau là Italia ở World Cup 1962.

Tuy nhiên, kể từ năm 2004, FIFA đã thực hiện nhiều thay đổi quan trọng liên quan đến việc chọn và đội tuyển quốc gia, trong đó quy định nổi bật là một cầu thủ nếu chỉ khoác áo đội trẻ nước này, anh ta vẫn được quyền thi đấu cho đội tuyển nước khác. Ngược lại, nếu đã thi đấu cho một đội tuyển (trừ những trận giao hữu), anh ta không thể khoác áo một đội tuyển khác.

Đến tháng 3 năm đó, FIFA tiếp tục mở rộng luật quốc tịch ở đội tuyển nhằm phản ứng trước xu hướng tăng dần ở một số quốc gia như Qatar, Togo trong việc mời gọi cầu thủ Brazil, và nhiều nước khác, nhập tịch. Nghĩa là bên cạnh quy định mong muốn đại diện cho quốc gia đó, cầu thủ phải có cha mẹ, ông bà sinh tại quốc gia này hay bản thân anh ta sống ở đây trong ít nhất là 2 năm. Nói như Chủ tịch FIFA, Sepp Blatter, vào tháng 11/2007 thì “Nếu chúng tôi không ngăn chặn xu hướng này, nếu chúng tôi không quan tâm đến sự xuất hiện của các cầu thủ Brazil ở châu Âu, châu Á và châu Phi, tại World Cup 2014 hay 2018, trong 32 đội tuyển sẽ có đến 16 đội tuyển gồm toàn cầu thủ Brazil”.

abc

Có thể nói, quy định của FIFA đã hạn chế phần nào tình trạng đổi quốc tịch và đổi đội tuyển lan tràn trước đó. Dễ thấy rằng, một cầu thủ nếu cảm thấy anh ta không có cơ hội ở đội tuyển này hay cơ hội dự Euro hoặc World Cup, anh ta dễ dàng thay đổi màu áo là xong. Còn bây giờ, cầu thủ chỉ có một đội tuyển để lựa chọn như trường hợp của Diego Costa với Tây Ban Nha sau khi tiền đạo này từng được gọi vào đội tuyển Brazil nhưng không được ra sân.

Tuy nhiên, bên cạnh các quy định chặt chẽ của FIFA, một lý do khiến cầu thủ bây giờ không còn muốn đổi màu áo nữa có liên quan đến chuyện thành công và thất bại. Thật khó để đưa ra một lời giải thích chính xác nhưng phải thừa nhận ngay rằng, trừ những biến động liên quan đến chia tách quốc gia như thời Liên Xô, Nam Tư và Tiệp Khắc cũ, chúng ta hiếm khi tìm được một cầu thủ nào đổi quốc tịch mà thành công như Mesut Ozil (Thổ Nhĩ Kỳ – Đức) hay Miroslav Klose (Ba Lan – Đức). Costa là một ví dụ cụ thể hay xa hơn là Jermaine Jones từng có mặt trong 3 trận giao hữu của Đức năm 2008 và khoác áo Mỹ kể từ năm 2010, Thiago Motta đá cho Brazil và giờ là Italia…

Rốt cuộc, nhìn đi nhìn lại, những cầu thủ hai quốc tịch từ các thập niên trước như Laszlo Kubala (Tiệp Khắc, Hungary, Tây Ban Nha), Luis Monti (Argentina, Italia), Jose Santamaria (Uruguay, Tây Ban Nha) hay Di Stefano, Puskas… được nhắc đến nhiều hơn cả.

Mạnh Hào