M.U và sứ mệnh "giữ lửa" đào tạo trẻ

Sir Alex Ferguson chính là người đã khôi phục truyền thống đào tạo cầu thủ trẻ cho Manchester United nhưng kể từ khi vị chiến lược gia người Scotland nghỉ hưu vào năm 2013, vấn đề này ngày càng được ban lãnh đạo Quỷ đỏ quan tâm mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Thời điểm mới lên nắm quyền vào năm 1986, Sir Alex ngay lập tức đã đề xuất một bản danh sách những nhược điểm mà M.U cần phải khắc phục, bao gồm văn hóa uống rượu “quá độ”, sự hạn chế trong việc tập thể dục hay vấn đề già hóa đội hình… Bên cạnh đó, nhà cầm quân người Scotland cũng không quên nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đào tạo trẻ đối với đội bóng chủ sân Old Trafford.

Dưới triều đại Sir Matt Busby rồi đến Ron Atkinson, M.U từng sản sinh ra một lứa cầu thủ trẻ cực kỳ chất lượng, tiêu biểu như Mark Hughes hay Norman Whiteside, những người đã giúp Quỷ đỏ đăng quang chức vô địch FA Youth Cup vào năm 1982, danh hiệu cuối cùng trước khi thế hệ 1992 của Ferguson lặp lại thành tích này một lần nữa.

Trong cuốn tự truyện Quản lý cuộc đời (Managing My Life), Sir Alex đã viết: “Những nỗi lo lắng của tôi ngày càng chồng chất hơn khi mà đội bóng vẫn đang thiếu đi một hệ thống chính sách phát triển cầu thủ trẻ toàn diện. Đơn giản, mục tiêu của tôi chính là nhiệm vụ đặt nền móng cho một CLB thành công trong nhiều năm liên tiếp hoặc thậm chí là nhiều thập kỷ.”

Sau khi “Máy sấy tóc” quyết định giải nghệ vào mùa Hè năm 2013, truyền thống đào tạo trẻ của M.U đã phần nào được khôi phục. Thời điểm hiện tại, đội bóng thành Manchester đang sở hữu một học viện chất lượng hàng đầu nước Anh, theo như đánh giá từ Elite Player Performance Plan (EPPP), một chương trình nhằm thúc đẩy công tác phát triển cầu thủ trẻ ở Premier League nói chung. Dưới thời Louis van Gaal, đã xuất hiện tổng cộng 8 cái tên đến từ học viện được “Tulip thép” cho ra mắt ở đội hình chính, một minh chứng cho thấy vị chiến lược gia người Hà Lan luôn quan tâm đến các cầu thủ trẻ. Mặc dù vậy, vẫn tồn tại những vấn đề mà BLĐ Quỷ đỏ cần phải sớm giải quyết.

Trên thực tế, M.U đang thiếu đi một Giám đốc học viện, vị trí hết sức quan trọng mà trước đây từng thuộc về Brian McClair, người đã chuyển sang làm việc cho LĐBĐ Scotland từ hồi tháng Hai năm nay. Mãi cho tới gần đây, ban lãnh đạo đội bóng chủ sân Old Trafford mới cân nhắc đến kế hoạch “đại tu” toàn bộ học viện của mình, trong đó có nhiệm vụ tìm kiếm một người thay thế vai trò mà Brian McClair từng đảm trách.

John Murtagh, một nhân vật cấp cao đang làm việc trong học viện của M.U từng đề nghị CLB xây dựng một hệ thống quản lý hiện đại, bao gồm: các chương trình đào tạo cầu thủ trẻ, kế hoạch tuyển sinh theo mỗi mùa giải, đội ngũ tuyển trạch viên đa dạng cũng như vấn đề ký kết hợp đồng. Thời điểm hiện tại, Nicky Butt, một cựu danh thủ từ thế hệ 1992 đang là người dẫn dắt đội U19 Manchester United. Trước đây, Butt cũng từng có thời gian làm việc lâu dài cùng đội U18 và U21 Quỷ đỏ. Mặc dù vậy, nếu như M.U không sớm bổ sung một người thay thế McClair, học viện trẻ của đội bóng thành Manchester sẽ khó lòng có thể phát triển xa hơn.

Được biết, cả John Murtagh lẫn John Alexander, thư ký của M.U đều đang chủ động tiến hành những kế hoạch phát triển đào tạo trẻ cho CLB chủ sân Old Trafford. Có nhiều khả năng, Quỷ đỏ sẽ bổ nhiệm John McDermott, người hiện đứng đầu trong công tác phát triển cầu thủ trẻ bên phía Tottenham Hotspur lên nắm giữ chức vụ Giám đốc học viện. Thực tế cũng cho thấy, học viện trẻ của Spurs đã thu được khá nhiều kết quả tích cực trong những năm gần đây.

Xét trên lĩnh vực tìm kiếm và khai thác nguồn cầu thủ trẻ giàu tiềm năng, M.U cũng gặp phải không ít áp lực từ phía “người hàng xóm” Manchester City, với sự xuất hiện đầy thách thức của City Football Acedemy. Cần phải nhấn mạnh rằng, The Citizens đang sở hữu một giám đốc học viện cực kỳ giàu kinh nghiệm là Brian Marwood, một người hiểu rất rõ những vấn đề trong công tác đào tạo và phát triển bóng đá trẻ. Cộng thêm sự hỗ trợ đến từ nguồn ngân sách vô cùng dồi dào, đội bóng chủ sân Etihad cũng hứa hẹn sẽ thu hút được nhiều cầu thủ “tuổi teen” xuất sắc nhờ chế độ đãi ngộ rộng rãi về mặt tài chính.

Có một nghịch lý khá trớ trêu là Chelsea đã vô địch FA Youth Cup tới 3 lần chỉ trong vòng 4 năm qua, thế nhưng hầu hết các cầu thủ thuộc học viện của The Blues đều không được thử sức ở đội hình chính. Tương tự, Man City cũng thường xuyên gặp vấn đề bởi chính sách “mua sao” có phần… vô tội vạ của mình. Điều này vô hình trung cũng phản ánh một thực tế rằng, M.U vẫn là đội bóng đang làm khá tốt công tác đào tạo tài năng trẻ.

Ở một chừng mực nào đó, truyền thống vĩ đại của Quỷ đỏ sẽ không thể tiếp tục được duy trì nếu như những người đứng đầu tỏ ra thờ ơ trong nhiệm vụ phát triển nền bóng đá trẻ. Hơn lúc nào hết, M.U đang thực sự cần một chính sách ổn định và toàn diện hơn dành cho những cầu thủ trẻ, giống như những gì mà Sir Alex Ferguson từng làm trong quá khứ.

Nam Anh

Fan page Thethao24h

Mã an ninh

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Vũ Quang Huy

Giấy phép số 91/GP-TTDT do bộ thông tin & truyền thông cấp ngày 09-05-2011

Địa chỉ tòa soạn: 65 Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Địa chỉ liên lạc: 79 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Điện thoại: (04) 32669666 - Fax: (04) 39429189

Email: baothethao24h@sport24h.com.vn

Powered by Netlink Tech