Phía sau chuyến xuất ngoại dang dở của Hoàng Quý Phước: Chuyện bữa cơm & nỗi lòng người mẹ già

Thấy cảnh Quý Phước một thân một mình ở Nhật Bản với điều kiện kham khổ, bà Nguyễn Thị Tại xót xa như “đứt từng khúc ruột”. Và khi hay tin Phước về nước, người mẹ đã ngoại lục tuần đang bị căn bệnh khớp hành hạ đã mừng tủi đến trào nước mắt.

Như mắc tội “đem con bỏ chợ”

“Lúc sinh Phước, tôi tưởng nó không còn trên đời này vì tôi bị băng huyết. May mắn thay lúc sinh cháu ra nặng tới 4.5kg. Thời đó gia đình cơ cực lắm, Phước chịu rất nhiều thiệt thòi. 4 tháng đã phải bỏ bú mẹ vì không có sữa. Nhà nghèo, lại đông con, các anh chị khác đều đi học còn tôi phải tất bật mưu sinh nên sau khi bỏ sữa mẹ, Phước đã được đi gửi trẻ. Đau lòng lắm, đứt từng đoạn ruột để một đứa trẻ sơ sinh phải xa vòng tay mẹ. Khuya dậy đi bán hàng trong khi tối mịt mới về, thời gian bên con quá ít ỏi. Tối về nó không cho tôi bồng vì xa lạ. Buồn hơn khi lúc bi bô những tiếng đầu tiên, nó lại nói giọng Huế của cô giữ trẻ”, bà Nguyễn Thị Tại, mẹ của Hoàng Quý Phước nhớ lại mà khóe mắt cay xè.

Chuyện bữa cơm & nỗi lòng người mẹ già

Như để bù đắp cho những thiệt thòi lúc lọt lòng, bà Tại vẫn luôn âm thầm chăm sóc con từng tí một, nhất là thời gian Phước tập luyện ở đội bơi Đà Nẵng. “Nó là con út trong gia đình, lại là con trai nên đâu biết nấu ăn, giặt giũ gì đâu. Lúc nó tập ở đội, cứ tối đến tôi lại đến xin bảo vệ cho vào để gom quần áo về giặt. Cứ vài ba ngày lại hầm thịt, gà hầm thuốc bắc đem vào cho nó. Gửi tiền ở căn tin hằng tháng để nó tẩm bổ thêm chứ tập luyện vất vả như thế mà không đảm bảo dinh dưỡng lấy đâu ra sức”, bà Tại không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến con.

Bởi vậy, khi nghe tin Phước sang tập huấn bên Nhật Bản phải tự thân vận động toàn bộ, cả nhà Phước vô cùng lo lắng, xót xa. “Mỗi lần nó bảo nấu cơm là bị cháy, khê, có khi mua con gà mà ăn tới mấy ngày mà nước mắt tôi cứ lăn dài. Từ nhỏ đến lớn có biết gì đâu mà giờ phải tự đi chợ, nấu ăn làm sao nó làm được. Buồn lắm, tủi lắm, thương xót con lắm nhưng biết làm sao được. Chỉ biết cầm lòng để con khỏi lo lắng, yên tâm tập luyện”, bà Tại nhớ lại.

Bữa cơm ngon cho con, hạnh phúc của mẹ

“Nhìn con đi Nhật mà sinh hoạt kiểu đó tôi thấy xót xa, hụt hẫng, chán nản lắm. Cứ nghĩ như mình mắc phải cái tội “đem con bỏ chợ”. Thế là nhiều đêm trằn trọc không ngủ được, cứ nghĩ tới con là nước mắt trào ra nhưng sợ nó buồn, ảnh hưởng đến tập luyện đâu có dám nói cho nó biết”, nói đến đây, bà Tại không cầm được nước mắt.

Lúc Phước dừng tập huấn ở Nhật Bản, cả nhà vui mừng khôn xiết. “Cảm giác này thật khó tả. Cứ như thể nhiều năm xa cách nay lại được đoàn tụ. Được nấu cho con ăn một bữa cơm ngon mà tôi thấy trẻ lại cả chục tuổi”, mẹ Phước như trút đi sự day dứt của bản thân.

Tại giải bơi VĐQG 2015 tổ chức ngay ở Đà Nẵng, dù phải đến hơn 19h00 mới xong công việc ngoài chợ nhưng bà Tại vẫn cùng người thân thu xếp đến cổ vũ cho đứa con cưng này.  Đã ngoài 60 nhưng bà Tại như sống lại cái thời xuân xanh khi liên tục reo hò, thúc giục, theo sát từng chuyển động trên đường đua xanh của con trai. Và kình ngư mới vừa hồi phục chấn thương lưng đã không phụ lòng mẹ khi lập tức đoạt HCV.

“Chuyện đã qua của Phước gia đình cũng không muốn nhắc lại làm gì. Nghĩ đến chỉ thêm buồn. Đó là bài học quý, đắt giá đối với  Phước. Tôi hy vọng những nhà quản lý thể thao sẽ nhìn nhận lại thấu đáo để có giải pháp hợp lý đối với Phước. Tôi tin nếu nhận được sự đầu tư đúng đắn, Phước sẽ trở lại là chính mình”, bà Tại trải lòng.

Trần Khánh

Cả nhà 10 người phải sống chen chúc trong ngôi nhà 64m2 nên bà Tại phải chuyển ra thuê nhà riêng sống 1 mình để tiện buôn bán. Với chế độ đãi ngộ mới của thể thao Đà Nẵng, bản thân Phước cũng như gia đình mong mỏi được xem xét cho mua hay thuê nhà ưu đãi, có thể an cư để toàn tâm cống hiến cho sự nghiệp thể thao.

“Nhìn Ánh Viên được chăm sóc đến tận răng mà tôi không khỏi chạnh lòng. Nói vui chứ cách chăm lo cho Viên như con nhà giàu còn Phước lại mang phận con nhà nghèo”.

 Bà Nguyễn Thị Tại.