Kỷ niệm 30 năm thảm hoạ Heysel: Câu chuyện về một thảm kịch (Kỳ 2)
Một trận chung kết được chờ đợi trong hy vọng đã biến thành một thảm kịch như thế nào?
Những làn sóng rượu trên khán đài Z
30 năm là một quãng thời gian đủ dài và không phải là vô ích. Không ai biết điều gì đã xảy ra với những người chứng kiến Heysel. Có những người mãi mãi ghi nhớ những hình ảnh đau lòng ấy. Có những người lựa chọn để lưu giữ, có người đã quên đi. Trong kí ức của tôi, có hình ảnh của một người đàn ông với cái bụng rất bự và một người nữa đang cố gắng nhấn ép tim một nạn nhân để tìm cách cứu sống anh ta. Một thanh niên không chết vì sập khán đài, nhưng chết ngay vì một nhát đâm xuyên cổ họng. Một sự im lặng kinh khủng bao trùm tất cả. Có một cô gái với đôi môi đỏ như mứt dâu đang nằm trong cái im lặng chết chóc. Cô đi giày màu trắng và mặc váy xanh.
Có rất nhiều người vây quanh họ. Và rồi bây giờ, tiếng ầm ỹ mới vang lên. Các tifosi nhìn thấy thẻ nhà báo đeo trên cổ các phóng viên. Họ dang tay ra, đưa những mẩu giấy có ghi số điện thoại, bảo chúng tôi làm ơn hãy gọi điện về nhà cho họ, bảo rằng “mẹ ơi con vẫn sống”. Ngày ấy làm gì có smartphone, máy tính, còn internet thì vẫn ở thời kì sơ khai. Ở khu khán đài, những phóng viên của nhật báo Tuttosport chúng tôi có một chiếc điện thoại quay số bằng tay màu đen. Tất cả bọn họ đều hướng về phía chúng tôi, trong một hành động gần như tuyệt vọng, cả một cơn mưa những lời nói ngập chìm trong máu. Các phóng viên lúc ấy không biết phải làm gì hơn nữa. Có những người cứ đứng ngây người ra nhìn, lên rồi lại xuống các bậc khán đài, cố gắng mô tả tốt nhất những gì họ có thể. Bùng lên cả cảm giác bất lực, trống rỗng và vô vọng vì không thể làm gì giúp các nạn nhân, cùng cảm giác xấu hổ khi đang ghi chép.
Chiến thắng trong ngày thảm họa
Những gì còn lại chúng ta đã biết. Những lời cầu khẩn các đổ động viên từ các đội trưởng Juventus và Liverpool. Đội trưởng Juventus, Gaetano Scirea nói: “Hãy bình tĩnh. Chúng tôi sẽ thi đấu vì các bạn”. Trận đấu được lùi giờ từ 20h15 xuống 21h40. Thế rồi một cú ngã bên ngoài vòng cấm địa của Boniek được trọng tài biến thành một quả phạt đền mà Platini đã thực hiện thành công, sau đó đã ăn mừng bàn thắng bằng cách giơ lên một nắm đấm. Bầu không khí như đặc quánh lại, hư ảo, và trận đấu diễn ra trong một cảm giác như bị quỷ ám, trong sự bất lực phản kháng của con người. Juventus chiến thắng. Trên sân, chúng tôi ôm nhau chúc mừng, nhưng Claudio, người đồng nghiệp cao tuổi nhất, òa khóc bên cạnh một BLV trẻ, và nhắc đi nhắc lại rằng: “Hết rồi, bây giờ thì hết thật rồi”
Tổng cộng có 39 người đã chết, và cứ mỗi năm, khi bắt đầu vào tháng Năm, những kí ức lại ùa về. Cả kí ức của những người còn sống về Otello Lorentini, cha của Roberto Lorentini (chết ở Heysel khi tròn 31 tuổi), người đã làm đại diện cho tiếng nói của các bậc cha mẹ có con thiệt mạng ở Heysel. Bản thân Otello cũng không còn nữa. Cơn ác mộng ám ảnh trong những giấc mơ, trong kí ức của một cuộc đời phóng viên lại qua các sân vận động, những đam mê, những nỗi sợ hãi, niềm hạnh phúc, những chuyến đi, nỗi cô đơn, sự mệt mỏi, những thành phố, câu chữ của bài viết.
Và luôn luôn trở lại hình ảnh của một đôi môi đỏ chót, nhỏ nhắn, và không bao giờ được hôn nữa”.
TRƯƠNG ANH NGỌC (từ Roma, Italia, lược dịch)