Festival bóng đá học đường U.13

Hôm nay,  ĐT U13 bóng đá học đường Yamaha đã có 2 trận giao hữu trong chuyến du đấu tại Nhật Bản. Theo đó, thầy trò của các HLV Lưu Danh Minh, Nguyễn Huy Hoàng đã giành chiến thắng 3-1 và 7-0 lần lượt trước U14 và U12 Azul Claro Mist.

HLV Lưu Danh Minh chỉ đạo luyện tập cho đội tuyển U13 bóng đá học đường Yamaha
HLV Lưu Danh Minh chỉ đạo luyện tập cho đội tuyển U13 bóng đá học đường Yamaha

Nhìn lại 2 trận đấu tại Shizuoka, HLV trưởng Lưu Danh Minh hài lòng với kết quả nhưng cho rằng, các học trò của mình phải cải thiện nhiều vấn đề trong và ngoài sân cỏ cũng như nỗ lực về chuyên môn cho trận đấu cuối vào sáng mai (19/08) gặp U14 Azul Claro Izu.

Tuy nhiên, dưới góc độ Trưởng đoàn, Giám đốc Marketing toàn quốc Công ty Yamaha Motor Việt Nam – ông Hoàng Hà lại có những góc nhìn khác. Ông Hà cho rằng các cầu thủ nhí Việt Nam nếu muốn theo đuổi sự nghiệp chuyên nghiệp phải học hỏi chính các cầu thủ nhí 11-12 tuổi mà họ vừa vượt qua khi các em nhỏ Nhật Bản có kỹ năng kiểm soát bóng tốt và lối chơi bài bản.

Ông Hoàng Hà dặn dò các cầu thủ
Ông Hoàng Hà dặn dò các cầu thủ

Ông Hà nói: “Ngay khi trận đấu đang diễn ra, BHL ĐT U13 bóng đá học đường Yamaha cũng nhắc nhở, yêu cầu các học trò phải học tập lối đá hiện đại của đối thủ thấp bé hơn mình”.

AH

– Thể Thao 24h: Một chút cảm nhận cá nhân về sân chơi bóng đá học đường lần đầu được tổ chức này, thưa ông?

– TTK VFF Lê Hoài Anh: Theo tôi được biết, giải đấu đã được tiến hành vòng loại ở 6 địa phương toàn quốc là Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM và Cần Thơ – những địa phương có phong trào tập luyện bóng đá khá sôi nổi. Qua vòng loại đã có 12 đội được tham gia VCK tại Hà Nội. Trước tiên, tôi đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị tổ chức là báo Thiếu niên Tiền phong, Yamaha Motor Việt Nam, công ty CP thể thao 24h, cùng một số nhà tài trợ như Viettel, công ty văn phòng phẩm Hồng Hà… cùng sự bảo trợ của LĐBĐVN.

7D

Tuy VCK lần này diễn ra trong điều kiện thời tiết không được thuận lợi nhưng các trận đấu đều diễn ra rất sôi nổi, nhiệt tình, cũng như số lượng khán giả đến xem các trận đấu, cổ vũ cho các đội bóng rất cuồng nhiệt. Đấy là thành công của giải. Tôi hy vọng qua sự thành công của sự kiện bóng đá như thế này, phong trào tập luyện bóng đá trong các trường trung học cơ sở, các trường tiểu học, phổ thông trung học và cả học sinh, sinh viên sẽ phát triển hơn nữa để nuôi dưỡng được niềm đam mê với môn thể thao được yêu thích nhất tại Việt Nam.

7D2

TTK VFF Lê Hoài Anh.

Bên cạnh đó, tôi cũng hy vọng sự kiện thể thao này góp phần mang các em lại gần gũi với nhau hơn và giúp các em có được những ngày hè bổ ích. Đây cũng là hoạt động thể thao giúp các em nâng cao thể chất và làm phong phú thêm đời sống tinh thần, giúp các em có được sự phấn khởi hơn khi bước vào năm học mới.

– VFF sẽ có những động thái gì để hỗ trợ cho những tài năng bóng đá được chọn ra từ Festival bóng đá này?

– Trong giải đấu lần này, VFF cũng đã có một bộ phận tuyển chọn, theo dõi tất cả các trận đấu từ vòng loại của giải. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ có một kế hoạch tập trung đào tạo cho các cầu thủ lứa tuổi 13. Chúng tôi sẽ có sự trao đổi với gia đình các em có năng lực chuyên môn tốt, có khả năng phát triển, có đam mê với bóng đá để tuyển các em vào đào tạo chuyên nghiệp.

– Theo ông, với sự thành công của giải đấu, những năm sau chúng ta có nên mở rộng thêm ra các địa phương khác trên toàn quốc?

–  Tôi hoàn toàn ủng hộ việc mở rộng giải đấu ra các địa phương trên cả nước, điều đó rất tốt cho phong trào bóng đá của các địa phương, cũng như các em có khả năng, có đam mê với bóng đá. Đặc biệt là các địa phương vùng sâu, miền núi, những nơi còn hạn chế về điều kiện học tập, giải trí cũng như thể thao. Đây không chỉ là cơ hội cọ xát chuyên môn mà còn là cơ hội để các em giao lưu, học hỏi và kết bạn với nhau.

– Xin cảm ơn ông!

TIÊN LÂM (thực hiện)

Xin được mượn lời ca khúc “Bài ca tạm biệt” của cố nhạc sĩ Viết Chung: “Gặp nhau đây, rồi chia tay/Ngày vàng như đã vụt qua trong phút giây/Niềm hăng say còn chưa phai/Đường trường sông núi hẹn mai ra sum vầy…” để khép lại ngày hội bóng đá thực sự ý nghĩa, không chỉ với các cầu thủ bóng đá U.13 từ các tỉnh thành về tụ hội tại Thủ đô lần này…

7t2

Nắng đã lên chênh chếch, trận chung kết đã kết thúc tự bao giờ, các giải thưởng đều đã được trao, các đại biểu, khách mời, các đội bóng đã lần lượt rời sân về liên hoan, hay chuẩn bị hành lý để buổi chiều bay về Sài Gòn, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang… Nhóm CĐV lớn tuổi là thành viên đội bóng lão tướng phường Phú Đô vẫn cố nán lại trên khán đài, tiếc nuối hàn huyên: “Mấy ngày qua vui quá, em ạ. Nhìn các cháu thi đấu trên sân mà nhớ ngày xưa quá. Làng này có truyền thống bóng đá lắm, từ già đến trẻ đều đá bóng hết, đá hay nữa là khác. Tiếc cho các cháu quá nhưng năm sau lại cố gắng thôi. Phải có lúc thắng, lúc thua thì mới là bóng đá, mới có buồn vui chứ nhỉ”.

7t

Nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa động viên cầu thủ THCS Phú Đô.

Dường như tâm sự của ông Hoàng, người dân làng Phú Đô cũng là tâm trạng chung không chỉ của những cầu thủ nhí tham gia giải lần này mà còn là của tất cả khán giả, những người làm công tác tổ chức, đội ngũ phục vụ giải, những phóng viên tác nghiệp tại VCK Festival bóng đá học đường U.13. Sự ngây thơ, trong trẻo, nhiệt tình, vô tư của các cháu làm cho những trận bóng trở nên mềm mại hơn, khơi dậy trong lòng người xem những cảm xúc thật sự, buồn vui theo từng tình huống bóng, từng trận đấu của các con.

“Không sao đâu các con, bóng đá có thắng có thua, quan trọng là chúng ta đã biết thắng chính mình. Các con đá rất hay, rất cố gắng, trường mình tự hào về các con. Đứng lên, mạnh mẽ và mỉm cười nào các chàng trai để rồi chia tay các bạn nữa chứ…”. Đứng bên cạnh, cô giáo trường Phú Đô đỡ các em dậy, vỗ vai khi nhiều em nhỏ sụp xuống sân, khóc hết nước mắt trong nỗi buồn. Chỉ cách chiếc Cúp vô địch có một bước chân nhưng rồi để vuột mất, kết thúc trận, các cầu thủ Phú Đô nằm vật trên sân tiếc nuối. Đỗ Văn Quân – Cầu thủ xuất sắc nhất giải, chân vẫn chườm đá bước đi khó nhọc và khóc nức nở. Không tiếc sao được, khi toàn đội đã nỗ lực đến tận phút cuối cùng, ở rất gần giấc mơ nhưng bất ngờ thất bại trước Ngọc Lâm.

Hô hào, sắp xếp các con chụp ảnh chung với nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa để làm kỷ niệm xong, anh Lê Đắc Chí – giáo viên của trường Huỳnh Thúc Kháng (Đà Nẵng) vẫn chưa hết tiếc nuối: “Giá như hôm qua bọn nhỏ may mắn hơn thì hôm nay biết đâu đã có cơ hội đoạt Cúp. Năm sau, lại mong các con đá tốt vòng loại để lại được tham gia VCK vui và ý nghĩa như hôm nay”.

Trận chung kết của giải diễn ra không quá hào hứng, sôi nổi như những trận đấu trước đó. Nhập cuộc với tinh thần mình là đội yếu hơn, Ngọc Lâm đã triệt để tuân thủ lối chơi phòng ngự, chỉ cắm duy nhất Phan Tấn Đạt – Vua phá lưới của giải – ở tuyến trên. Và toan tính của họ đã thành công, khi hóa giải được hết các tình huống tấn công dồn dập của Phú Đô, đồng thời còn ghi được 2 bàn thắng từ những pha phản công. Bóng đá là thế, đội tấn công nhiều hơn, hay hơn chưa chắc đã là đội sẽ chiến thắng. Cả đội thắng lẫn đội thua, các con rồi đây sẽ phải lớn lên, rồi bôn ba trên đường đời, sân bóng cũng là nơi các con học được những bài học cuộc sống đầu tay của mình.

Ngày hội bóng đá năm nay đã khép lại nhưng là để mở ra một khởi đầu mới, thắp lên mơ ước cho những mầm non bóng đá về một sân chơi mà ở đó, các con vừa được cháy hết mình trên sân cỏ sau những ngày tháng học tập hăng say, vừa có cơ hội giao kết với bạn bè cả nước trong ngày hội lớn, và là cơ hội để những tài năng được định hướng cho tương lai tươi đẹp mai sau.

TIÊN LÂM

Đứng trên khán đài chờ các con ra về sau trận thua đậm đến 1-6 trước Phú Đô, anh Nguyễn Xuân Thìn – phụ huynh cầu thủ đội Hoa Lư tươi cười chia sẻ: “Mấy đứa được lọt vào đá trận bán kết là vui lắm rồi anh ơi. Được ra Hà Nội đá, cho tụi nhỏ có một kỳ đi chơi, tham gia với các bạn là hạnh phúc lắm rồi. Chỉ dám cố gắng thắng được một trận cho các con hưởng niềm vui chiến thắng, vậy mà thắng đến 2 trận liền. Tuy là trận bán kết nhưng anh em tui đã thống nhất cho các cháu dự bị vào sân hết, để tất cả đều được ra sân, được chơi bóng. Cũng xác định với các con thật thoải mái khi vào trận, sáng nay tụi tui cho bọn nhỏ đi thăm lăng Bác, thăm Hồ Gươm, định đi Văn Miếu nhưng sợ các con mỏi chân, chiều không đá được nên mới về. Mà cũng hay, tụi nhỏ thua xong là quên liền hà. Anh nhìn kìa, tụi nó lại chơi đùa tung tăng dưới sân. Người lớn đá banh còn máu me ăn thua, chứ tụi nhỏ hổng nghĩ gì hết trơn. Vậy mới là vui đó, anh nhỉ?”.

6D

Mới 2 hôm trước thôi, Lương Tri – chân sút chủ lực của Huỳnh Thúc Kháng, hiện đang dẫn đầu danh hiệu Vua phá lưới với 10 bàn còn quay sang trách móc đồng đội, hôm nay lại nhận được rất nhiều sự an ủi, động viên, khen ngợi của các bạn vì sợ Tri buồn sau khi bỏ lỡ cơ hội quý giá của đội nhà trên chấm phạt đền. Nếu bàn thắng được ghi, chưa chắc Huỳnh Thúc Kháng đã phải thua trận với cách biệt chỉ đúng 1 bàn trước Ngọc Lâm. Với cầu thủ mang số áo 11 này, chắc hẳn những trận bóng vừa qua đã giúp em nhận ra được nhiều điều.

Mải an ủi Tri, an ủi lẫn nhau, các cầu thủ của đội Huỳnh Thúc Kháng quên béng cả nỗi buồn thua trận, quên béng cả việc chỉ cách trận chung kết mà các con mong mỏi có một bước chân. Chỉ còn lại nơi đây những lời hò hẹn ngày mai sẽ ra sớm để xem các bạn đá trận chung kết, để nhận giải Ba, và một thoáng tiếc nuối khi những ngày vui qua nhanh quá để rồi ngày mai phải xa nơi này, chia tay những người bạn vừa quen.

6d2

Hò hét đến khản cổ trên khán đài, ngoài hàng rào theo từng đường bóng của các con trên sân, lo lắng cho các con mỗi khi có cầu thủ nằm sân, động viên vì sợ các con buồn khi thua trận, vui mừng đến phát khóc khi các con có cơ hội được tham gia trận chung kết, rất nhiều phụ huynh đều tâm sự rằng rất vui khi sau giải đấu, các con sẽ có nhiều bạn bè hơn: “Ở trong trường, tụi nhóc lớp nào cũng chỉ chơi trong lớp với nhau, cùng nhau tham dự giải rồi, về các con sẽ biết, hiểu nhau hơn và sẽ chơi với nhau, rồi bạn bè của tụi nó cũng sẽ quen và chơi với nhau. Như vậy lỡ có xích mích trong trường, tụi nhỏ cũng dễ dàng bỏ qua cho nhau, tránh được những va chạm không cần thiết, kết bè kéo cánh, gây tổn hại đến nhau…”.

Hôm nay đá bóng với nhau trên sân, tuy căng thẳng, quyết liệt nhưng các con đã biết kéo bạn dậy, bắt tay xin lỗi sau một pha va chạm, các con đã biết dù buồn, dù nước mắt rơi vẫn sang tận nơi cảm ơn đối thủ. Dù say sưa trong chiến thắng vẫn sang an ủi, động viên cho các bạn bớt buồn, bớt tủi thân, biết bỏ qua những sai lầm của đồng đội và chứng minh đội bóng là một khối thống nhất. Đó là điều giá trị mà bóng đá và đam mê như chiếc cầu nối.

Cơn giông chiều đã tạnh, mặt trời kéo hoàng hôn đi vội, trải lại những tia nắng rực rỡ cuối ngày lên những gợn mây, vàng rực một góc trời Mỹ Đình. Chỉ còn một trận đấu cuối nữa thôi, rồi chia tay. Đâu đây ríu rít tiếng cười đùa vọng ra từ khu nhà ở của trung tâm đào tạo trẻ VFF.

Mai xa rồi, sẽ nhớ lắm đây. Xa rồi nhưng những kỷ niệm, những nụ cười hôm nay sẽ còn mãi theo các em đến suốt cuộc đời.

KẾT QUẢ BÁN KẾT

Phú Đô – Hoa Lư 6-1

Huỳnh Thúc Kháng – Ngọc Lâm 1-2

LỊCH THI ĐẤU CHUNG KẾT (NGÀY 07/06)

8h15: Phú Đô – Ngọc Lâm (TTTT trên kênh Bóng đá TV, Thể thao TV, Thể thao tin tức HD)

TIÊN LÂM

6t

Với sự góp mặt của đội “chủ nhà” trường THCS Phú Đô và hàng ngàn CĐV trên khán đài “trống dong cờ mở”, những tiếng hò reo cổ vũ, động viên, xuýt xoa theo từng đường bóng làm khán đài nóng lên trông thấy, bất chấp mưa gió vần vũ ngoài trời. Không những thế, lực lượng CĐV là giáo viên, phụ huynh của 11 đội bóng còn lại cũng khí thế không kém khi dõi theo từng diễn biến trên sân của các con.

Náo động một góc khán đài là các cô giáo trường THCS Ngọc Lâm (Hà Nội). Các cầu thủ nhí dù chỉ được tuyển chọn trực tiếp bởi giáo viên thể dục và chỉ tập luyện từ 11/05 sau khi kết thúc kỳ thi học kỳ nhưng bù lại các em nhận được sự chăm lo và cổ vũ cực kỳ nhiệt tình.

Anh Nguyễn Xuân Thìn, phụ huynh của trường Hoa Lư (TP.HCM) theo các con ra Hà Nội tâm sự rằng từ ngày Quận 9 phát triển phong trào bóng đá với hàng loạt sân cỏ nhân tạo mọc lên, các tệ nạn trong khu vực giảm nhiều và rất may, các em có sân chơi để rèn luyện sức khỏe. Để toàn đội được ra Hà Nội tham dự VCK, các anh phải vận động, thuyết phục những gia đình không muốn cho con đi xa, để các em được tham gia ngày hội bóng đá: “Tụi nhỏ hên quá anh ơi, toàn thắng bằng đá luân lưu không à. Được đi Hà Nội đợt này là sướng lắm rồi, phải cho tụi nhỏ đi hết chớ, kẻo đứa ở nhà lại tủi thân. Ở ngoại ô, hổng phải nhà nào cũng có điều kiện hết nhưng thôi, coi như bù qua bù lại, cho tụi nhỏ có kỳ nghỉ hè vui vẻ, còn thắng thua quan tâm làm chi”.

Ở một góc sân, các ông bố, bà mẹ của đội Nguyễn Thị Định bám hàng rào, đội mưa chăm chú dõi theo từng đường bóng của các con. Họ tận dụng tấm băng-rôn tự làm để cổ vũ các con che lên đầu, nhất quyết bám trụ. Thậm chí, một phụ huynh còn được phân công tay cầm iPad, tay điện thoại để “tường thuật trực tiếp” cho những người ở nhà. Thua trước, thắng ngược 2-1 rồi bị gỡ hoà, mãi phút cuối mới chiến thắng nên tất cả vỡ oà.

“Vui lắm, cả chục gia đình cùng ra Hà Nội với các con. Tụi tui xin thuê phòng ở VFF để được ở gần đội, chăm sóc và chia sẻ. Hiếm có cơ hội như thế này, chúng tôi muốn lần ra Hà Nội tham dự VCK này giống như những ngày hội của gia đình vậy…”, một phụ huynh của trường Nguyễn Thị Định cười tươi dưới mưa.

Đứng ngoài hàng rào cùng vợ và cậu con út, anh Hùng liên tục hò hét động viên cậu con trai át cả tiếng các HLV. Cậu út quay sang nói với mẹ: “Vậy là anh Tri giữ đúng lời hứa hén, ghi 2 bàn luôn rồi kìa. Anh Hai là nhứt”. Hôm nay, hẳn chú nhóc Lương Tri (trường Huỳnh Thúc Kháng – Đà Nẵng) là người hạnh phúc nhất trên đời.

KẾT QUẢ THI ĐẤU

THCS Hưng Đồng (Nghệ An)2-1 Âu Cơ (Nha Trang); Nguyễn Thị Định (TP.HCM)3-2 Bình Thủy (Cần Thơ); Phú Đô (Hà Nội) 2-0 Lê Lợi (Đà Nẵng); Thốt Nốt (Cần Thơ) 0-1 Ngọc Lâm(Hà Nội); Huỳnh Thúc Kháng (Đà Nẵng) 4-2 Nghi Long (Nghệ An); Lương Định Của (Nha Trang) 0-2 Hoa Lư (TP.HCM)

LỊCH THI ĐẤU NGÀY 04/06:

Hưng Đồng – Ngọc Lâm

Nguyễn Thị Định – Nghi Long

Phú Đô – Hoa Lư

Âu Cơ – Thốt Nốt

Bình Thủy – Huỳnh Thúc Kháng

Lê Lợi – Lương Định Của

TIÊN LÂM

“Giải đấu năm nay rất thành công và tôi nghĩ cần được nhân rộng hơn thay vì chỉ có 16 đội, để tổ chức được dài ngày nhằm giúp các em có sân chơi bổ ích”, chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương – người đang phụ trách mảng bóng đá học đường của LĐBĐ TP.HCM – bày tỏ nuối tiếc trong ngày bế mạc.

Doan Minh Xuong

Chuyên gia Đoàn Minh Xương.

“Vai trò của bóng đá học đường cùng công tác đào tạo trẻ là nền tảng căn bản để phát triển. Bóng đá học đường đã từng là bệ phóng cho rất nhiều tài năng lớn của BĐVN, điển hình như những tiền đạo xuất sắc của ĐTVN bây giờ là Lê Công Vinh và Nguyễn Hải Anh đều đi lên từ bóng đá học đường.

Ở các những quốc gia bóng đá phát triển, bóng đá học đường đều được đầu tư, chú trọng phát triển. Có một ví dụ thực tế mà ai cũng thấy, ĐTVN thường đá giao hữu với Sinh viên Hàn Quốc và trình độ không hề chênh lệch. Đó là lý do vì sao chúng ta cần phát triển bóng đá học đường để trang bị kỹ năng sống, nuôi dưỡng đam mê từ nhỏ cho các em nhằm tìm kiếm được những tài năng bóng đá xuất sắc.

Trên hết, nếu các em không thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp trong tương lai thì quá trình tập luyện cũng mang lại rất nhiều lợi ích, giá trị khác. Đó là nơi để thoả mãn đam mê, tính kỷ luật và sự đoàn kết, do bóng đá là môn thể thao tập thể. Ngoài ra, các em sẽ được rèn luyện sức khỏe để học tập, phát triển về nhân cách, tri thức và thể hình.

Hiện nay, bóng đá học đường của TP.HCM đã hình thành hệ thống thi đấu nhưng chưa thể phát triển mạnh. Lý do bị hạn chế về sân bãi, kinh phí, giáo viên của các trường không am hiểu nhiều về bóng đá. Đây là thiệt thòi cho các em, khi đam mê và nhu cầu của trẻ em với bóng đá là điều cả xã hội biết.

Tôi biết nhiều phụ huynh mong muốn các con em được vừa học vừa chơi thể thao lành mạnh nhằm phát triển về tri thức lẫn sức khỏe. Thế nên, hy vọng trong tương lai thì bóng đá học đường sẽ phát triển vững mạnh để các em được vui chơi bổ ích và góp phần phát triển bóng đá nước nhà”.

Hiện tại, TP.HCM có hơn 80 trường đưa bóng đá vào trường học với số lượng hơn 4.000 học sinh thường xuyên tham gia tập luyện.

VĂN NHÂN (ghi)

IMG_0082

Đưa cánh tay gạt đi những giọt nước mắt đang lăn dài trên mặt, phụ huynh của em Lê Minh Khôi (THCS Hoàng Văn Thụ), chị Nguyễn Thị Hoài Lương ôm đứa con trai vào lòng cùng lời an ủi: “Đừng buồn nữa con ơi. Hôm nay con của mẹ đã thi đấu tốt lắm. Mẹ tự hào về con nên đừng khóc nữa nhé”. Khắp trên sân bóng Kỳ Hòa đã trải đầy những khoảnh khắc xúc động như thế, khiến cho tất cả bỗng dưng cứ rưng rưng vì cảm xúc. Thứ cảm xúc rất thật, rất đời, bóng đá và đầy hồn nhiên, dù tất cả biết rằng giải đấu cũng chỉ là một sân chơi nhằm giúp các em rèn luyện sức khỏe chứ không phải chuyện thắng thua.

“Có vé đi Hà Nội rồi”, “chúc mừng các con…”, mấy chục phụ huynh cùng người thân của các cầu thủ nhí trường THCS Nguyễn Thị Định nở nụ cười hạnh phúc cùng những tiếng reo vui, sự vỡ oà. Họ đã đồng hành cùng các con trên một hành trình trải nghiệm đáng nhớ và như lời chia sẻ của chị Nguyễn Thị Minh Thu thì “2 hôm nay, tôi và cháu dậy từ lúc 5h sáng để đến sân sớm nhất. Cả nhà cùng háo hức, chuẩn bị kỹ lắm. Con được vui chơi thỏa thích là niềm vui lớn đối với tôi. Chắc chắn tôi sẽ đặt vé máy bay đi Hà Nội để cổ vũ cho con”.

IMG_0051

Những giọt nước mắt và nụ cười còn xuất hiện nhiều hơn nữa khi trận đấu giữa 2 trường THCS Hoa Lư và THCS Nguyễn Văn Tố phải giải quyết thắng thua trên chấm phạt đền. Những cầu thủ nhí của trường Nguyễn Văn Tố đã khóc nghẹn ngào trong vòng tay của các ông bố, bà mẹ do thất bại. Thế nhưng nỗi buồn ấy đã được xua đi nhanh chóng khi mọi người xúm lại động viên các em bằng những lời khen, động viên. Khoảnh khắc ấy thật sự đẹp biết bao, khi cả phụ huynh của đội thua lẫn đội thắng hòa cùng sát lại cùng nhau để trải lòng với các con.

anh 2

“Thắng thua không phải là điều quan trọng nhất mà phụ huynh được đồng hành cùng con em mới là điều giá trị nhất. Chính những khoảnh khắc xúc động trong ngày hôm nay sẽ giúp cho các em hiểu được bố mẹ là điểm tựa lớn nhất cuộc đời, còn chúng tôi cũng sẽ hiểu hơn về con mình. Thế nên tôi mong sân chơi này được nhân rộng để cho các ông bố, bà mẹ có dịp đồng hành cùng các con”, thầy Nguyễn Tấn Tài (THCS Hoàng Văn Thụ) chia sẻ.

anh 5

Ngày hạ màn thật xúc động và đầy cảm xúc. Thật đẹp biết bao khi anh Thanh Dũng (Phụ huynh trường THCS Nguyễn Thị Định) tiếp nước cho các cầu thủ nhí của “đối thủ” THCS Hoàng Văn Thụ. Trong khi đó, bà Lê Thị Mến kể chuyện mà nghẹn lời, khi “dù khóc nhiều đêm vì không được các thầy chọn đi thi đấu nhưng Tuấn Kiệt vẫn nằng nặc đòi bà nội chở đi cổ vũ cho các bạn”. Trốn ra ngoài trong thời khắc đội nhà thi đấu phạt đền, em Phúc Tịnh (THCS Hoa Lư) nói một cách hồn nhiên: “Em không dám nhìn vì sợ đội nhà thua, sợ không được đi Hà Nội quá, anh ơi…”

Anh 3

Dẫu biết “bữa tiệc nào cũng phải tàn” và thời khắc cuối cùng ghi lại những cảm xúc trái ngược nhau nhưng 2 ngày trải nghiệm cùng giải đấu thực sự quá tuyệt vời dành cho các ông bố, bà mẹ với các cầu thủ nhí. Nụ cười lẫn giọt nước mắt của họ đã đi vào trái tim những ai dõi theo giải đấu như điều thân thương và gần gũi nhất. Và trong lúc ra về, mọi người có chung ước ao là “giá như giải đấu có thể kéo dài hơn thì thật tuyệt vời”.

Ở 2 trận đấu cuối cùng, Hoa Lư hòa 2-2 trước Nguyễn Văn Tố và thắng 5-4 trong loạt sút luân lưu, trong khi Nguyễn Thị Định thể hiện sự vượt trội với chiến thắng cách biệt 11-1 trước Hoàng Văn Thụ. Như vậy, Hoa Lư và Nguyễn Thị Định là 2 đại diện của TP.HCM giành vé dự VCK ở Hà Nội.

VĂN NHÂN

Trên sân, những tiếng bước chân chạy, tiếng “bịch, bịch” của giày chạm bóng, tiếng còi của trọng tài, tiếng các bạn la hét gọi nhắc nhau khi phối hợp. Ngoài đường biên, HLV cũng luôn theo sát để nhắc nhở, chỉ đạo và xen lẫn những âm thanh bóng đá đó có “lên đi”, “sát vào”, “cố lên con”…, với tiếng reo hò khi đội nhà lên bóng, tiếng suýt xoa khi một đường bóng, cú sút đẹp nhưng không thành của các mẹ, các bà theo các con đến sân đấu.

ph

Các mẹ – vừa là cổ động viên đặc biệt…

Khuôn mặt rạng ngời, chị Nguyễn Thị Thu Hồng, mẹ cháu Ngô Đình Hải vừa vỗ tay cổ vũ vừa hồ hởi kể chuyện: “Con mình tập bóng đá từ năm lớp 1. Lên cấp 2, cháu vào trường Nguyễn Thị Định, vì trường vừa dạy học văn hóa, vừa có tập năng khiếu thể thao, bạn nào học chưa tốt sẽ không được tham gia tập nên các con rất nỗ lực học để được tham gia hoạt động yêu thích. Tập luyện bóng đá ở trường, các con vừa có cơ hội rèn luyện sức khỏe, vừa giao lưu phát triển nhân cách qua tương tác với các bạn, đồng đội. Các con rất yêu thương nhau, theo đó cha mẹ cũng kết thân, cùng theo cổ vũ mỗi khi thi đấu và có lúc mẹ còn hào hứng hơn cả con ở trên sân…”

anh 2

Vừa là săn sóc viên tận tình cho các con.

Chị Hoàng Thị Vân, mẹ cháu Đào Thanh Tùng thì cho biết cả bố cháu và bà ngoại cũng đến sân. Cứ mỗi lần cu cậu đi thi đấu, giao lưu là cả nhà đi cùng cổ vũ. Chị bảo cho con chơi bóng không hề thấy lo ngại, vì tuổi này các con rất hồn nhiên nên va chạm cũng nhẹ nhàng. Vả lại, “sợ con buồn khi không được ra sân còn hơn nỗi sợ chấn thương”.

Các cháu hăng say tập luyện nhưng vẫn đạt thành tích khá giỏi trong học văn hóa và cân bằng được giữa học tập với hoạt động thể thao, khiến các chị yên tâm và vui mừng. Trong môi trường thể thao, các con được dạy để có những ứng xử chuẩn mực, không có những ngôn từ thiếu văn hóa khi thi đấu dù có va chạm hay căng thẳng, đó là điều các chị tâm đắc nhất.

Khi được hỏi về việc có nghĩ tới con sẽ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, chị Thu Hồng chia sẻ rằng có thể trong số các cậu bé đam mê này sẽ có em sẽ theo nghiệp và thành tài, nhưng quan trọng nhất là các con được thỏa niềm đam mê. Quan trọng là các con mạnh khỏe, có tinh thần đồng đội và cùng với kiến thức văn hóa sẽ giúp vững vàng trong cuộc sống.

Câu chuyện bị cắt ngang bởi tiếng còi và tiếng reo hò mừng trận thắng khi Nguyễn Thị Định chiến thắng, ở trận đấu Khánh Bình cũng chơi rất hay và để lại nhiều nuối tiếc cho nhiều người. Nhiều phụ huynh trường Nguyễn Thị Định cho hay, nếu các con thắng trận vòng loại cuối cùng trong sáng 17/05 và được ra Hà Nội thi đấu VCK, các chị sẽ theo cổ vũ con, những niềm tự hào với đam mê, tình yêu vẹn nguyên của trẻ thơ với trái bóng tròn.

MỸ DUNG

hs

Gần cả trăm phụ huynh đã chở con đến sân bóng Kỳ Hòa ngay từ sáng sớm. Họ cùng nhau tạo nên thứ giai điệu đầy sắc mầu bóng đá mà không dễ bắt gặp giữa lòng TP.HCM đầy náo nhiệt. Các cầu thủ nhí nhốn nháo gọi nhau, đùa vui háo hức khi chuẩn bị cho trận đấu còn các ông bố, bà mẹ ai cũng có thể thành một săn sóc viên, HLV. Tất cả tạo thành một thứ giai điệu rất đặc biệt, đầy ắp tiếng cười hồn nhiên.

ph

Lúc khởi động, nhiều cầu thủ nhí cứ sờ vào mặt sân cỏ nhân tạo một cách đầy thích thú, do đa số các em chỉ được chơi bóng trên mặt sân xi măng ở trường. Thế nên không ít em còn ngơ ngác hỏi “thầy ơi, đường biên nằm ở đâu vậy?”. Trong khi đó, trang phục của các em cũng đem đến những tiếng cười đầy sảng khoái. Trước ngày tham gia giải, bộ đồ thi đấu của trường THCS Diên Hồng đã bị thất lạc nên cả đội phải mặc tạm đồ cũ và quá cỡ so với thể hình nhỏ bé của các em. Sau khi kết thúc trận đấu, nhiều em cứ chạy theo hỏi “thầy ơi, quần của em đâu ạ” khiến thầy Thiên Phúc chỉ còn biết phì cười.

Sự thú vị còn đến từ những món quà “độc và lạ” mà các trường hứa trao tặng cho các em. Trường THCS – THPT Quốc Văn Sài Gòn đưa ra giải thưởng là một chuyến đi tắm ở Đầm Sen còn trường THCS Trần Phú sẽ biểu dương cả đội trước lễ chào cờ. Trong khi đó, các cầu thủ nhí của trường THCS Hoàng Văn Thụ mừng như đoạt Cúp khi thầy giáo la lớn: “Thắng rồi, đứa nào uống nước mía thì theo thầy”.

Không chỉ các cầu thủ mà những thầy giáo làm HLV “bất đắc dĩ” cũng mang đến những điều bất ngờ. Rất nhiều lần, thầy Thiên Phúc (THCS Diên Hồng) đã bị nhắc nhở vì cuốn vào trận đấu quá, chạy luôn vào sân để chỉ đạo cho các học trò, với những tiếng “hét ra lửa”. Ở ngoài đường biên, các phụ huynh cũng được lăn theo trái bóng cùng các con, với những tiếng hò hét, động viên khích lệ và thậm chí chỉ đạo to hơn cả HLV. Cũng lo lắng, hồi hộp, vui sướng, cũng bình luận và reo hò ăn mừng, họ nở những nụ cười hạnh phúc khi được đồng hành cùng con mình ở một sân chơi thể thao lành mạnh..

Tất cả đã tạo nên một ngày hội bóng đá đầy thú vị, khi trên khắp mặt sân đầy ắp những tiếng cười của các cầu thủ nhí và phụ huynh. Thế nên ai cũng nuối tiếc, khi tiếng còi của trọng tài cất lên và như chia sẻ của anh Giãn Ngọc Hùng thì “giá như cuối tuần nào cũng có ngày hội bóng đá như thế này. Tôi rất thích khi con mình được tham dự một sân chơi bổ ích và mình có cơ hội được đồng hành cùng các con”.

Ở ngày khai mạc, Nguyễn Du thua Kim Đồng 0-4, Diên Hồng hoà Hoa Lư 3-3 và thua 3-4 ở loạt sút luân lưu. Nguyễn Văn Tố thắng đậm Wellspring Sài Gòn 9-1, Hồng Bàng vượt qua Ngô Tất Tố 3- 1, Trần Phú hạ Colette 2-0, Hoàng Văn Thụ vượt qua Lý Tự Trọng 3-2 trong khi Nguyễn Thị Định thắng Quốc Văn Sài Gòn 11-1 còn Trường Sơn thua Khánh Bình 0-5.

Ở lượt đấu loại trực tiếp giữa các đội thắng diễn ra chiều qua, Hoa Lư vượt qua Kim Đồng với tỷ số 7-0, Nguyễn Văn Tố thắng Hồng Bàng 5-4, Hoàng Văn Thụ hạ Trần Phú 3-0 và Nguyễn Thị Định thắng Khánh Bình 2-0. Sáng nay (17/05), 2 trận đấu cuối cùng để xác định 2 tấm vé dự VCK tại Hà Nội sẽ diễn ra trên sân Hoa Lư.

VĂN NHÂN