Café 24h: Đi Nhật, học gì?

Không rõ có phải là một chiến lược mang tính tổng thể hay không nhưng rõ ràng BĐVN giờ đây chịu tác động quá lớn từ phía Nhật Bản.

Một ông HLV trưởng ĐTQG người Nhật, nhà tài trợ cho ĐTQG và ĐT nữ cũng Nhật Bản luôn. Nhà tài trợ chính cho V.League là một nhãn hàng xe hơi nổi tiếng từ Nhật. Khi V.League thiếu trọng tài, cũng sẽ có những trọng tài người Nhật sang giúp sức.

Hè này, gần như là lần đầu tiên có ít nhất 2 trại hè cho bóng đá trẻ được tổ chức rầm rộ. Đáng nói, bảo trợ cho những trại hè này cũng là những hãng lớn từ Nhật Bản và kết thúc trại hè họ đều có những chuyến đi dã ngoại, thi đấu giao hữu tại Nhật Bản.

Có thể nói đó là những chuyến “Đông du” nhỏ, những bước chân chập chững của những cầu thủ học sinh tiếp cận một “nền văn minh bóng đá lớn”, đó là Nhật Bản. Thật khó kỳ vọng vào việc có thể học hỏi ngay một điều gì đó nhưng ít nhất từ những chuyến đi này, mỗi cầu thủ có thể hình dung ra được để trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp, trong môi trường chuyên nghiệp thì phải làm như thế nào.

HLV trưởng ĐTQG Việt Nam cũng là một người Nhật - ông Miura
HLV trưởng ĐTQG Việt Nam cũng là một người Nhật – ông Miura

Tại sao chúng ta không thể bằng Nhật Bản? Câu hỏi này người ta hỏi nhau hàng triệu lần từ thời lần đầu nhìn thấy chiếc TV màu Sanyo vỏ đỏ, chiếc xe đạp điện, cái tủ lạnh Hitachi, cái nồi cơm điện cho đến chiếc xe máy, chiếc xe hơi…

Những người đi Nhật về Việt Nam tự hỏi thế này: Vậy người Nhật hơn người Việt ở chỗ nào? Xin thưa người Nhật chưa chắc đã thông minh hơn hẳn người Việt, nước Nhật không chắc giàu tài nguyên như nước Việt. Sự khác biệt ở đây chính là ý thức con người.

Ở một xã hội khi mà mỗi người làm một việc gì đó, chữ “cộng đồng” cao hơn tham vọng và ý muốn của mỗi cá nhân. Ở Nhật có một cuộc cách mạng mang tên “nhân bản”, tức là các phát minh dù là điên rồ nhất cũng chỉ phục vụ đúng một mục đích là giải phóng sức lao động của con người.

Nhưng để có được những điều đó, người Nhật đã và đang lao động cực nhọc. Những nhà tư tưởng lớn của nước Nhật hiện đại cho đến nay vẫn khẳng định là trí tuệ, sự thông minh không phải do di truyền, không phải do đào tạo mà chính là do quá trình lao động nặng nhọc mà thành. Đó là tiền đề cho sự phát triển của Nhật Bản.

Vậy thì chúng ta học gì trong những chuyến đi ngắn của những cầu thủ trẻ? Đôi khi chỉ là những thông điệp đơn giản mà ai cũng có thể biết: Muốn thành công phải lao động, lao động miệt mài. Và giá trị của mỗi con người không phải là anh ta đã làm gì cho mình mà là đã làm được gì cho cộng đồng.

Cầu thủ hay mỗi người lao động đều như vậy, giá trị của mỗi chuyến “Đông du” chính là ở chỗ đó. Thấy người ta lớn để biết mình có thể lớn, chứ không phải thấy người ta lớn để lại thấy mình nhỏ hơn.

SONG AN